Trong thập kỷ vừa qua, số người Mỹ có tăng huyết áp đã tăng 30%. Hơn 73 triệu người Mỹ tuổi từ 20 tuổi trở lên (1 trong 3 người lớn) hiện tại có tăng huyết áp, tình trạng này ảnh hưởng đến gần 1 tỷ người trên toàn thế giới. Khoảng 20 – 30% của những người bị tăng huyết áp không biết rằng họ đang mắc bệnh này. Vậy những “kẻ” nào đã tiếp tay làm gia tăng bệnh?
Tuổi và giới
Tuổi là yếu tố nguy cơ chính của bệnh tăng huyết áp. Huyết áp tăng theo tuổi ở cả nam và nữ. Nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ trên tuổi 55 có những nguy cơ đối mặt với tăng huyết áp.
Hơn một nửa số người Mỹ trên 60 tuổi có tăng huyết áp. Tăng huyết áp cũng trở nên phổ biến hơn ở trẻ em và thanh thiếu niên. Trong số những người trẻ tuổi, bé trai có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn bé gái.
Chủng tộc và dân tộc
So với người da trắng và các nhóm chủng tộc khác, người Mỹ gốc Phi có nhiều khả năng có tăng huyết áp hơn. Hơn 40% nam giới và nữ Mỹ gốc Phi có tăng huyết áp, có thể chiếm hơn 40% của tất cả các trường hợp tử vong ở nhóm này. Tăng huyết áp có xu hướng bắt đầu ở độ tuổi trẻ người Mỹ gốc Phi, thường nghiêm trọng hơn và gây nguy cơ lớn cho tử vong sớm vì đột quỵ tim, đột quỵ não, suy tim và suy thận.
Tiền sử gia đình
Những người có cha mẹ hoặc người thân khác mắc bệnh tăng huyết áp có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp.
Béo phì
Khoảng 1/3 bệnh nhân có tăng huyết áp là thừa cân. Ngay cả người lớn béo phì mức độ vừa có nguy cơ gấp đôi bị tăng huyết áp hơn những người có trọng lượng bình thường. Thanh thiếu niên và trẻ em béo phì có nguy cơ tăng huyết áp khi chúng đạt đến tuổi trưởng thành.
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là một rối loạn trong đó ngừng thở một thời gian ngắn nhưng lặp lại trong khi ngủ, xuất hiện ở nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp. Mối quan hệ giữa chứng ngưng thở khi ngủ và tăng huyết áp đã được cho phần lớn là do béo phì, nhưng các nghiên cứu đang tìm kiếm một tỷ lệ cao hơn của tăng huyết áp ở những người bị ngưng thở khi ngủ bất kể trọng lượng của họ.
Lối sống
- Hút thuốc: Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tăng huyết áp.
- Muối và kali: Ăn quá nhiều muối (natri) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng cao huyết áp ở một số người. Tương tự, một chế độ ăn uống quá thấp kali có thể làm cho cơ thể tích lũy quá nhiều natri. Natri và kali là những chất điều hòa quan trọng của sự cân bằng dịch nội môi trong các tế bào.
- Rượu: Sử dụng rượu nặng mạn tính có thể làm tăng huyết áp. Phụ nữ có thể nhạy cảm hơn nam giới đối với hiệu ứng tăng huyết áp do rượu.
- Không hoạt động thể chất: Một lối sống ít vận động và thiếu hoạt động thể chất có thể làm tăng nguy cơ bị thừa cân.
- Stress: Căng thẳng về tinh thần và tình cảm có thể gây ra một sự gia tăng tạm thời huyết áp. Căng thẳng mạn tính có thể dẫn đến tham gia vào các hành vi không lành mạnh (ăn quá nhiều, hút thuốc lá, nghiện rượu, thiếu tập thể dục) cũng góp phần cho tăng huyết áp.
Những người được chẩn đoán với tiền tăng huyết áp (huyết áp 120 – 139/80 – 89mmHg) có nguy cơ cao phát triển bệnh tăng huyết áp.
Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu (12,7%) cao hơn các nguyên nhân khác như sử dụng thuốc lá (8,7%) hay tăng đường máu (5,8%).
Tần suất tăng huyết áp nói chung trên thế giới là khoảng 41% ở các nước phát triển và 32% ở các nước đang phát triển. Một báo cáo y học mới nhất đã gây sốc: hơn một tỷ người trên thế giới đã mắc chứng tăng huyết áp và khoảng nửa tỷ người khác có nguy cơ tiếp cận với “tên giết người thầm lặng” này vào năm 2025. Tỷ lệ gia tăng căn bệnh cao huyết áp đồng nghĩa với hàng triệu trường hợp tử vong vì bệnh tim mạch sẽ bùng phát.
TS.BS. Lê Thanh Hải (theo The New York Times)