Bệnh giun, sán là một trong những bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới, tất cả mọi người đều có nguy cơ bị mắc các bệnh giun, sán. Bệnh giun, sán phân bố rộng rãi nhưng không đồng đều phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, tập quán vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về bệnh giun sán qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Bệnh nhiễm giun sán là vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng, bệnh chiếm khoảng một phần tư dân số thế giới, tập trung chủ yếu ở các nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hiện nay, người ta đã xác định được trên 100 loại giun tròn và 140 loại sán có khả năng gây bệnh cho người.
Những bệnh do ký sinh trùng thường mắc phải như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim, giun chỉ, sán lá gan, sán dây, sán lá phổi hoặc ấu trùng sán lợn… Tùy theo loại ký sinh trùng và vị trí ký sinh trong cơ thể người mà có những tác hại khác nhau.
Thực tế cho thấy, giun sán không lây trực tiếp qua người, phải qua một quá trình và lây qua người, qua vật dụng trung gian truyền bệnh, trong đó đường lây nhiễm chính là qua thức ăn như rau sống, các loại hải sản như cá, sò, ốc…
Khi vào cơ thể, giun sán có thể cư trú ở nhiều bộ phận bên trong cơ thể như gan, phổi, ruột. Lâu ngày, giun sán sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ con người. Bệnh do ký sinh trùng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và công việc.
Triệu chứng
Bệnh về giun sán không thể lây trực tiếp từ người sang người. Giun sán lây thông qua việc tiếp xúc với trứng giun và trứng giun sán đưa vào cơ thể người. Khi nhiễm giun sán, người bệnh sẽ có các triệu chứng như:
- Sốt kéo dài
- Đau bụng
- Đầy bụng, khó tiêu
- Rối loạn tiêu hóa, táo bón hoặc tiêu chảy
- Ngứa ngoài da
- Thiếu máu gây xanh xao, mệt mỏi
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bệnh giun sán là do người bị nhiễm phải ấu trùng hoặc trứng của giun, sán qua đường tiêu hóa khi ăn phải các thức ăn có trứng giun, trứng sán. Người lớn và trẻ em đều có thể mắc bệnh giun sán. Trẻ em hầu hết đều có giun, có nhiều loại giun song trẻ thường hay bị giun đũa và giun kim.
Giun có thể bị nhiễm qua:
- Đường ăn uống: do ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh, chưa chín kỹ, uống nước chưa đun sôi, ăn các loại rau sống chưa được rửa sạch.
- Bàn tay bẩn.
- Nguồn nước không vệ sinh.
- Sinh hoạt hằng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất.
- Trẻ em có thể bị nhiễm giun khi đưa đồ chơi bẩn vào miệng, cầm nắm thức ăn không rửa tay trước khi ăn.
Đối tượng nguy cơ
Những người có nguy cơ mắc bệnh cao, đặc biệt là những người sống trong vùng lưu hành bệnh. Những người có nguy cơ là:
- Trẻ mầm non, trẻ em ở độ tuổi đi học
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (bao gồm cả phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt thứ hai, thứ ba và phụ nữ cho con bú)
- Người làm việc trong một số ngành nghề có nguy cơ cao như thợ hái chè hoặc thợ mỏ.
Chẩn đoán
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp để chẩn đoán khác nhau. Một số phương pháp thường được sử dụng là:
- Chẩn đoán xét nghiệm: Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, Xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng, Xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng (ELISA), Xét nghiệm soi tế bào máu ngoại vi, xét nghiệm sinh học phân tử…
- Một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được dùng trong xét nghiệm chẩn đoán giun là siêu âm, chụp X-quang, chụp CT. Tuy nhiên siêu âm thường được sử dụng phổ biến khi người bệnh nhiễm giun sán ở giai đoạn đầu. Chụp X-quang và chụp CT thường được chỉ định khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng, giá thành thực hiện khá cao.
Phòng ngừa bệnh
Phòng chống bệnh giun sán ngay từ đầu chính là cách tốt nhất để đảm bảo sức khỏe cho mỗi người và cho cả cộng đồng bằng cách:
- Cắt đứt nguồn nhiễm, điều trị người nhiễm, tẩy giun định kỳ. Cần tập thói quen tẩy giun định kỳ cho cả gia đình tối thiểu 6 tháng một lần (ít nhất 2 lần trong năm).
- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, không nghịch bẩn, thường xuyên tắm rửa, không đi chân đất, không để trẻ bò lê la dưới đất. Cắt móng tay, đi dép thường xuyên, bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.
- Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn tiết canh, thịt lợn tái, các loại gỏi cá, nem chua sống, thịt bò tái, đối với các loại rau sống cần phải ngâm rửa kỹ trước khi ăn.
- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.Không sử dụng phân tươi để bón cho cây trồng nhất là các loại rau.
- Không để ruồi nhặng bâu vào thức ăn. Không để chó, lợn, gà… tha phân gây ô nhiễm môi trường.
- Người mắc bệnh giun, sán cần phải được khám và điều trị triệt để theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.
Điều trị như thế nào?
Khi điều trị bệnh giun sán, tùy theo tình hình thực tế và điều kiện khả năng cho phép của mỗi địa phương, có thể sử dụng phương pháp điều trị hàng loạt hoặc điều trị chọn lọc. Có nhiều thuốc điều trị bệnh giun sán, tuy nhiên người bệnh cần phân biệt thuốc điều trị giun và thuốc điều trị sán.
Thuốc điều trị giun:
- Piperazin (diethylen diamin) với tên biệt dược là piperazin citrat, piperal, antepar, piperol …
- Levamisol với tên biệt dược là levaris, decaris, solaskil…;
- Mebendazole với biệt dược: fugacar, vermox, soltric…;
- Albendazole với biệt dược: zenben, zentel, alzental…
- Pyrantel với: antiminth, combantrin, panatel…; thuốc thiabendazole (mintezol); thuốc diethylcarbamazin với: banocid, DEC, notezin…
Thuốc điều trị sán:
- Niclosamid với tên biệt dược là niclocide, yomesal, tamox…;
- Praziquantel với: Biltricide, pratez,…
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.