Chưng lê trị ho là một trong những phương pháp dân gian được nhiều người sử dụng để giảm các triệu chứng ho khan ở trẻ em. Bài viết này sẽ chia sẻ cho bố mẹ các cách chưng lê đơn giản tại nhà làm dứt các cơn ho kéo dài cho bé.
Công dụng của quả lê trong việc trị ho cho bé
Trong Đông y và y học hiện đại, quả lê có nhiều công dụng trong việc trị ho cho bé. Dưới đây là các lợi ích nổi bật từ quả lê đối với việc điều trị triệu chứng ho ở trẻ:
- Tính mát, giảm ho: Quả lê có tính mát, nhuận phế, thanh nhiệt cơ thể trẻ. Nó còn có thể giúp làm dịu cổ họng, giảm các triệu chứng ho đau họng, ho có đờm ở trẻ nhỏ.
- Tiêu đờm, sinh tân dịch: Tính mát của quả lê cũng giúp tiêu đờm, sinh tân dịch, làm sạch đường hô hấp, giúp bé thoải mái hơn.
- Giảm đau rát cổ họng: Quả lê có thể giảm đau rát cổ họng do hoặc viêm họng gây ra.
- Tăng cường sức khỏe: Nhờ vào các thành phần như canxi, chất xơ, axit amin, vitamin và chất chống oxy hóa, quả lê giúp cải thiện chức năng hệ hô hấp, từ đó giúp bé phòng tránh được các bệnh về hô hấp và tăng cường miễn dịch.
Quả lê được sử dụng trong việc cải thiện tình trạng ho ở trẻ nhỏ
Hướng dẫn 5 cách chưng lê trị ho đơn giản và hiệu quả nhất
Để giảm triệu chứng ho của trẻ, bạn có thể kết hợp quả lê với nhiều nguyên liệu đơn giản khác nhau để tăng hiệu quả trong việc điều trị. Dưới đây là một số cách chưng lê trị ho mà bố mẹ có thể tham khảo.
Cách chưng lê trị ho với đường phèn
Chưng lê đường phèn là một phương pháp trị ho truyền thống được sử dụng cho cả người lớn, phụ nữ đang mang thai và trẻ nhỏ. Cách thực hiện món chưng lê với đường phèn để giảm triệu chứng viêm họng như sau:
Nguyên liệu:
- Lê tươi: 1 quả
- Đường phèn: 1,5 muỗng canh
Cách thực hiện:
- Bước 1: Ngâm quả lê trong nước muối loãng trong vài phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch.
- Bước 2: Tiếp theo, cắt nửa trên của quả lê và sử dụng thìa để nạo hết phần thịt ở bên trong, để tạo ra một lỗ trống để đựng đường phèn.
- Bước 3: Cho một ít đường phèn vào lỗ trống của quả lê, sau đó đặt quả lê vào một tô để chưng. Đun trên bếp cho đến khi lê mềm và đường phèn tan hết.
Lê chưng đường phèn trị ho là phương pháp hiệu quả và dễ thực hiện
Hướng dẫn cách chưng lê với gừng
Gừng có tính ấm giúp làm dịu cổ họng hiệu quả, để chưng lê trị ho cho bé kết hợp với gừng, bạn thực hiện theo các bước sau:
Nguyên liệu:
- Lê: 2 quả
- Gừng: 1 nhánh bằng đốt ngón tay
- Đường phèn: 1,5 muỗng canh
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa sạch gừng, cạo bỏ vỏ rồi giã nát, sau đó thái nhỏ.
- Bước 2: Rửa sạch quả lê, gọt vỏ và thái thành lát mỏng.
- Bước 3: Đặt gừng và lê đã thái vào tô, sau đó thêm đường phèn vào. Chưng lê trong khoảng 20 phút, để nguội và vớt gừng ra để bé dễ sử dụng.
Bạn có thể cho bé dùng bài thuốc này mỗi ngày, liên tục trong khoảng 1 tuần để có hiệu quả tốt nhất.
Trị ho bằng cách kết hợp lê với kỷ tử
Dưới đây là cách chưng lê trị ho cho bé kết hợp với kỷ tử:
Nguyên liệu:
- Lê: 2 quả
- Kỷ tử: 1 muỗng canh
- Đường phèn: 1,5 muỗng canh
Cách thực hiện
- Bước 1: Rửa sạch quả lê và giữ nguyên vỏ. Cắt một phần nhỏ khoảng 1/4 chiều cao ở phần trên của quả lê.
- Bước 2: Sau đó, cẩn thận khoét bỏ phần lõi và hạt bên trong.
- Bước 3: Đổ đường và kỷ tử vào lê sau đó đậy kín lại bằng phần đã cắt ở bước trước.
- Bước 4: Xếp hai quả lê đã chuẩn bị vào một thố và thêm phần kỷ tử và đường phèn còn lại vào rồi cho vào xửng hấp trong khoảng 40 phút.
Sau khi lê đã chín, lấy ra và để nguội và có thể cắt lê thành từng miếng nhỏ nếu bé còn nhỏ hoặc cho bé ăn một nửa quả nếu bé đã lớn.
Chưng lê trị ho cùng củ cải trắng
Để thực hiện phương pháp trị ho từ quả lê và củ cải trắng, bạn thực hiện theo các bước sau:
Nguyên liệu:
- Lê tươi: 1 quả
- Củ cải trắng: 1 củ
- Gừng tươi: 1 nhánh bằng đốt ngón tay
- Đường phèn: 1,5 muỗng canh
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa sạch quả lê, củ cải trắng và gừng tươi bằng nước sạch sau đó gọt bỏ vỏ.
- Bước 2: Ép hoặc xay những nguyên liệu này để lấy phần nước cốt, lưu ý để riêng từng loại nước.
- Bước 3: Đun sôi nước ép quả lê và củ cải trắng trên lửa nhỏ, khuấy đều cho đến khi nước sệt lại sau đó cho thêm đường phèn và khuấy đều.
Mỗi lần sử dụng, pha 1 thìa nhỏ hỗn hợp với một ít nước ấm. Sử dụng mỗi ngày hai lần, sau mỗi bữa ăn.
Lê chưng mật ong
Lê hấp mật ong là một trong những phương pháp trị ho tự nhiên hiệu quả và dễ thực hiện, đặc biệt phù hợp cho trẻ nhỏ và các bà mẹ đang mang thai.
Nguyên liệu:
- Lê: 1 quả
- Mật ong: 3 muỗng canh
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa sạch quả lê, sau đó dùng dao sắc để gọt vỏ và cắt phần thịt thành các khối vuông vừa phải.
- Bước 2: Đặt lê vào chén hoặc thố có nắp đậy, sau đó thêm mật ong vào. Đem hấp hoặc chưng cách thủy trong khoảng 15 – 20 phút.
- Bước 3: Khi lê đã chín, đem ra ngoài để nguội bớt trước khi cho trẻ sử dụng. Bạn có thể cho trẻ ăn cả lê và uống nước sau đó để giảm ho và đau cổ họng.
Đối với trẻ nhỏ không thích nhai hoặc lười nhai, bạn có thể ép lê để lấy nước, sau đó hòa với một ít mật ong và cho trẻ uống trực tiếp.
Chưng lê kết hợp với mật ong phù hợp với các bé trên 1 tuổi
Một số điều cần lưu ý khi chưng lê trị ho
Để việc sử dụng lê chưng trong điều trị ho cho bé đạt hiệu quả tốt nhất, bố mẹ cần lưu ý các điều sau:
- Biện pháp bổ sung khi bé bị ho: Ngoài việc sử dụng lê chưng, bạn cũng nên khuyến khích bé uống nhiều nước để làm loãng dịch đờm, hạn chế các món cay nóng và nhiều dầu mỡ, cũng như đảm bảo bé ngủ đủ giấc.
- Lưu ý về tính hàn của lê: Lê được coi là thực phẩm có tính hàn, do đó không nên sử dụng cho trẻ đang bị tiêu chảy hoặc đau bụng.
- Lê không thay thế thuốc chữa bệnh: Mặc dù lê chưng có thể giúp giảm ho khan và ho có đờm, nhưng nó không thể thay thế cho việc điều trị các bệnh ho do nhiễm khuẩn.
- Lưu ý khi sử dụng mật ong cho trẻ nhỏ: Trẻ dưới 1 tuổi không nên dùng mật ong vì có thể gây dị ứng hoặc ngộ độc, bạn có thể sử dụng đường phèn để chưng lê thay thế cho mật ong.
- Tham khảo bác sĩ: Trong trường hợp bạn đã áp dụng các cách chưng lê nhưng tình trạng ho của bé vẫn kéo dài, cách tốt nhất là nên thảo luận với bác sĩ.
Thông qua các phương pháp chưng lê trị ho cho bé đã được gợi ý qua bài viết trên, hy vọng rằng bố mẹ có thể áp dụng một cách hiệu quả. Mặc dù lê chưng có thể là phương pháp tự nhiên và an toàn, tuy nhiên cần lưu ý rằng chúng không thể thay thế các biện pháp điều trị y tế khác.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.