Cây cứt lợn là cây hoa gì?
Cây cứt lợn (tên khoa học Ageratum conyzoides), còn gọi là cây hoa sắc, cây bù xít, thắng hồng kế, cỏ hôi, là một loài cây thuộc họ Cúc. Cây thường được dùng như một loài cây thuốc trong Đông Y, hiệu quả trong điều trị viêm xoang, rong kinh, gàu ngứa, vết thương lở loét.
Đặc điểm của cây cứt lợn
Cây Cứt lợn, một loại thân thảo, mọc đứng có chiều cao từ 25 đến 50 cm. Thân cây hình trụ, được bao phủ bởi lớp lông mềm, có màu lục hoặc tím đỏ. Lá mọc đối, có răng cưa tròn, bề mặt lá mịn màng và nhạt, và phần dưới của lá có mùi hôi.
Cụm hoa của cây mọc ở đỉnh thân hoặc đầu cành, với hoa có màu tím hoặc trắng. Quả của cây có 5 sóng dọc và có màu đen. Cây Cứt lợn ra hoa quanh năm.
Trên toàn thế giới, cây Cứt lợn xuất xứ từ châu Mỹ và sau đó đã phát triển rộng rãi ở các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới. Ở châu Á, cây phổ biến nhất ở Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia và một số địa điểm khác.
Ở Việt Nam, cây thường mọc tự nhiên từ vùng núi cao cho đến các tỉnh trung du và đồng bằng. Thường thấy cây mọc ở ven đường, nương rẫy, và bãi sông
Tác dụng của hoa cứt lợn đối với sức khỏe
Theo y học cổ truyền: Chúng có vị hơi đắng, tính hàn vì vậy có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng và cầm máu hiệu quả. Lá khi vò có mùi hôi có tác dụng gây nôn.
Theo y học hiện đại: Theo nhiều nghiên cứu, hoa cứt lợn có tác dụng nổi bật như:
- Khả năng chống viêm, chống phù nề và chống dị ứng từ thiên nhiên.
- Ở nồng độ thấp, có tác dụng làm giãn mạch ngoại biên.
- Giúp loãng dịch đờm và tăng dẫn lưu dịch ra khỏi các hốc xoang, cải thiện tình trạng thở khò khè, nghẹt mũi và khó chịu.
- Ngăn ngừa táo bón nhờ lượng chất xơ giúp mềm phân.
- Dùng ngoài da, lá cứt lợn giã dùng làm thuốc đắp vết thương phần mềm.
- Ngoài ra, loài cây này còn được kết hợp với bồ kết để nấu dầu gội, có mùi thơm, sạch gàu và giảm gãy rụng.
Các bài thuốc quý của cây Cứt lợn
Điều trị viêm xoang
Nước cốt hoa cứt lợn giúp tiêu dịch mủ trong các xoang mũi, làm sạch dịch nhờn và thông thoáng các hốc xoang.
Cách điều chế: bạn chuẩn bị 100g lá cây Cứt lợn tươi, rửa sạch, giã nát lấy nước, rồi nhỏ 2 – 3 giọt vào mỗi lỗ mũi . Thực hiện 2 – 3 lần/ngày đến khi tình trạng xoang được cải thiện.
Ngoài ra, bạn có thể áp dụng bài thuốc dân gian gồm: cây Cứt lợn 30g, Kim ngân hoa 20g, Ké đầu ngựa 12g, Cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần uống trong ngày.
Điều trị vết thương chảy máu
Lá Cứt lợn cũng hiệu quả làm thuốc đắp chữa vết thương phần mềm, vết lở loét, vết đứt, vết chém…
Để thực hiện, bạn cần dùng một nắm cây Cứt lợn (bao gồm cả thân, lá, và hoa), rửa sạch và cắt nhỏ. Đắp thuốc trực tiếp lên vùng da bị tổn thương và cố định bằng băng gạc. Thay thuốc và băng gạc 2 lần mỗi ngày cho đến khi vết thương lành lại.
Hỗ trợ phụ nữ bị rong kinh
Chuẩn bị cây cứt lợn tươi 30 – 50g, rửa sạch với nước muối, giã nát, vắt lấy nước cốt, uống trong 3 – 4 ngày.
Giảm đau nhức do sưng tấy, trật khớp, sái khớp
Rửa sạch cây cứt lợn và phơi khô. Khi sử dụng, lấy một nắm cây cứt lợn, hơ lửa cho ấm ấm rồi đặt lên chỗ đau nhức để làm giảm triệu chứng.
Trị gàu, ngứa da đầu
Bạn chuẩn bị 200g hoa cứt lợn tươi, kết hợp với 20g bồ kết nướng.
Nấu với khoảng 1 lít nước. Khi nước nguội, bạn có thể sử dụng nước này để gội đầu 3 lần/tuần, giúp giảm gàu và ngứa da đầu một cách hiệu quả..
Hỗ trợ điều trị sỏi tiết niệu
Bạn áp dụng bài thuốc Đông Y sau:
- Hoa cứt lợn: 20g
- Kim tiền thảo: 16g
- Râu ngô: 12g
- Mã đề: 20g
- Cam thảo đất: 16g
Sắc 5 chén nước, đến khi cạn còn khoảng 2 chén. Gạn ra, chia nhỏ để uống 2 – 3 lần trong ngày.
Một số lưu ý khi dùng cây Cứt lợn làm thuốc
Cây hoa cứt lợn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe, đặc biệt trong việc điều trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, khi sử dụng loại thảo dược này, bạn cần lưu ý một số điều quan trọng sau:
- Nước cốt hoa Cứt lợn có mùi khá nồng, dễ làm người bệnh khó chịu, nôn ói. Nên tránh sử dụng cho trẻ em và phụ nữ mang thai.
- Cây hoa cứt lợn chỉ thích hợp trong điều trị viêm xoang nhẹ, không phù hợp nếu người bệnh bị bít tắc do mủ ngay lỗ thông mũi xoang.
- Nếu xuất hiện các tình trạng dị ứng như phát ban, ngứa khi sử dụng cây Cứt lợn, người bệnh nên ngưng sử dụng để đảm bảo an toàn.
- Trong giai đoạn viêm mũi, nước mũi chuyển từ giai đoạn tiết dịch sang giai đoạn nhầy, người bệnh cần kết hợp sử dụng với các loại thuốc giúp giảm xuất tiết của niêm mạc mũi. Nếu tiếp tục sử dụng hoa Cứt lợn, nước mũi có thể liên tục chảy, gây khó chịu.
Câu hỏi thường gặp
Chữa viêm xoang bằng cây hoa ngũ sắc có được không?
Cây hoa ngũ sắc, hay còn gọi là cây hoa Cứt lợn, thực sự là một phương pháp chữa trị hiệu quả cho viêm xoang. Nó có thể giảm viêm, giảm tắc mũi, giảm hắt hơi, giảm dịch nhầy và giảm đau vùng xoang.
Có thể sử dụng nước cốt hoa Cứt lợn điều trị viêm xoang thay cho Kháng sinh được không?
Trong trường hợp bạn bị viêm xoang tiến triển nặng, có sự xâm nhập của vi khuẩn. Bạn nên đi khám và sử dụng kháng sinh để điều trị theo đúng phác đồ của Bác sĩ. Nước cốt hoa Cứt lợn dùng để hỗ trợ trong trường hợp viêm xoang nhẹ do thời tiết, khói bụi,… Bạn cũng nên tham khảo ý kiến Bác sĩ thêm nếu tình trạng viêm xoang diễn ra trên 7 ngày.
Cây hoa cứt lợn, với các thành phần và tác dụng đa dạng của nó, đã chứng minh là một nguồn dược liệu quý giá trong Đông y. Từ việc hỗ trợ điều trị viêm xoang, cải thiện các vấn đề hô hấp, đến việc chăm sóc da và tóc, loại cây này mang lại nhiều lợi ích sức khỏe đáng kể. Tuy nhiên, cần lưu ý sử dụng cây này một cách thận trọng, đặc biệt là với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, để tránh các tác dụng phụ không mong muốn. Việc tìm hiểu kỹ và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng là điều cần thiết để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.