Gãy xương là một chấn thương phổ biến có thể xảy ra với bất kỳ ai, từ trẻ em đến người lớn tuổi. Hiểu biết về gãy xương giúp chúng ta có thể phòng ngừa, nhận biết và xử lý kịp thời, từ đó giảm thiểu những biến chứng không mong muốn.
Tổng quan chung
Gãy xương là tình trạng thương tổn làm mất tính liên tục của xương do nguyên nhân có thể do chấn thương hoặc do bệnh lý. Mất tính liên tục hoàn toàn gọi là gãy xương hoàn toàn, mất tính liên tục không hoàn toàn gọi là gãy xương không hoàn toàn.
Gãy xương xảy ra khi lực tác động lên xương vượt quá khả năng chịu đựng của nó, dẫn đến xương bị nứt hoặc gãy. Xương có thể gãy ở nhiều mức độ khác nhau, từ gãy rạn nhỏ đến gãy hoàn toàn. Gãy xương thường được phân loại theo hình dạng vết gãy và mức độ nghiêm trọng, bao gồm gãy kín (không làm rách da) và gãy hở (xương nhô ra khỏi da), loại gãy xương này đặc biệt nghiêm trọng vì khi da bị rách có thể xảy ra nhiễm trùng ở cả vết thương và xương..
Mức độ nghiêm trọng của gãy xương thường phụ thuộc vào lực gây ra vết gãy. Nếu lực tác động quá lớn, chẳng hạn do tai nạn ô tô, xương có thể bị gãy hoàn toàn. Ngược lại, xương có thể bị nứt, gãy xương không hoàn toàn.
Nhìn chung có thể phân loại một số loại gãy xương phổ biến bao gồm:
- Gãy cành xanh: Một bên xương bị gãy toác còn bên kia bị cong lõm vào gây ra di lệch gập góc. Thường gặp ở trẻ nhỏ vì ở độ tuổi này một phần của xương vẫn còn là những sụn mềm linh hoạt.
- Gãy xương ngang: Các gãy xương với đường gãy nằm ngang
- Gãy vụn: Xương bị gãy kèm theo có mảnh vỡ rời. Đây là trường hợp gãy xương khá phức tạp.
- Gãy xoắn: Tạo thành vết nứt có hình dạng xoắn. Các đầu gãy thường sắc nhọn, dài rất khó nắn chỉnh, khó giữ được cố định.
- Gãy xương hở: Đầu xương gãy có thể lộ ra tại vết thương. Gãy xương hở cũng là loại gãy xương phức hợp, thường mất nhiều thời gian hơn để lành, người bệnh có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng cũng như gặp các biến chứng khác.
Triệu chứng
Khi bị gãy xương, bạn có thể gặp phải những triệu chứng sau:
- Đau đớn: Cơn đau xuất hiện ngay lập tức tại vị trí gãy và có thể gia tăng khi di chuyển hoặc chạm vào vùng bị thương.
- Sưng: Vùng xung quanh chỗ gãy có thể sưng phồng do tổn thương mạch máu và mô mềm.
- Biến dạng: Xương bị gãy có thể khiến phần cơ thể bị lệch hoặc trông bất thường.
- Bầm tím: Máu chảy ra từ các mạch máu bị tổn thương tạo ra các vết bầm tím quanh vùng bị gãy.
- Giảm khả năng vận động: Bạn có thể gặp khó khăn hoặc không thể di chuyển phần cơ thể bị gãy.
- Nghe thấy âm thanh gãy: Một số người có thể nghe thấy âm thanh gãy rắc khi xương bị gãy.
Nguyên nhân
Gãy xương có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Chấn thương trực tiếp: Tai nạn giao thông, ngã từ độ cao, hoặc va chạm mạnh trong thể thao là những nguyên nhân phổ biến.
- Chấn thương gián tiếp: Xương có thể bị gãy do áp lực gián tiếp, chẳng hạn như xoay mạnh hoặc căng thẳng lặp đi lặp lại.
- Bệnh lý: Một số bệnh lý như loãng xương, ung thư xương, hoặc nhiễm trùng xương có thể làm xương yếu đi và dễ gãy hơn.
- Quá tải cơ học: Các vận động viên hoặc người lao động nặng có nguy cơ cao bị gãy xương do áp lực quá lớn lên xương trong thời gian dài.
Đối tượng nguy cơ
Bất kỳ ai cũng có thể dễ bị gãy xương do chấn thương hoặc bệnh lý. Tuy nhiên, một số người có nguy cơ gãy xương cao hơn số đông còn lại, do nhiều yếu tố như tuổi tác, tình trạng sức khỏe, lối sống và môi trường. Trong đó bao gồm:
- Trẻ em: Trẻ em vừa hiếu động, vừa có hệ xương khớp yếu hơn người lớn. Điều này khiến trẻ dễ bị gãy xương hơn người trưởng thành;
- Người cao tuổi: Xương mất dần mật độ khoáng chất khi tuổi tác tăng cao, làm tăng nguy cơ gãy xương;
- Phụ nữ: So với nam giới, phụ nữ có khung xương nhỏ hơn và dễ suy giảm mật độ xương nhanh hơn, đặc biệt sau giai đoạn mãn kinh.
- Người lạm dụng thuốc: Uống quá nhiều thuốc kháng viêm corticosteroids trong quá trình điều trị một số bệnh có thể làm suy giảm mật độ xương, làm tăng nguy cơ gãy xương.
- Vận động viên: Những người tham gia các môn thể thao tiếp xúc hoặc đòi hỏi vận động mạnh có nguy cơ bị gãy xương cao hơn.
- Người có lối sống không lành mạnh: Hút thuốc, uống rượu bia nhiều, ăn ít canxi và vitamin D, ít vận động có thể làm tăng nguy cơ gãy xương.
- Người mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến xương: Chẳng hạn như bệnh loãng xương, xương thủy tinh, tăng sản tủy xương,… đều khiến xương yếu giòn, dễ gãy;
- Người có tình trạng sức khỏe tổng quát kém: Như suy dinh dưỡng, béo phì hoặc có các rối loạn chuyển hóa ở thận, hệ tiêu hóa và hệ nội tiết;
- Người từng gãy xương trước đó: Người đã từng gãy xương trước đó có nguy cơ cao tái gãy xương tại vị trí cũ hơn người khỏe mạnh.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán gãy xương, bác sĩ sẽ thực hiện các bước sau:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng bị thương, tìm kiếm các dấu hiệu như sưng, biến dạng và đau.
- Chẩn đoán hình ảnh: là phương pháp thường được dùng để xác định mức độ tổn thương gãy xương và tình trạng tổn thương ở các khớp, mô, gân, cơ, dây chằng… lân cận.
- Chụp X-quang: Sau khi tiến hành thăm khám lâm sàng, nếu nghi ngờ người bệnh bị gãy xương, các bác sĩ sẽ tiến hành chụp X – quang. Phương pháp này sẽ tạo ra những hình ảnh hai chiều về xương, làm lộ các vết gãy hoặc các dấu hiệu tổn thương khác đồng thời giúp xác định loại và vị trí gãy.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Trong một số trường hợp phức tạp, MRI hoặc CT scan có thể được sử dụng để đánh giá chi tiết hơn về cấu trúc xương và mô mềm xung quanh.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Để tạo ra các lát cắt chi tiết của xương
- Máy quét xương: Phương pháp này được sử dụng để tìm những chỗ gãy xương không hiển thị trên phim chụp X-quang.
Xét nghiệm
- Xét nghiệm huyết học giúp xác định nguy cơ mất máu khi bị gãy xương
- Xét nghiệm sinh hóa giúp đánh giá mức độ tổn thương, tình trạng nhiễm trùng.
Phòng ngừa bệnh
Gãy xương không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, những biện pháp sau đây có thể ngăn ngừa được một số nguyên nhân gãy xương:
- Tăng cường sức mạnh của xương. Hãy bổ sung vào chế độ ăn uống những loại thực phẩm giàu canxi, chẳng hạn như sữa, sữa chua và phô mai, để giúp xương chắc khỏe. Hãy đảm bảo cung cấp đủ từ 1200 đến 1500mg canxi mỗi ngày.
- Tập thể dục đều đặn: Giúp tăng cường sức mạnh và mật độ xương, cải thiện sự linh hoạt và cân bằng cơ thể.
- Mang giày thể thao phù hợp. Chọn giày có kích thước phù hợp khi chơi thể thao hoặc vận động thể chất. Nên lưu ý thay giày thường xuyên nếu gót bị mòn hoặc cảm thấy không thoải mái khi mang.
- Thực hiện đúng kỹ thuật: Trong thể thao và lao động, cần chú ý đến kỹ thuật để giảm nguy cơ chấn thương.
- Mang đồ bảo hộ. Nhằm bảo vệ bạn khỏi những nguyên nhân gãy xương thường gặp nhất. Hãy sử dụng mũ bảo hiểm, miếng đệm khuỷu tay, miếng đệm đầu gối, miếng bảo vệ cổ tay và miếng đệm ống chân khi trượt tuyết, đạp xe đạp, trượt patin và tham gia các môn thể thao nguy hiểm.
- Phòng tránh té ngã. Không đứng trên cao hoặc trên bề mặt không chắc chắn. Loại bỏ thảm dễ trơn trượt và dây điện khỏi bề mặt sàn. Sử dụng tay vịn cầu thang và thảm không trượt trong bồn tắm để phòng tránh té ngã, đặc biệt là khi trong gia đình có trẻ em, người lớn tuổi.
- Đa dạng các hoạt động thể chất. Tham gia các hoạt động thể chất phù hợp có thể giúp xương dẻo dai hơn, ngăn ngừa gãy xương do căng thẳng. Bạn có thể lựa chọn bơi lội, đi bộ nhẹ hoặc đạp xe đạp. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn được bộ môn phù hợp với tuổi tác và tình trạng sức khỏe của bản thân.
Điều trị gãy xương như thế nào?
Điều trị gãy xương tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và vị trí gãy. Bác sĩ thường điều trị bệnh theo một nguyên tắc cơ bản: những mảnh xương vỡ được đưa trở về đúng vị trí và ngăn di lệch ra khỏi chỗ cho đến khi lành. Các phần xương mới hình thành xung quanh phần bị gãy và làm lành vết thương.
Phẫu thuật đôi khi cũng cần thiết để điều trị gãy xương. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chỗ gãy, gãy “hở” hay “kín” và xương nào gãy.
Các bác sĩ sử dụng một loạt các phương pháp để điều trị gãy xương, bao gồm:
- Cố định xương: Sử dụng nẹp, bó bột hoặc thiết bị cố định để giữ xương ở vị trí đúng trong quá trình lành.
- Băng bột cố định: bột thạch cao hoặc sợi thủy tinh đúc là loại phổ biến nhất trong điều trị gãy xương vì hầu hết các xương vỡ có thể tự lành một khi chúng đã thay đổi vị trí. Một khuôn bột dùng để giữ cho các đầu gãy ở vị trí thích hợp trong khi vết nứt tự lành.
- Nẹp cố định: các khuôn bột hoặc nẹp sẽ hạn chế hoặc “kiểm soát” chuyển động của khớp gần đó. Cách điều trị này khá tốt cho một số loại gãy xương nhưng không phải tất cả.
- Cố định ngoài: trong loại phẫu thuật này, bác sĩ thường đặt đinh kim loại hoặc ốc vít vào phía trên và dưới xương gãy. Các đinh hoặc ốc vít kết dính với một thanh kim loại bên ngoài da để giữ các xương ở vị trí thích hợp trong khi chúng tự lành.Trong trường hợp xuất hiện tổn thương nặng ở da và mô mềm xung quanh chỗ gãy, bác sĩ sẽ dùng một vật cố định bên ngoài cho đến khi người bệnh có thể phẫu thuật được.
- Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau có thể được sử dụng để kiểm soát cơn đau trong quá trình hồi phục.
- Phẫu thuật: Trong trường hợp gãy phức tạp hoặc khi xương không tự lành đúng cách, phẫu thuật có thể cần thiết để gắn kết xương bằng đinh, vít hoặc tấm kim loại.
- Mổ hở và cố định trong: trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ tái định các mảnh xương về vị trí bình thường và sau đó giữ chúng với các ốc vít đặc biệt hoặc các tấm kim loại ở bề mặt ngoài xương. Bác sĩ cũng có thể sắp xếp lại các mảnh vỡ bằng cách đặt một thanh kim loại vào khoang tủy ở trung tâm xương.
- Vật lý trị liệu: Sau khi xương đã lành, vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng và tăng cường cơ bắp xung quanh vùng bị thương.
Kết luận
Gãy xương là một chấn thương nghiêm trọng nhưng có thể được điều trị hiệu quả nếu được chẩn đoán và chăm sóc đúng cách. Hiểu biết về các triệu chứng, nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe xương khớp của bạn. Nếu bạn hoặc người thân gặp phải tình trạng gãy xương, hãy tìm kiếm sự tư vấn và điều trị từ các chuyên gia y tế để đảm bảo quá trình hồi phục nhanh chóng và hiệu quả. Chăm sóc tốt cho xương khớp hôm nay sẽ giúp bạn duy trì một cuộc sống khỏe mạnh và năng động trong tương lai.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.