Bạn đã bao giờ cảm thấy bị nghi ngờ chính bản thân mình hay cảm thấy thực tế xung quanh bị bóp méo bởi người khác? Đây có thể là dấu hiệu của Gaslighting (thao túng tâm lý) một hiện tượng tâm lý ngày càng phổ biến trong các mối quan hệ hiện đại. Để hiểu rõ hơn về Gaslighting là gì và cách nhận biết khi nào bạn đang bị thao túng, hãy khám phá cùng Pharmacity.
Gaslighting là gì?
Gaslighting là một hình thức thao túng tâm lý trong đó người thao túng cố tình khiến nạn nhân nghi ngờ chính mình, trí nhớ, nhận thức và sự phán đoán của họ. Thuật ngữ này xuất phát từ vở kịch “Gas Light” năm 1938 và các phiên bản điện ảnh sau đó, trong đó người chồng cố gắng làm cho vợ mình tin rằng cô ấy đang mất trí bằng cách điều chỉnh đèn khí gas trong nhà và phủ nhận những thay đổi đó khi cô ấy nhận thấy.
Gaslighting thường diễn ra từ từ, với các hành vi nhỏ nhặt, tưởng chừng vô hại nhưng dần dần làm xói mòn lòng tin của nạn nhân vào bản thân. Người thao túng có thể sử dụng các kỹ thuật như phủ nhận, xuyên tạc sự thật và đổ lỗi để làm cho nạn nhân cảm thấy bất an và phụ thuộc vào họ.
Gaslighting là hành vi thao túng tâm lý người khác
Dấu hiệu nhận biết người đang muốn Gaslighting
Để nhận biết và bảo vệ bản thân trước Gaslighting, việc nhận diện các dấu hiệu là rất quan trọng. Và nếu có người đang muốn thao túng tâm lý người khác thường sẽ có những biểu hiện sau đây:
- Người thao túng thường xuyên phủ nhận những điều đã xảy ra, ngay cả khi bạn nhớ rõ chúng. Họ có thể nói rằng bạn nhớ nhầm hoặc phóng đại sự việc.
- Họ thay đổi chi tiết của các sự kiện để khiến bạn nghi ngờ trí nhớ của mình hay họ có thể nói rằng bạn đã làm hoặc nói điều gì đó mà bạn chắc chắn mình không hề làm.
- Họ khiến bạn nghi ngờ về sự ổn định tinh thần và khả năng phán đoán của mình. Lúc này, bạn có thể bắt đầu tự hỏi liệu mình có đang mất trí hay không?
- Người thao túng thường đổ lỗi cho bạn về những điều không hợp lý hoặc hoàn toàn không phải lỗi của bạn.
- Họ cố gắng làm suy yếu mối quan hệ của bạn với người khác, khiến bạn cảm thấy cô lập và phụ thuộc vào họ.
- Khi bạn đối chất về hành vi của họ, họ thay đổi chủ đề hoặc phản ứng bằng cách tấn công cá nhân bạn.
- Họ sử dụng lời khen ngợi hoặc hành vi tích cực xen kẽ với hành vi tiêu cực để làm bạn bối rối và phụ thuộc vào họ.
- Họ thường sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ hoặc mang tính tuyệt đối, như “luôn luôn” hoặc “không bao giờ” để chỉ trích bạn.
- Họ kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình và không chấp nhận ý kiến khác biệt.
- Họ thường tạo áp lực tâm lý để khiến bạn thay đổi suy nghĩ hoặc hành động theo ý họ.
Người thao túng luôn muốn biến bạn thành con rối của họ
Vì sao nhiều người muốn Gaslighting người khác?
Nhiều người chọn sử dụng gaslighting vì một số lý do phức tạp liên quan đến tâm lý và động cơ cá nhân. Thường là:
- Sở thích muốn kiểm soát: Nhiều người có sở tích quái dị là thích kiểm soát người khác, nên sẽ muốn kiểm soát tâm lý của nạn nhân, khiến họ trở nên phụ thuộc và dễ bị thao túng hơn.
- Duy trì quyền lực bản thân: Người thao túng có thể muốn duy trì hoặc củng cố quyền lực của mình trong mối quan hệ, đặc biệt là khi họ cảm thấy mất kiểm soát hoặc bị đe dọa.
- Tránh bị phê bình: Bằng cách khiến nạn nhân nghi ngờ chính mình, người thao túng có thể tránh bị phê bình hoặc chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
- Sợ bị phát hiện lỗi lầm nào đó: Người thao túng có thể lo sợ bị bộc lộ những sai sót hoặc hành động sai trái của mình, do đó họ sử dụng gaslighting để bảo vệ bản thân.
- Tự vệ tâm lý: Một số người có thể sử dụng gaslighting như một cơ chế tự vệ để bảo vệ lòng tự trọng và giảm bớt cảm giác bất an.
- Mắc rối loạn nhân cách: Một số người có thể mắc các rối loạn nhân cách như rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder) hoặc rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial Personality Disorder), khiến họ có xu hướng thao túng và kiểm soát người khác.
- Thiếu sự đồng cảm: Người thao túng thường thiếu khả năng đồng cảm với cảm xúc và trải nghiệm của người khác, khiến họ dễ dàng sử dụng gaslighting mà không cảm thấy tội lỗi.
- Động cơ cá nhân: Gaslighting có thể được sử dụng để đạt được lợi ích cá nhân, chẳng hạn như tài chính, tình cảm hoặc quyền lực trong các mối quan hệ. Hay một số người có thể sử dụng gaslighting như một cách trả thù hoặc trừng phạt người khác.
Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều người muốn thao túng tâm lý người khác
Hệ luỵ của việc bị Gaslight
Gaslighting có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho nạn nhân, ảnh hưởng đến cả sức khỏe tinh thần và cuộc sống hàng ngày như:
- Nạn nhân dần dần mất niềm tin vào bản thân và khả năng phán đoán của mình.
- Sự căng thẳng liên tục có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý như lo âu và trầm cảm.
- Gaslighting khiến nạn nhân trở nên cô lập, xa lánh bạn bè và gia đình.
- Nạn nhân có thể phát triển các rối loạn tâm thần do áp lực và căng thẳng kéo dài.
- Sự mệt mỏi tinh thần và kiệt quệ cảm xúc có thể làm suy giảm sức khỏe tâm lý tổng thể.
- Sự mất tự tin và căng thẳng có thể làm giảm hiệu suất làm việc và khả năng tập trung.
- Nạn nhân có thể trở nên phụ thuộc vào người thao túng, khó thoát ra khỏi mối quan hệ độc hại.
Cách ứng biến với những người đang muốn Gaslighting
Đối phó với gaslighting có thể là một thách thức lớn, đặc biệt khi bạn cảm thấy mình đang mất dần kiểm soát và tự tin. Tuy nhiên, có nhiều cách để ứng biến hiệu quả và bảo vệ bản thân khỏi những tác động tiêu cực của hành vi này mà mọi người có thể tham khảo như:
- Không quan tâm, tranh cãi với những người cố thao túng tâm lý mình: Đừng để những hành động hay lời nói của họ ảnh hưởng đến bạn. Hãy giữ bình tĩnh và không để họ biết rằng họ đã tác động đến bạn. Điều này giúp bạn giữ được sự ổn định và không rơi vào bẫy của họ. Đặc biệt, tránh việc tranh cãi hoặc đối đầu trực tiếp, vì điều này chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Việc giữ im lặng và không phản ứng mạnh mẽ có thể giúp bạn giữ vững tâm lý.
- Quản lý công việc tốt hơn: Để giữ vững sự rõ ràng và tránh bị bẻ cong sự thật, trong môi trường làm việc, họ thường sẽ can thiệp vào lịch trình và công việc của bạn. Vì vậy, hãy chắc chắn lưu giữ các bằng chứng và tài liệu liên quan để ngăn chặn các nỗ lực này.
- Nhờ sự hỗ trợ từ người khác: Để đối phó với gaslighting, bạn có thể tìm sự hỗ trợ từ những người đứng về phía bạn. Nếu có người cố gắng thao túng bằng cách tìm lỗi sai trong công việc của bạn, hãy nhờ người có chuyên môn hoặc địa vị cao hơn đưa ra phản hồi để bảo vệ quyền lợi của bạn. Nếu cảm thấy quá khó khăn, hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ và hướng dẫn cách ứng phó. Các chuyên gia sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình huống và cung cấp các kỹ năng cần thiết để đối phó.
- Luôn tin tưởng vào chính mình: Quan trọng nhất là lắng nghe và tin tưởng vào bản thân. Khi bạn biết lắng nghe và xác định rõ mục tiêu và hành động của mình, bạn sẽ có thể bảo vệ được nhận thức của mình trước mọi cố gắng gaslighting.
- Tìm môi trường làm việc mới: Nếu bạn cảm thấy môi trường làm việc hiện tại không còn phù hợp và đang gây áp lực về mặt tâm lý và chuyên môn, hãy cân nhắc tìm một nơi làm việc mới, nơi phù hợp hơn với giá trị và mục tiêu của bạn.
Nên tránh tiếp xúc, làm ngơ trước những động thái thao túng của họ
Tóm lại, Gaslighting là một hình thức thao túng tâm lý phức tạp, và nhận biết các dấu hiệu của nó là bước đầu tiên để bảo vệ bản thân. Hi vọng qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn rõ hơn về gaslighting là gì và cách nhận diện những người đang thực hiện hành vi này. Để khi bạn nhận diện được những biểu hiện của gaslighting, bạn có thể tìm cách ứng phó hiệu quả và duy trì sự tự tin cũng như sức khỏe tinh thần của mình.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.