Vi khuẩn HP có tên gọi đầy đủ là Helicobacter pylori. Theo thống kê có tới 70% người Việt nhiễm vi khuẩn HP. Vi khuẩn HP là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày, tá tràng đặc biệt là ung thư dạ dày. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mối liên quan giữa vi khuẩn HP và bệnh viêm loét dạ dày.
Helicobacter pylori là gì?
Helicobacter pylori (HP) là xoắn khuẩn có roi Gram âm, tìm thấy trong và bên dưới lớp niêm của thượng bì dạ dày. HP có thể tồn tại trong môi trường của acid dạ dày. Loại vi khuẩn này tiết ra enzyme urease giúp trung hòa độ acid trong dạ dày. Vi khuẩn HP có thể sinh sống và phát triển ở lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Nó có thể gây ra tình trạng viêm loét dạ dày mạn tính, thường phát triển trong khi không gây ra bất kỳ triệu chứng nổi bật nào.
Làm sao biết đã nhiễm Helicobacter pylori?
Các triệu chứng viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP gây ra thường khá thầm lặng, không rõ ràng và khó nhận biết. Thông thường, khi nhiễm bệnh, người bệnh sẽ xuất hiện những cơn đau bụng ở vùng thượng vị, khó tiêu, đầy hơi, rối loạn phân… Nếu thường xuyên gặp những triệu chứng như vậy, bạn nên đi khám tại những cơ sở y tế uy tín để biết kết quả chính xác nhất.
Hiện nay, để phát hiện vi khuẩn HP bác sĩ thường áp dụng những phương pháp sau:
- Phương pháp xâm lấn: Bác sĩ sẽ tiến hành nội soi dạ dày, tá tràng để đánh giá tình trạng viêm loét dạ dày, tá tràng, tình trạng viêm teo niêm mạc cũng như các tổn thương ung thư, tiền ung thư để theo dõi và phẫu thuật sớm. Sau khi soi xong, bác sĩ sẽ sinh thiết 2 mẫu mô để tiến hành test urease nhanh, làm sinh thiết mô bệnh học hoặc nuôi cấy vi khuẩn.
- Phương pháp không xâm lấn: Đối với phương pháp này, bác sĩ có thể xác định được người bệnh có nhiễm vi khuẩn HP hay không mà không cần nội soi dạ dày, tá tràng. Phương pháp không xâm lấn bao gồm 3 cách:
- Test hơi thở
- Xét nghiệm để tìm vi khuẩn HP trong phân
- Xét nghiệm để tìm kháng thể HP trong máu.
Helicobacter pylori có lây truyền không?
Vi khuẩn HP hoàn toàn có khả năng lây lan từ người mang vi khuẩn sang người lành qua 3 con đường sau:
- Đường miệng – miệng: Đây là đường lây truyền chủ yếu của vi khuẩn HP, lây lan do tiếp xúc nước bọt hay dịch tiết đường tiêu hóa của người mắc bệnh và người lành.
- Đường phân – miệng: Vi khuẩn HP đào thải qua phân và là nguồn lây lan sang cộng đồng, do thói quen sinh hoạt ăn đồ sống nên có thể bị nhiễm vi khuẩn.
- Đường khác: Có thể bị lây nhiễm do khám chung các thiết bị y tế như nội soi dạ dày, soi tai mũi họng, dụng cụ nha khoa,… Nên việc vệ sinh tiệt trùng các thiết bị y tế sau mỗi lần sử dụng cho các đối tượng khác nhau là cần thiết để tránh lây nhiễm vi khuẩn HP.
Cách phòng ngừa Helicobacter pylori
Nhiễm HP cần tiến hành điều trị càng sớm càng tốt để tránh lây nhiễm sang người khác, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó, biện pháp phòng ngừa cũng tối quan trọng, đó là:
Ăn chín uống sôi
Các loại thực phẩm không được nấu chín ẩn chứa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và lây nhiễm vi khuẩn HP dạ dày. Vi khuẩn này có thể tồn tại trong nhiều loại đồ ăn khác nhau. Chúng không thể bị tiêu diệt nếu không được nấu chín với nhiệt độ cao. Bên cạnh đó, bạn cần tránh các loại thức ăn sống, tái như: tiết canh, gỏi, rau sống,…
Chú trọng yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm
- Sử dụng thực phẩm tươi sạch, đảm bảo an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
- Lựa chọn nguồn nước sạch trong sinh hoạt.
- Không sử dụng các thực phẩm có dấu hiệu ẩm mốc, ôi thiu, nhiễm khuẩn,…
Đảm bảo không gian sống sạch
- Không gian sống của bản thân và gia đình luôn sạch sẽ, trong lành, dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, vệ sinh môi trường xung quanh.
- Chú ý vệ sinh bát đũa, dụng cụ nhà bếp sạch sẽ; diệt trừ ruồi, gián,…
- Tránh sinh sống ở những nơi ô nhiễm (không khí bụi bặm, gần địa điểm xử lý nước thải, nguồn nước bẩn…).
Rửa tay sạch sẽ, đúng cách
Bạn cần thường xuyên rửa tay với xà phòng để làm sạch khuẩn. Rửa tay trước khi ăn và sau khi sử dụng nhà vệ sinh.
Cẩn trọng khi tiếp xúc với người nhiễm vi khuẩn HP
Hãy thận trọng khi tiếp xúc với những người nhiễm vi khuẩn HP. Bạn cần:
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh như khăn mặt, bàn chải đánh răng,…
- Không dùng chung các dụng cụ ăn uống như thìa, đũa, bát, nước chấm…
- Không gắp thức ăn cho nhau
- Không nhai mớm cho trẻ.
Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học
Chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học và lạnh mạnh giúp cơ thể tăng cường miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh nói chung.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ các chất thiết yếu: carbohydrate, chất béo, protein, vitamin, khoáng chất và nước. Hạn chế uống cà phê, tránh sử dụng bia rượu, không hút thuốc lá,…
- Xây dựng thói quen vận động, tập luyện khoa học nhằm tăng sức đề kháng.
Thăm khám tiêu hóa định kỳ
Hãy chủ động thăm khám tiêu hóa định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần. Kiểm tra định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm vi khuẩn HP cũng như các mầm mống gây bệnh khác, từ đó có hướng điều trị hiệu quả.
Tóm lại, vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân viêm loét dạ dày thường gặp. Các triệu chứng ở người nhiễm vi khuẩn HP thường thầm lặng, không rõ ràng. Nếu có dấu hiệu viêm loét dạ dày, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.