Gan nhiễm mỡ là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng mỡ bị tích tụ quá nhiều trong gan. Ở người bình thường, lượng mỡ trong gan rất thấp, chỉ chiếm từ 2 – 4% trọng lượng của gan. Nhưng trong bệnh gan nhiễm mỡ, mỡ sẽ chiếm ít nhất từ 5-10% trọng lượng của gan. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Gan nhiễm mỡ qua bài viết này nhé.
Tổng quan chung
Gan nhiễm mỡ là gì?
Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ chất béo quá nhiều trong mô gan và có thể gây viêm hoặc không gây viêm. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể chữa khỏi mà không ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan hoặc hạn chế biến chứng.
Triệu chứng gan nhiễm mỡ
Không ít trường hợp mắc bệnh nhưng không biết triệu chứng gan nhiễm mỡ là gì vì ở giai đoạn đầu thường không có biểu hiện đặc biệt. Hầu hết bệnh nhân tình cờ phát hiện bệnh khi thăm khám sức khỏe, qua việc siêu âm gan.
Trường hợp bệnh đã tiến triển nghiêm trọng hoặc có xơ gan, viêm gan, người bệnh mới có triệu chứng:
- Bụng trên bên phải bị khó chịu, đau âm ỉ.
- Thường xuyên cảm thấy chán ăn.
- Nước tiểu vàng hoặc chuyển màu sậm, vàng mắt, vàng da.
Nếu xơ gan, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng:
- Chân phù nề.
- Chướng bụng.
- Mạch máu dưới da bị giãn nở.
- To lá lách.
- Chảy máu tiêu hóa.
- Lòng bàn tay đỏ.
- Cảm giác ngứa da.
Nguyên nhân
- Tăng cân không kiểm soát, béo phì: Thừa cân béo phì là một yếu tố nguy cơ dẫn đến hiện tượng gan nhiễm mỡ. Khi cơ thể thường xuyên cung cấp lượng chất béo triglyceride vượt ngưỡng cơ thể có thể hấp thu thì sẽ có hiện tượng tích tụ, không chuyển hóa hết, tạo thành nguy cơ gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, lượng calo quá cao cũng khiến cơ thể không chuyển hóa hết thành năng lượng để sử dụng và tích trữ dưới dạng triglyceride.
- Nghiện rượu hoặc thường xuyên uống rượu: Đối với bệnh nhân nghiện rượu, ethanol trong rượu gây tăng NADH (Nicotinamide adenine dinucleotide (NAD) + hydro (H)) tại tế bào gan, kích thích tổng hợp chất béo, gây tăng tổng hợp triglycerid tại gan. Nghiện rượu là nguyên nhân thường gặp nhất ở đa số bệnh nhân gan nhiễm mỡ.
- Đái tháo đường: Trong bệnh nhân đái tháo đường, acid béo tự do trong máu sẽ tăng điều động trường hợp bệnh nhân hạ đường huyết. Tăng sử dụng acid béo tự do từ mô mỡ vào máu, gan chuyển hóa acid béo tự do thành triglyceride.
- Chế độ ăn giàu cholesterol: Cholesterol cao, nguy cơ về bệnh tim mạch và mỡ máu khá lớn.
Đối tượng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ thường xảy ra ở người từ độ tuổi trung niên trở lên. Song bệnh cũng có thể gặp ở trẻ em.
Người sử dụng nhiều rượu bia có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ, nhất là người uống nhiều rượu trong một thời gian dài. Ở những người nghiện rượu, phụ nữ và người bị béo phì có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ cao hơn.
Gan nhiễm mỡ không do rượu phổ biến hơn ở những người đã mắc một số tình trạng như:
- Béo phì
- Tiền đái tháo đường và đái tháo đường
- Tăng huyết áp
- Rối loạn lipid máu với cholesterol cao, triglyceride cao.
- Hội chứng chuyển hóa
- Giảm cân nhanh chóng
- Nhiễm virus viêm gan
- Sử dụng một số loại thuốc như corticosteroid, thuốc điều trị ung thư
- Tiếp xúc với một số chất độc, hóa chất. Vd: vinyl clorua
Các nghiên cứu cho thấy khoảng 1/3 – 2/3 những người bị đái tháo đường tuýp 2, 75% người thừa cân và hơn 90% người bị béo phì nặng cũng mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Tỷ lệ béo phì, đái tháo đường, mỡ máu và tăng huyết áp gia tăng cũng kéo theo tỷ lệ người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu tăng lên.
Chẩn đoán gan nhiễm mỡ
Lâm sàng
Gan nhiễm mỡ có thể phát hiện được thông qua thăm khám lâm sàng. Bạn nên kể với bác sĩ về các biểu hiện như bụng ấm ách hay chán ăn, cùng với đó là tiền sử về sử dụng rượu và các loại thuốc.
Xét nghiệm máu
Với xét nghiệm máu, chúng ta có thể đánh giá được sự thay đổi của men gan (men gan tăng). Đây không phải là phương pháp chẩn đoán xác định nhưng rất cần thiết trong việc tìm ra nguyên nhân gây tổn thương gan.
Siêu âm
Hình ảnh của gan nhiễm mỡ trên siêu âm là độ hồi âm của nhu mô gan gia tăng tạo nên hình ảnh đặc trưng gọi là “gan sáng”. Bên cạnh đó còn có một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ. Chẩn đoán hình ảnh có thể phát hiện gan nhiễm mỡ, nhưng chưa đánh giá được đầy đủ chức năng gan và nhiều tổn thương khác.
Sinh thiết
Bác sĩ sẽ gây tê cho người bệnh, sau đó sử dụng một kim sinh thiết để lấy ra mảnh tổ chức gan và đưa đi kiểm tra tế bào học. Đây là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán cũng như xác định nguyên nhân của gan nhiễm mỡ.
Phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ
Từ những nguyên nhân khiến gan nhiễm mỡ đã được đề cập ở trên, bạn có thể chủ động phòng tránh tình trạng này qua những biện pháp sau:
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học: Thực đơn ăn uống hằng ngày nên bổ sung nhiều protein tốt, chất xơ, giảm tinh bột và đường, hạn chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa.
- Tập luyện thể dục, thể thao đều đặn: Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên với cường độ vừa phải sẽ giúp kiểm soát cân nặng, cải thiện sức khỏe tổng thể.
- Khám sức khỏe định kỳ: Thăm khám sức khỏe 6 tháng/lần giúp phát hiện sớm tình trạng gan nhiễm mỡ và một số bệnh lý liên quan để có phương pháp điều trị kịp thời.
- Tiêm vắc xin đầy đủ: Đây là yêu cầu cần thiết để ngăn ngừa bệnh viêm gan xảy ra.
Điều trị bệnh gan nhiễm mỡ như thế nào?
Không có thuốc đặc trị cho bệnh gan nhiễm mỡ nhưng mỡ gan, viêm và các tổn thương gan sớm có thể đảo ngược nhờ cơ thế tự phục hồi của gan. Cách điều trị hiệu quả nhất là thay đổi lối sống để quản lý các yếu tố góp phần gây ra gan nhiễm mỡ.
- Đối với bệnh gan nhiễm mỡ do rượu, quan trọng nhất là ngừng uống rượu.
- Đối với bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, tùy vào thuộc vào tình trạng y tế của mỗi người mà bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp. Vd: giảm cân nếu bị thừa cân béo phì, thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường tập thể dục, dùng thuốc kiểm soát bệnh đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp…
Nếu gan nhiễm mỡ tiến triển, gây ra biến chứng thì việc điều trị sẽ bao gồm điều trị các tình trạng này bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Nếu xơ gan gây suy gan nặng, có thể cần ghép gan.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.