Hen suyễn (Hen phế quản) là một căn bệnh mạn tính của hệ hô hấp, với các triệu chứng đặc trưng là ho dai dẳng đặc biệt về đêm, co thắt lồng ngực, thở khò khè, khó thở. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào kể cả phụ nữ mang thai. Vậy hen suyễn và thai kỳ ảnh hưởng đến nhau như thế nào và phương pháp điều trị ra sao? Hãy tìm hiểu bài viết dưới đây.
Ảnh hưởng của hen suyễn lên thai kỳ
Hen phế quản là bệnh lý đường hô hấp, nếu được kiểm soát tốt, người bệnh có thể chung sống với tình trạng này như một người bình thường, vẫn có thể mang thai và sinh con, tuy nhiên do nguy cơ của bệnh nên cần được theo dõi sát trong quá trình mang thai để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Đa số những phụ nữ hen phế quản và thai nhi không phải chịu biến chứng trong quá trình mang thai và chuyển dạ khi cơn hen được kiểm soát tốt, ngược lại, nếu cơn hen không được kiểm soát, tình trạng khó thở thường xuyên dẫn tới thiếu oxy thai, gây các biến chứng cho thai nhi: suy thai, đẻ non, thai chậm phát triển. Tăng huyết áp và tiền sản giật có thể gặp ở thai phụ.
Việc điều trị đều đặn và theo dõi định kỳ thường xuyên giúp làm giảm biến chứng cho cả mẹ và bé.
Ảnh hưởng của thai kỳ lên hen suyễn
Hen và thai kỳ có thể tác động qua lại lẫn nhau qua nhiều cơ chế sinh bệnh học khác nhau. Diễn biến bệnh hen suyễn sẽ tùy từng thai phụ, 1/3 trường hợp hen sẽ nặng hơn, 1/3 trường hợp hen nhẹ hơn và 1/3 trường hợp hen sẽ không thay so với trước khi có thai. Những trường hợp bệnh trở nặng hơn hay xảy ra vào tháng thứ 6, 7 của thai kỳ và thường nhẹ dần vào những tuần lễ cuối và cơn hen cấp hiếm khi xảy ra trong quá trình chuyển dạ.
Mức độ trầm trọng của triệu chứng hen phế quản trong lần mang thai đầu tiên thường giống những lần mang thai sau.
Điều trị hen suyễn cho phụ nữ có thai
Thuốc điều trị hen đa số là an toàn trong thai kỳ nên lợi ích của việc kiểm soát hen tốt bằng thuốc cao hơn nhiều so với tác dụng phụ do thuốc đem lại cho cả mẹ và con. Đặc biệt trong đợt cấp thì điều trị cho cả hai đối tượng mang thai và không mang thai là hoàn toàn giống nhau.
Tùy tình trạng bệnh mà khi mang thai, thuốc điều trị sẽ được chỉnh thuốc và chỉnh liều phù hợp để đảm bảo kiểm soát bệnh ổn định mà không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Thai phụ nên tuân thủ điều trị để hạn chế cơn hen xuất hiện, cũng tức là giúp hạn chế sử dụng thuốc có nguy cơ ảnh hưởng đến con.
Một số loại thuốc như:
- Thuốc giãn phế quản dạng xịt, hít:
- Các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh cắt triệu chứng (như albuterol, terbutaline) an toàn trong thai kỳ.
- Các thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài (salmeterol, formoterol) thường kết hợp corticoid dạng hít có vai trò trong kiểm soát bệnh và ngăn ngừa cơn hen, tuy chưa có nhiều bằng chứng an toàn nhưng chúng vẫn được sử dụng do lợi ích vượt trội được chứng minh và do sự tương đồng hóa học với loại tác dụng ngắn nói trên.
- Glucocorticoid đường hít: được sử dụng phổ biến trong thai kì như budesonide và beclomethasone.
- Glucocorticoid đường uống: kinh nghiệm điều trị cho thấy glucocorticoid khá an toàn cho cả mẹ và thai nhi dù một số nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ rất nhỏ của hở môi hàm ếch khi mẹ sử dụng đường uống dưới tuần 13 thai kỳ. Cũng có nghiên cứu chỉ ra mối liên quan với biến chứng đẻ non và thiếu cân của thai nhi nhưng cũng chưa loại trừ được biến chứng này liên quan đến các cơn hen phế quản trong quá trình mang thai. Thực tế nhưng nguy cơ trên có thể nhỏ hơn rất nhiều so với nguy cơ khi hen phế quản nặng không được điều trị do có thể gây tử vong cả mẹ và bé.
- Một số thuốc khác được sử dụng trong quá trình mang thai gồm: theophylin, kháng leukotrien, kháng histamin (diphenhydramin, fexofenadin, cetirizin, loratadin) và liệu pháp miễn dịch đặc hiệu khi đang tiến hành.
- Các thuốc sinh học như: Omalizumab chưa có nhiều bằng chứng nghiên cứu về độ an toàn của thuốc này nhưng việc khởi đầu dùng thuốc khi đang mang thai không được khuyến cáo), các thuốc khác như kháng IL-5 hiện chưa có nhiều nghiên cứu.
Một số lưu ý cho mẹ bị hen suyễn khi mang thai
Nên thông báo dự kế hoạch có thai của mình trước với bác sĩ. Bác sĩ sẽ tư vấn khi nào tình trạng bệnh cho phép mang thai an toàn hơn.
Trước khi mang thai:
Phụ nữ bị hen khi chuẩn bị có thai cần được tư vấn về các vấn đề sau:
- Thai kỳ và hen có thể tác động qua lại lẫn nhau và có thể gây ra các hậu quả không tốt cho sức khoẻ cả mẹ và con
- Kiểm soát tốt bệnh hen trong giai đoạn này là rất quan trọng cho thai kỳ sau này
- Thuốc dùng để trị hen thường an toàn trong thai kỳ do vậy nên được tiếp tục sử dụng trong giai đoạn sắp có thai mà không cần ngưng thuốc trong thời gian chờ đợi có thai.
Ngoài các công tác chuẩn bị như phụ nữ thông thường khác, phụ nữ nên tiêm phòng các bệnh: sởi, quai bị, Rubella, viêm gan B trước khi mang thai, tiêm phòng cúm có thể trong quá trình mang thai do không có bằng chứng ảnh hưởng đến thai nhi.
Trong quá trình mang thai:
- Nhiều thai phụ khi mang thai khi thấy tình trạng bệnh ổn định hoặc lo sợ nguy cơ của thuốc đến thai đã tự dừng thuốc, việc này có thể làm khởi phát cơn hen nặng đe dọa mẹ và bé. Vì vậy không tự ý dừng thuốc điều trị khi mang thai.
- Không tự ý dùng thuốc khác nếu chưa có ý kiến bác sĩ do có thể làm nặng tình trạng hen hoặc ảnh hưởng đến thai nhi.
- Khám định kỳ bác sĩ chuyên khoa, khoảng cách giữa các lần theo dõi tùy thuộc tình trạng bệnh và tuần thai, giúp đánh giá:
- Chức năng phổi: khi thăm khám kết hợp lưu lượng đỉnh kế đo tại nhà. Lưu lượng đỉnh kế có vai trò rất quan trọng trong theo dõi kiểm soát bệnh, tùy tình trạng bệnh, có thể đo ngày 2 lần sáng tối cách nhau 12 giờ nhưng hãy nhớ giảm lưu lượng đỉnh báo hiệu tình trạng xấu đi của bệnh dù bản thân cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh
- Đo huyết áp, xét nghiệm máu, nước tiểu: đánh giá biến chứng tăng huyết áp, tiền sản giật.
- Tình trạng phát triển của thai: cần siêu âm thai lại giữa tuần 18-20 thai kỳ để đánh giá sự phát triển của thai nhi, nếu thai phụ cần phải sử dụng corticoid đường uống thì nên siêu âm lại sau mỗi 4 tuần sau tuần thứ 20 để đảm bảo thai phát triển bình thường. Ở bệnh nhân có cơn hen phế quản tái phát nhiều nên đo thêm cử động thai nhi trong khi được siêu âm.
Đảm bảo lối sống không có chất kích thích (cafe, hút thuốc lá thụ động, bia rượu) và hạn chế tối đa dị nguyên có thể gây trầm trọng bệnh (nên được làm test tìm dị nguyên đặc hiệu gây bệnh trước quá trình mang thai nếu bạn có hen dị ứng).
Lưu ý: Khi mang thai, các cơn hen thường xuất hiện nhiều nhất ở tuần 17-24 chu kì. Khi có cơn hen kịch phát trong quá trình mang thai, việc xử trí tại nhà tương tự như lúc bạn không mang thai (ưu tiên cắt cơn bằng thuốc giãn phế quản dạng hít tác dụng ngắn như albuterol), tuy nhiên cần nhập viện để được theo dõi tình trạng của cả mẹ và bé và được xử trí kịp thời do có nguy cơ biến chứng cao.
Tóm lại, hen phế quản không phải chống chỉ định của mang thai, người mẹ và thai nhi hoàn toàn có thể khỏe mạnh nếu tuân thủ điều trị, khám thai và hen phế quản định kỳ. Mẹ hãy trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về các nguy cơ trong quá trình mang thai, các biện pháp dự phòng cơn hen, quá trình nuôi con và dinh dưỡng hợp lý.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.