Bệnh hen suyễn hay còn gọi là hen phế quản nghề nghiệp xảy ra khi tiếp xúc với các tác nhân tại nơi làm việc. Sau khi tiếp xúc với các tác nhân kích thích như khói, bụi, hóa chất… trong môi trường làm việc, người bệnh sẽ khỏi phát cơn hen có thể cấp tính hoặc cơn hen sẽ nặng lên gây khó khăn cho việc điều trị. Vì vậy, bệnh hen phế quản nghề nghiệp không được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời có thể gây tổn thương phổi vĩnh viễn, tàn tật hoặc tử vong. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh hen suyễn nghề nghiệp qua bài viết sau.
Hen suyễn là gì?
Hen suyễn (hen phế quản – Asthma) là một căn bệnh mãn tính của hệ hô hấp. Khi xuất hiện cơn hen suyễn, lớp niêm mạc của ống phế quản sẽ sưng lên, viêm nhiễm và dễ bị kích ứng. Sự co thắt và viêm nhiễm sẽ làm các đường dẫn khí thu hẹp lại, từ đó giảm lưu lượng không khí ra vào phổi.
Hen suyễn nghề nghiệp là tình trạng bệnh lý xảy ra do tác động, ảnh hưởng của các loại dị nguyên thuộc nguồn gốc thực vật, động vật hay hóa chất với người tiếp xúc trong quá trình lao động gây nên các rối loạn bệnh lý đặc trưng. Đặc điểm của bệnh biểu hiện chính là khó thở và thở khò khè, hay tái diễn với sự tăng sức cản đường thở.
Bệnh hen suyễn nghề nghiệp đã được công nhận là Bệnh nghề nghiệp (BNN) được đền bù ở nước ta từ năm 2006.
Tác nhân, triệu chứng gây ra bệnh hen suyễn?
Nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn
Hơn 250 chất tại nơi làm việc đã được xác định là nguyên nhân có thể gây ra hen suyễn nghề nghiệp. Những chất này bao gồm:
- Các chất thuộc nhóm động vật, chẳng hạn như protein được tìm thấy trong vảy, tóc, lông, nước bọt và chất thải cơ thể.
- Hóa chất được sử dụng để làm sơn, vecni, chất kết dính, cán mỏng và nhựa hàn. Các ví dụ khác bao gồm các hóa chất được sử dụng để làm vật liệu cách nhiệt, vật liệu đóng gói, nệm xốp và bọc đệm.
- Enzyme được sử dụng trong chất tẩy rửa và điều hòa bột.
- Kim loại, đặc biệt là bạch kim, crom và niken sunfat.
- Các chất thuộc nhóm thực vật bao gồm protein có trong mủ cao su tự nhiên, bột mì, ngũ cốc, bông, hạt lanh, cây gai dầu, lúa mạch đen, lúa mì và papain – một loại enzyme tiêu hóa có nguồn gốc từ đu đủ.
Thông thường, những công việc, ngành nghề chính có nguy cơ mắc bệnh này gồm có:
- Chăn nuôi súc vật, lâm nghiệp
- Thợ in, sản xuất giấy
- Công việc sử dụng chất tẩy rửa, tiếp xúc với phức hợp Platin, với Toluene Diisocyanate.
- Sản xuất bột ngũ cốc, dầu thực vật, mỹ phẩm, thuộc da
- Mạ kim loại
- Chế biến cà phê, dược phẩm
- Nhân viên y tế, công nghiệp điện, điện tử, phun sơn, chất dẻo…
Dấu hiệu của bệnh hen suyễn
Cơn hen là một trong những dấu hiệu bị hen suyễn điển hình của bệnh hen phế quản. Cơn hen điển hình gồm: Khó thở cơn chậm, có tiếng cò cử, thường xảy ra ban đêm hoặc khi thay đổi thời tiết. Một số dấu hiệu bệnh hen suyễn như:
- Hắt hơi
- Sổ mũi
- Tức ngực
- Ho khan
- Thở ra cơn nặng hơn phải ngồi chống tay, há miệng thở, cơn có thể kịch phát hoặc liên tục. Gần hết cơn khó thở giảm dần và ho khạc đờm trong, dính quánh.
Các triệu chứng không điển hình bao gồm:
- Ho dai dẳng, tăng về đêm
- Khó thở
- Tức ngực hoặc nặng ngực
- Thở ra khò khè, là dấu hiệu phổ biến của bệnh hen
- Khó thở gây khó ngủ, ho hoặc thở khò khè
- Các cơn ho hoặc thở khò khè trở nên tồi tệ hơn do vi rút đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cảm cúm
Cách phòng ngừa bệnh hen suyễn nghề nghiệp
Cách tốt nhất để ngăn ngừa hen suyễn nghề nghiệp là nơi làm việc phải được kiểm soát mức độ tiếp xúc với hóa chất của người lao động và các chất khác có thể là chất nhạy cảm hoặc chất kích thích đường hô hấp. Các biện pháp như vậy có thể bao gồm thực hiện các phương pháp kiểm soát tốt hơn để ngăn ngừa phơi nhiễm, sử dụng các chất ít độc hại hơn và cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) cho công nhân.
Khi phát hiện bệnh suyễn quản nghề nghiệp, thì người lao động cần có biện pháp dự phòng hiệu quả như giảm thời gian và mức độ tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh. Nếu bệnh tình tiến triển nặng cần gặp bác sĩ để có phác đồ điều trị tận gốc căn nguyên sinh bệnh và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Tóm lại, bệnh hen suyễn nghề nghiệp là một căn bệnh tương đối nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần trong công việc và sinh hoạt hằng ngày. Hy vọng bài viết này mang lại các thông tin bổ ích đến bạn đọc để chúng ta có thể phòng ngừa và phát hiện kịp thời.