Hen suyễn hay còn gọi là hen phế quản, một tình trạng bệnh lý thường gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành, đã trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc nghỉ học và nghỉ làm, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Trên toàn cầu, tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn đang có xu hướng tăng lên, đặt ra một thách thức lớn cho sức khỏe cộng đồng. Bài viết này sẽ đưa ra cái nhìn sâu sắc về bệnh hen suyễn, từ những dấu hiệu nhận biết ban đầu đến các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, giúp mỗi người chủ động hơn trong việc quản lý và kiểm soát tình trạng bệnh.
Hen suyễn là gì?
Hen phế quản (hen suyễn, Asthma) đặc trưng bởi viêm mạn tính đường hô hấp, được xác định bằng tiền sử các triệu chứng hô hấp như thở rít, khó thở, nặng ngực và ho; các triệu chứng xuất hiện nhiều lần, thay đổi theo thời gian và cường độ, cùng với sự tắc nghẽn đường dẫn khí có hồi phục. (Theo Tổ chức Chiến lược toàn cầu trong quản lý và dự phòng hen GINA 2023).
Hen suyễn là tình trạng bệnh mạn tính hệ hô hấp, cụ thể là tình trạng viêm mạn tính của phế quản gây phù, phản ứng quá mức vì hẹp lòng phế quản dẫn đến tắc nghẽn đường khí từng đợt và gây ra cơn khó thở của bệnh nhân.
Dấu hiệu của bệnh hen suyễn
Triệu chứng của bệnh hen suyễn rất đa dạng với tần suất và mức độ xuất hiện các triệu chứng là khác nhau ở từng bệnh nhân và cũng có thể thay đổi tùy lúc trên cùng một bệnh nhân. Cũng rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh về phổi khác như lao, giãn phế quản, COPD,… Có nhiều bệnh nhân có các triệu chứng không hề rõ rệt. Người bệnh cần nhận biết rõ các dấu hiệu có thể hướng tới bệnh hen phế quản, để có thể kịp thời đến các cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị thích hợp, tránh dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
- Khó thở: Đây là dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh hen suyễn. Người bị hen suyễn có thể cảm thấy khó thở khi gắng sức, khi tiếp xúc với dị nguyên (lông súc vật, chất hóa học bay hơi, bọ nhà, phấn hoa, thuốc,…) hoặc khi bị nhiễm trùng đường hô hấp. Khó thở cũng có thể gây khó ngủ cho bệnh nhân.
- Ho: có thể là ho nhiều về đêm, kéo dài hoặc khi tập thể dục.
- Tức ngực: hay còn gọi là cảm giác bị nghẹt lồng ngực.
- Thở rít (thở khò khè): có âm thanh rít phát ra khi thở, đó là dấu hiệu đường thở bị thu hẹp.
Ngoài các triệu chứng trên còn có một số dầu hiệu cảnh báo sớm cho thấy có thể bạn sắp lên cơn hen suyễn. Những dấu hiệu này bao gồm:
- Tăng ho.
- Tăng tiết đờm.
- Thắt ngực.
- Khó thở khi tập thể dục.
- Khó ngủ do khó thở.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo sớm nào trong số này, điều quan trọng nhất là sử dụng thuốc hen suyễn theo chỉ định của bác sĩ và tránh các tác nhân gây dị ứng, tác nhân gây kích thích.
Ngoài ra chúng ta cũng nên biết được thêm các cách phòng chống bệnh hen suyễn để bảo vệ bản thân.
Các cách phòng chống hen suyễn
Bản thân người bệnh cần có hiểu biết về cách phòng chống bệnh hen suyễn để bảo vệ bản thân cũng như không để xảy ra những biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng. Cách phòng chống bao gồm:
Tránh các yếu tố môi trường
- Dị nguyên: vệ sinh nhà cửa thường xuyên, loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc, giặt giũ chăn màn, ga gối bằng nước nóng, hạn chế nuôi chó, mèo, vệ sinh chuồng trại, tắm rửa cho vật nuôi. Tránh tiếp xúc với phấn hoa.
- Ô nhiễm môi trường: Sử dụng khẩu trang khi ra đường, sử dụng máy lọc không khí trong nhà, tránh tiếp xúc với hóa chất, mùi hương nồng nặc hoặc khói bụi.
- Thay đổi thời tiết: mùa đông – xuân, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi để khởi phát cơn hen. Do đó cần giữ ấm cơ thể khi trời chuyển lạnh, uống nhiều nước để tránh khô đường thở.
- Tập thể dục gắng sức: Khởi động kỹ và sử dụng thuốc giãn phế quản trước khi tập nếu cần thiết.
- Vi khuẩn, virus đường hô hấp trên: Rửa tay kĩ, thường xuyên, tiêm phòng đầy đủ vacxin cúm, phế cầu khuẩn.
- Thuốc: Nên báo cáo với bác sĩ các loại thuốc đang dùng kể cả thuốc không kê đơn và thực phẩm chức năng.
Tăng cường sức khỏe
- Chế độ dinh dưỡng: phù hợp, đầy đủ dưỡng chất, ăn nhiều rau xanh, trái cây.
- Tập thể dục thường xuyên: có kế hoạch tập luyện phù hợp với thể trạng, duy trì thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm.
- Giảm stress: Thực hiện các biện pháp giảm stress như thiền định, tập yoga, thư giãn tinh thần.
- Sử dụng thuốc dự phòng: sử dụng các thuốc kiểm soát cơn hen dài hạn như Thuốc giãn phế quản kháng Muscarinic và Cường b2 Adrenergic tác dụng kéo dài LABA/LAMA, glucocorticosteroid dạng hít,…
Khám sức khỏe định kỳ
Nên khám sức khỏe định kỳ để có được hiệu quả điều trị tốt nhất. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng thuốc. Gặp ngay bác sĩ khi có các triệu chứng nghi ngờ hen suyễn để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
Tiêm phòng cúm và sởi
- Tiêm phòng cúm hàng năm để giảm nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp có thể dẫn đến cơn hen suyễn.
- Tiêm phòng sởi để tránh mắc bệnh sởi, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng bao gồm cả viêm phổi.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.