Hở van hai lá là một tình trạng y khoa nghiêm trọng ảnh hưởng đến chức năng của van tim. Để hiểu rõ hơn về bệnh này, hãy cùng tìm hiểu về triệu chứng, nguyên nhân, đối tượng nguy cơ, cách chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị.
Tổng quan chung
Hở van 2 lá là tình trạng van 2 lá (một trong số các van tim) bị hở, gây ảnh hưởng tới sự di chuyển của dòng máu trong tim, cụ thể nó làm cho máu chảy từ tâm thất về tâm nhĩ trái trong thì tâm thu. Do van 2 lá nối liền tâm nhĩ trái và tâm thất trái, bình thường van 2 lá sẽ mở trong thì tâm trương để máu từ tâm nhĩ trái chảy xuống tâm thất trái và đóng lại trong thì tâm thu để ngăn không cho dòng máu đi ngược từ tâm thất lên tâm nhĩ bên trái.
Triệu chứng
Với những trường hợp hở van hai lá nhẹ hoặc vừa, bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì. Thậm chí với những trường hợp hở van hai lá nặng, trong giai đoạn đầu bệnh nhân cũng không có triệu chứng gì cho đến khi dẫn tới suy tim trái, rối loạn nhịp hay tăng áp lực động mạch phổi, khi đó bệnh nhân mới có các triệu chứng.
Triệu chứng cơ năng
Với bệnh nhân bị hở van 2 lá cấp có các triệu chứng của tình trạng phù phổi như khó thở khi nghỉ, khi nằm, hoặc tình trạng sốc tim do giảm thể tích tống máu.
Với các bệnh nhân bị hở van 2 lá mạn sẽ có các triệu chứng sau:
- Bệnh nhân thường không có triệu chứng cơ năng gì trong nhiều năm ngoại trừ một tiếng thổi ở tim.
- Trong đợt tiến triển, bệnh nhân có triệu chứng khó thở khi gắng sức cho tới khó thở khi nằm và cơn khó thở kịch phát về đêm.
- Về sau bệnh nhân có triệu chứng suy tim trái cũng giống như các triệu chứng suy tim phải do tình trạng tăng áp động mạch phổi.
- Bệnh nhân có thể bị loạn nhịp hoàn toàn (rung nhĩ): đây thường là hậu quả của tình trạng giãn nhĩ trái.
- Bệnh nhân cảm giác mệt do giảm thể tích tống máu và giảm cung lượng tim.
Triệu chứng thực thể
Khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể phát hiện các triệu chứng thực thể sau:
- Khi sờ tim, thấy mỏm tim đập mạnh và ngắn khi chức năng thất trái còn tốt. Mỏm tim sẽ lệch sang trái khi tâm thất trái bị dãn.
- Khi nghe tim thấy:
- Tiếng tim có các đặc điểm sau: tiếng T1 thường mờ, cũng có khi bình thường. Tiếng T2 thường tách đôi rộng, mạnh khi có tăng áp động mạch phổi. Có thể xuất hiện tiếng tim T3 khi có hiện tượng tăng dòng chảy tâm trương. Có một số trường hợp có thể nghe thấy tiếng T4, đặc biệt trong đợt hở van 2 lá cấp.
- Tiếng thổi tâm thu: xuất hiện trong toàn thì tâm thu, âm sắc cao, nghe rõ nhất ở mỏm tim, lan ra nách. Nếu áp lực nhĩ trái tăng quá cao sẽ không còn nghe rõ tiếng này nữa.
- Trong trường hợp bệnh đã dẫn tới suy tim trái và suy tim phải, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như tĩnh mạch cổ nổi, gan to, cổ trướng và phù chi dưới.
Nguyên nhân
Van 2 lá có cấu trúc bao gồm vòng van, lá van, dây chằng và cột cơ. Khi có bất thường xảy ra do bất kỳ thành phần nào trong cấu trúc trên bị tổn thương đều có thể dẫn đến hở van 2 lá.
Do các bệnh lý lá van
- Do di chứng thấp tim gây xơ hóa, dày, vôi hay co rút lá van.
- Do thoái hóa nhầy: thường kèm theo tình trạng di động quá mức như võng, sa van.
- Do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn làm thủng lá van, hay làm cho lá van co rút.
- Bị phình lá van do hở van động mạch chủ (do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn gây ra) tác động lên van 2 lá.
- Do thoái hóa xơ vữa.
- Do bệnh cơ tim phì đại khiến cho van 2 lá di động ra trước trong kỳ tâm thu.
- Bệnh bẩm sinh: Bệnh nhân bị xẻ van 2 lá đơn thuần hoặc phối hợp, còn gọi là thông sàn nhĩ thất hoặc Do van 2 lá có hai lỗ van.
Do các bệnh lý vòng van 2 lá
- Do dãn vòng van: bệnh nhân bị dãn thất trái do bệnh cơ tim dãn, tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ.
- Do vôi hóa vòng van.
- Do thoái hóa ở người già, có thể được thúc đẩy do bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận.
- Do bệnh tim do thấp, hội chứng Hurler, hội chứng Marfan.
Do các bệnh lý dây chằng, các bệnh lý cột cơ hoặc do bẩm sinh
Đối tượng nguy cơ
Người có tiền sử mắc các bệnh lý tim mạch như:
- Sốt thấp khớp: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây hở van 2 lá ở trẻ em và thanh thiếu niên. Sốt thấp khớp là biến chứng của nhiễm trùng do liên cầu khuẩn nhóm A không được điều trị đầy đủ.
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn: Nhiễm khuẩn tấn công lớp lót bên trong tim (lớp nội tâm mạc) có thể gây tổn thương van tim, dẫn đến hở van.
- Nhồi máu cơ tim: Nhồi máu cơ tim có thể làm hỏng cơ tim, ảnh hưởng đến chức năng của van 2 lá.
- Bệnh tim bẩm sinh: Một số dị tật tim bẩm sinh có thể ảnh hưởng đến cấu trúc van 2 lá, khiến van không đóng kín hoàn toàn.
Chẩn đoán
Nếu người bệnh xuất hiện các dấu hiệu kể trên cần đến bác sĩ khám để được chẩn đoán.
- Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, tiền sử (như thấp tim, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đái tháo đường,..): là nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ đưa đến hở van 2 lá.
- Khám tim: nghe có tiếng thổi bất thường trước tim, tim đập không đều, có ổ đập bất thường trên lồng ngực khi tim to, suy tim.
- Siêu âm tim là phương pháp giúp chẩn đoán xác định, độ nặng và nguyên nhân của hở van trong đa số các trường hợp.
- Đo điện tim: phát hiện rung nhĩ, giãn các buồng tim.
- X-quang tim phổi: bóng tim to, giãn nhĩ trái, thất trái, hình ảnh sung huyết phổi hoặc có dịch trong phổi do suy tim.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa hở van 2 lá, cần thực hiện:
- Phòng tránh bệnh thấp tim bằng cách sống ở môi trường vệ sinh sạch sẽ, tránh nơi ở chật chội, đông người kém vệ sinh, giữ vệ sinh răng miệng tốt và điều trị sớm viêm họng. Nếu người bệnh đã từng bị thấp tim và có di chứng hẹp hở van tim cần uống kháng sinh phòng thấp tim tái phát đến năm 40 tuổi hoặc lâu hơn;
- Điều trị các bệnh nội khoa có nguy cơ cao đưa đến hở van 2 lá nặng như tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu cơ tim…;
- Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia;
- Chế độ ăn tốt cho sức khỏe tim mạch;
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày, trung bình 30 – 45 phút/ngày, 5 – 7 ngày trong tuần;
- Duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân nếu thừa cân – béo phì.
Điều trị hở van hai lá như thế nào
Các phương pháp điều trị bệnh hở van 2 lá được lựa chọn tùy theo mức độ nặng của bệnh.
- Hở van 2 lá nhẹ không cần điều trị đặc hiệu, chỉ cần theo dõi siêu âm định kỳ mỗi năm để theo dõi tiến triển của bệnh.
- Hở van 2 lá trung bình trở lên cần tìm nguyên nhân để điều trị can thiệp nguyên nhân, ngăn ngừa tình trạng hở 2 lá tiến triển.
- Những trường hợp hở van 2 lá nặng (3/4 – 4/4), có triệu chứng cơ năng, giãn lớn buồng tim, chức năng tim giảm cần điều trị phẫu thuật sửa hoặc thay van tim.
Điều trị nội khoa (dùng thuốc)
- Dùng kháng sinh phòng thấp tim tái phát lâu dài (đến 40 tuổi hoặc hơn) nếu hở van 2 lá do hậu thấp.
- Khám và điều trị bệnh răng miệng định kỳ mỗi 6 tháng để phòng ngừa nhiễm trùng trên van 2 lá. Nguyên nhân nguồn gốc nhiễm trùng trên van tim có 75% vi trùng từ vùng hầu họng, răng miệng bị viêm đi vào máu và bám lên chỗ van tim bị hư gây viêm nhiễm hoặc áp-xe van, làm hư hỏng van nặng nề hơn.
- Điều trị các bệnh nội khoa có nguy cơ cao dẫn đến hở van tim như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim…
- Điều trị suy tim nếu bệnh nhân có triệu chứng hay suy giảm chức năng tim trên siêu âm tim. Các thuốc điều trị suy tim bao gồm thuốc ức chế men chuyển, chẹn thụ thể angiotensin II hoặc ARNI (Sacubitril + Valsartan), thuốc chẹn beta, lợi tiểu. Nếu người bệnh có kèm bệnh tim mạch do xơ vữa cần dùng thêm thuốc chống kết tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel, ticagrelor, prasugrel) hoặc thuốc giảm cholesterol máu (statin, ezetimibe).
- Bệnh nhân bị rung nhĩ cần sử dụng thuốc làm chậm tần số tim như chẹn bêta và thuốc chống đông để phòng ngừa huyết khối gây tắc mạch.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mỗi năm, vắc xin phòng viêm phổi do phế cầu mỗi 5 năm cho tất cả bệnh nhân hở van nặng, suy tim.
Điều trị can thiệp
Khi bệnh nhân hở 2 lá nặng, có triệu chứng suy tim, phân suất tống máu giảm, cần được điều trị can thiệp sớm vì nếu phẫu thuật trễ tình trạng bệnh nặng, biến chứng cuộc mổ cao hơn và không hồi phục được hoàn toàn dù đã phẫu thuật van tim. Điều trị can thiệp gồm phẫu thuật (sửa hoặc thay van nhân tạo) và sửa van qua da.
Hở van hai lá là một tình trạng nghiêm trọng cần được theo dõi và điều trị kịp thời. Việc nhận biết sớm các triệu chứng và duy trì lối sống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào của hở van hai lá, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ y tế để bảo vệ sức khỏe tim mạch của bạn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.