Chứng hẹp môn vị phì đại là một dạng bệnh lý bẩm sinh ở đường tiêu hóa do lớp cơ môn vị (phần nối liền dạ dày với ruột non) phì đại tăng sinh dày lên làm lòng môn vị bị hẹp lại, khiến thức ăn từ dạ dày không qua được để xuống ruột. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Hẹp môn vị phì đại là gì? qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Khi chúng ta ăn, thức ăn sẽ từ miệng xuống thực quản vào dạ dày, sau đó thức ăn sẽ đi qua môn vị của dạ dày để xuống ruột non. Do đó, có thể xem môn vị là 1 cửa khẩu (thực chất là 1 lớp cơ vòng) nối liền dạ dày với đoạn đầu của ruột non. Khi lớp cơ này bị thương tổn tăng sinh dày lên làm lòng môn vị bị hẹp lại, khiến cho thức ăn từ dạ dày không qua được để xuống ruột sẽ gây nên bệnh lý hẹp môn vị phì đại hay còn gọi là u cơ môn vị.
Triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện khoảng 3 – 5 tuần sau khi trẻ chào đời, và thường hiếm xuất hiện ở trẻ lớn hơn độ tuổi 3 tháng.
- Nôn mửa: Bệnh thường gây ra tình trạng nôn mửa, nôn vọt, tình trạng này xảy ra khoảng 30 phút sau khi bé ăn. Ban đầu tình trạng nôn mửa vẫn nhẹ nhưng cơ môn vị càng dày thì tình trạng càng nghiêm trọng, đôi khi có thể có máu.
- Luôn bị đói: Trẻ mắc bệnh thường xuyên bị đói bụng, sau khi nôn mửa có thể muốn ăn trở lại ngay.
- Các cơn co thắt của dạ dày: Sau khi trẻ ăn có thể cảm nhận được những cơn co thắt của dạ dày giống như sóng di chuyển trên bụng của trẻ.
- Mất nước: Bé trở nên lờ đờ, khóc không có nước mắt, tả ít ướt hơn so với thông thường.
- Táo bón: Môn vị bị hẹp có thể chặn thực phẩm đi đến ruột non nên có thể gây ra táo bón ở trẻ.
- Sút cân: Bệnh cản trở khả năng phát triển cân nặng của trẻ, thậm chí có thể gây ra tình trạng sụt cân dù cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.
Hãy đi khám ngay nếu trẻ có các biểu hiện như:
- Thường xuyên nôn mửa, nôn vọt sau khi bú hoặc sau khi cho ăn.
- Trẻ lừ đừ, dễ cáu kỉnh, ít hoạt động.
- Số lần đi tiểu ít hơn hoặc ít nước tiểu hơn.
- Ăn uống đầy đủ nhưng không tăng cân, hoặc bị giảm cân.
- Các triệu chứng của bệnh cũng dần trở nặng hơn ở giai đoạn sau.
- Các cơn đau thường xuất hiện muộn, thường là 2 – 3 giờ sau bữa ăn hoặc có thể muộn hơn, đau từng cơn và xuất hiện liên tiếp, khiến bệnh nhân sợ việc ăn dù rất đói bụng.
- Nôn mửa ra thức ăn ứ đọng trong dạ dày, có cả thức ăn bữa mới ăn lẫn bữa cũ, có nước xanh đen, không có dịch mật. Sau khi nôn thì bệnh nhân đỡ đau.
- Buổi sáng khi chưa ăn gì, lắc bụng sẽ nghe rõ tiếng óc ách trong bụng.
- Cơ thể xanh xao, gầy gò, mất nhiều nước, uể oải, tiểu ít và bị táo bón.
Nguyên nhân gây hẹp môn vị phì đại
Đến nay vẫn chưa biết được nguyên nhân gây hẹp môn vị phì đại. Một số tác giả đưa ra một số nguyên nhân như:
- Hẹp phì đại môn vị theo nhiều tác giả là một bệnh lý bẩm sinh.
- Hẹp phì đại môn vị có thể có liên quan đến các hormone kiểm soát môn vị như gastrin tăng cao gây hẹp phì đại môn vị.
- Một số tác giả cho thấy có liên quan đến chi phối thần kinh của môn vị.
- Do thiếu các peptid ức chế làm môn vị đã không giãn ra được dẫn đến phì đại các cơ trơn và tắc môn vị.
- Hẹp môn vị có liên quan đến yếu tố gia đình và di truyền. Một số bệnh nhân bị hẹp phì đại môn vị có bố hoặc mẹ đã bị hẹp phì đại môn vị. Mẹ bị bệnh có khả năng con bị bệnh cao gấp 4 lần bố bị bệnh.
- Có tác giả cho rằng cục sữa vón được dạ dày đẩy qua môn vị bị co thắt làm cho niêm mạc và tổ chức dưới niêm mạc bị phù nề làm cho lòng của môn vị bị hẹp. Ngoài ra cơ môn vị và hang vị bị phì đại do tăng cường co bóp dẫn đến phì đại.
Đối tượng nguy cơ
Theo các tài liệu thống kê thì người ta xác định được một số yếu tố nguy cơ như sau:
- Giới tính: Tình trạng thường xảy ra nhiều ở trẻ nam hơn trẻ nữ.
- Trẻ sinh non cũng có khả năng cao bị hẹp phì đại môn vị.
- Người mẹ hút thuốc trong quá trình mang thai: Làm tăng nguy cơ hẹp môn vị lên gần gấp đôi.
- Điều trị kháng sinh sớm cho: Trẻ bị cho dùng kháng sinh sớm (VD: erythromycin) trong vài tuần đầu sau sinh làm tăng nguy cơ hẹp môn vị. Bên cạnh đó, mẹ dùng kháng sinh trong giai đoạn mang thai cũng mang nguy cơ tương tự.
Chẩn đoán
Có một số phương pháp có thể sử dụng để chẩn đoán bệnh như
- Siêu âm: Thực hiện siêu âm sẽ giúp quan sát rõ được tình trạng hẹp môn vị, thấy được sự dày lên ở ống môn vị từ 13-14mm được xem là hiệu bất thường có khả năng bị hẹp môn vị.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu sẽ được thực hiện để kiểm tra rối loạn điện giải và cần áp dụng chất điện giải cho trẻ trong trường hợp cần.
- Chụp đường tiêu hóa trên bằng Barium: Cho trẻ uống dung dịch chứa barium có màu như sữa, chụp X-quang để quan sát rõ vùng môn vị có bị hẹp hay sảy ra tình trạng tắc nghẽn gì không.
- Nội soi tiêu hóa: Cách này ít được dùng và chỉ dùng cho trẻ trên 8 tuổi. Dùng cho những trẻ có triệu chứng lâm sàng không rõ ràng. Nội soi chụp hình ảnh bên trong đường tiêu hóa xác định rõ được có bị bệnh hẹp phì đại môn vị hay không.
Phòng ngừa bệnh
Do chưa rõ nguyên nhân nên chưa có phương pháp phòng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, nếu có các yếu tố nguy cơ và tiền sử gia đình có người bệnh kể trên nên đi khám định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm.
Điều trị như thế nào?
Hẹp môn vị thường được điều trị bằng việc phẫu thuật và được sắp xếp cùng ngày sau khi được chẩn đoán, phẫu thuật được thực hiện càng sớm càng tốt để tránh trẻ bị mất nước hoặc mất cân bằng điện giải.
- Trước khi phẫu thuật: Mọi bệnh nhân được hồi sức tích cực, nuôi ăn qua đường tĩnh mạch.
- Tiến hành phẫu thuật: Trẻ được gây mê toàn thân, phẫu thuật thực hiện thông qua đường rạch nhỏ ở bụng phía bên phải hoặc vùng quanh rốn, bác sĩ cắt các lớp ngoại của các cơ ở môn vị bị dày lên và giữ nguyên lớp lót còn nguyên vẹn ở bên trong của môn vị. Hiện nay, có thể phẫu thuật bằng nội soi, ống nội soi được trang bị laser và dụng cụ phẫu thuật nhỏ, sau đó được đưa qua đường rạch nhỏ gần rốn. Phẫu thuật nội soi có ưu điểm là thời gian phục hồi nhanh hơn và vết sẹo để lại cũng nhỏ hơn so với mổ phẫu thuật truyền thống.
- Sau phẫu thuật: Sau khi phẫu thuật, trẻ sẽ được hồi sức và nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Bác sĩ sẽ theo dõi sát sao và nuôi ăn qua đường tiêu hóa sớm nhất nếu các chỉ số theo dõi ổn định.
- Biến chứng sau phẫu thuật:
- Sau phẫu thuật, các biến chứng gồm chảy máu và nhiễm trùng có thể xảy, các dấu hiệu và triệu chứng cũng xuất hiện trở lại nếu cơ môn vị không được cắt hoàn toàn.
- Phẫu thuật không gây ra các nguy cơ khác về dạ dày hay ruột non. Trẻ thường có thể về nhà trong vòng 48 giờ sau phẫu thuật và được yêu cầu tái khám để kiểm tra phục hồi.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về Hẹp môn vị phì đại. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.