Herpes sinh dục là một bệnh lây nhiễm qua đường tình dục hay gặp do virus HSV – Herpes Simplex Virus gây ra. Mụn rộp sinh dục do Herpes có thể mắc tái đi tái lại nhiều lần khiến người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng sống. Vậy Herpes sinh dục có lây không? và biện pháp phòng ngừa như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh này.
Biểu hiện bệnh herpes sinh dục
Bệnh herpes sinh dục sẽ có những triệu chứng sau:
- Những nốt mụn đỏ nhỏ giống như mụn nước hay mụn đỏ sẽ xuất hiện ở bao quy đầu, rãnh quy đầu, lỗ niệu đạo hay cả dọc thân dương vật (nếu là nam) sau thời gian nhiễm bệnh là khoảng 2 – 7 ngày (hoặc hơn). Ở nữ giới sẽ xuất hiện những vết tấy đỏ nhỏ cùng với cảm giác đau, ngứa ở bộ phận sinh dục như âm đạo, âm hộ, môi nhỏ, niệu đạo, cổ tử cung…
- Người nhiễm bệnh sẽ có cảm giác đau rát, thậm chí một số trường hợp còn xuất hiện một số triệu chứng kèm theo như nhức đầu, sốt, tiểu buốt hay bị đau các cơ xương.
- Các nốt mụn này sẽ phát triển thành mủ và sẽ vỡ ra tạo thành các ổ viêm loét, do đó gây cảm giác đau đớn cho người nhiễm bệnh. Vài ngày sau các ổ loét này sẽ đóng vảy và tự khỏi, tuy nhiên triệu chứng có thể sẽ lặp lại khi tái phát bệnh.
- Ngoài sự xuất hiện của các vết loét, ở nữ mà mắc phải bệnh mụn rộp sinh dục còn có thể xuất hiện các triệu chứng kèm theo như sưng hạch bạch huyết, mệt mỏi, đau đầu, sốt nhẹ.
Herpes sinh dục
Herpes sinh dục có lây hay không?
Herpes sinh dục có lây lan. Bệnh thường lây lan khi quan hệ tình dục với người bị bệnh, nhất là các vết loét herpes đang hiện diện. HSV-2 không chỉ gây bệnh ở bộ phận sinh dục mà còn có thể truyền từ bộ phận sinh dục của người này sang miệng của người khác khi quan hệ đường miệng, gây ra mụn rộp miệng. HSV-2 không thể tồn tại lâu trên bề mặt không có sự sống. Do đó không có nguy cơ nhiễm HSV-2 từ bệ ngồi trong nhà vệ sinh hoặc bồn tắm nước nóng.
Nên phòng ngừa herpes sinh dục như thế nào?
Hiện nay chưa có liệu trình điều trị dứt điểm bệnh mụn rộp sinh dục. Việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Đề phòng bệnh Herpes sinh dục bằng cách:
- Không sinh hoạt tình dục với người bị bệnh
- Nếu bị bệnh cần thông báo tình trạng bệnh của mình cho bạn tình
- Sử dụng bao cao su vì bạn có thể truyền HSV cho người khác ngay cả khi không có vết loét. Tuy nhiên, những vùng da có virus nhưng không được bao bọc bởi bao cao su vẫn có thể lây nhiễm.
- Tránh quan hệ tình dục khi thấy các triệu chứng của bệnh xuất hiện cho đến khi các vảy biến mất.
- Giữ cho vết loét sạch sẽ và khô ráo; Tránh đụng chạm đến vết loét, và rửa tay kỹ sau khi tiếp xúc với vết loét.
- Hạn chế thụt rửa âm đạo quá nhiều vì có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho cơ thể, hạn chế thức ăn có hàm lượng arginin cao (dừa, đậu nành, chocolate, cà rốt…)
- Nên đi khám chuyên khoa da liễu sớm nhất có thể kể từ khi có biểu hiện mụn rộp
Quan hệ tình dục an toàn là cách phòng ngừa herpes sinh dục
Cách xét nghiệm herpes sinh dục
Các xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán, sàng lọc mụn rộp sinh dục gồm:
- Xét nghiệm PCR: Xét nghiệm này tìm kiếm các đoạn DNA của virus trong một mẫu tế bào, chất dịch từ vết loét ở bộ phận sinh dục hoặc đường tiết niệu. Xét nghiệm PCR cho biết sự hiện diện của virus Herpes sinh dục ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng. Đây là xét nghiệm chẩn đoán mụn rộp sinh dục được sử dụng phổ biến và cho kết quả rất chính xác.
- Nuôi cấy tế bào: Bác sĩ lấy một mẫu tế bào từ vết loét và tìm virus Herpes simplex (HSV) dưới kính hiển vi.
Nuôi cấy tế bào hoặc xét nghiệm PCR có thể cho kết quả âm tính giả nếu vết loét đã bắt đầu lành hoặc người bệnh mới nhiễm virus HSV-2. Kết quả xét nghiệm dương tính giả cũng có thể xảy ra. Nếu nhận kết quả dương tính nhưng có ít nguy cơ nhiễm virus Herpes sinh dục thì cần xét nghiệm thêm.
- Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện các kháng thể HSV, là các protein được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch để đáp ứng với nhiễm trùng. Với xét nghiệm này, một dung dịch chứa kháng thể HSV và thuốc nhuộm huỳnh quang được thêm vào mẫu tế bào. Nếu có virus trong mẫu, các kháng thể sẽ dính vào virus và phát sáng khi quan sát dưới kính hiển vi đặc biệt. Xét nghiệm không thể cho biết thời gian nhiễm bệnh và chính xác nhất ở những người đã nhiễm HSV-2 trong vài tuần.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh Herpes sinh dục và cách phòng tránh. Đừng ngần ngại chia sẻ với người thân và bạn bè về những thông tin quan trọng này để cùng nhau bảo vệ sức khỏe. Nếu bạn hoặc người thân có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ, hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị kịp thời. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, việc duy trì lối sống lành mạnh và quan hệ tình dục an toàn không chỉ bảo vệ bạn mà còn bảo vệ cả cộng đồng.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.