Bệnh viêm màng não mô cầu không phải là bệnh hiếm gặp, tuy vậy không có nhiều người biết đến căn bệnh này. Vậy viêm màng não do não mô cầu là bệnh gì? Biểu hiện bệnh ra sao, đối tượng nào dễ mắc bệnh và có phương pháp nào phòng tránh bệnh? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Viêm màng não do mô cầu là gì?
Vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây bệnh viêm màng não
Viêm màng não do mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây ra. Bệnh xuất hiện tái phát trong năm, tuy nhiên có thể thành dịch vào mùa thu, mùa đông và mùa xuân.
Bệnh viêm màng não mô cầu được chia thành 4 nhóm: A, B, C và D. Trong đó, viêm màng não mô cầu nhóm A là nhóm bệnh thường gặp nhất ở nước ta. Ngoài 4 nhóm bệnh điển hình trên, còn có các nhóm huyết thanh gây bệnh như W-135, X, Y và Z. Mặc dù các nhóm này ít độc lực nhưng nếu trẻ có hệ miễn dịch suy yếu hay được điều trị chậm trễ, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề cho trẻ.
Nếu phát hiện kịp thời, điều trị tích cực, đúng phát đồ có thể hồi phục lên đến 85% – 95%. Bệnh có thể bắt đầu với triệu chứng sốt nhẹ và chuyển biến nhanh chóng, dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, khiến trẻ tử vong chỉ sau vài giờ phát bệnh. Nếu phát hiện và điều trị bệnh muộn, trẻ có thể phải đối mặt với nhiều di chứng nặng nề do bệnh gây ra suốt đời. Tỷ lệ trẻ được chữa khỏi nhưng phải sống với các biến chứng của bệnh suốt đời lên đến 20%. Vì vậy, việc phát hiện sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc điều trị cho bé.
Đối tượng nào dễ mắc bệnh viêm màng não do mô cầu nhất?
Bệnh viêm màng não do mô cầu có thể gặp ở bất kỳ ai, bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất bao gồm:
- Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi
- Thanh thiếu niên và thanh niên
- Những người sống trong môi trường đông đúc như: quân nhân, sinh viên trong ký túc xá, các khu tập thể đông dân cư,…
- Những người suy dinh dưỡng kéo dài do bất thường hệ tiêu hóa hoặc suy giảm chức năng hấp thụ đường ruột
- Người du lịch đến các khu vực dịch tễ lưu hành như Châu Phi
- Nhân viên phòng thí nghiệm tiếp xúc với vi khuẩn não mô cầu
- Những người có thể tiếp xúc với vi khuẩn não mô cầu trong ổ dịch.
- Người bị suy giảm miễn dịch nói chung như : HIV/AIDS, điều trị hóa chất, ung thư,…
- Người có bệnh lý nền mãn tính: Tiểu đường, huyết áp, …
- Người có thói quen hút thuốc lá, thuốc lào, nghiện rượu bia.
Có vắc xin phòng ngừa bệnh viêm màng não do mô cầu không?
Viêm màng não do não mô cầu được đánh giá là căn bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao nhất là đối với trẻ nhỏ, di chứng kéo dài nên phòng ngừa là việc rất quan trọng. Vì vậy, cách phòng ngừa tốt nhất là tiêm phòng vắc xin.
Tiêm phòng vắc xin là biện pháp phòng bệnh viêm màng não do mô cầu hiệu quả nhất
Vắc xin viêm màng não do mô cầu hiện nay có 4 loại như sau:
- Vắc-xin Menactra: Vắc xin Menactra được chỉ định để tạo miễn dịch chủ động cơ bản và nhắc lại phòng bệnh xâm lấn do N.meningitidis (vi khuẩn não mô cầu) các nhóm huyết thanh A, C, Y, W-135 gây ra, như: viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi…được chỉ định tiêm phòng cho từ 9 tháng đến 55 tuổi. Vắc-xin Menactra được sản xuất bởi hãng vắc xin hàng đầu thế giới – Sanofi Pasteur (Pháp).
- Vắc-xin Mengoc BC: Vắc-xin Mengoc BC có tác dụng phòng bệnh viêm màng não mô cầu Mengoc nhóm B và C. Vắc-xin này được dùng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn đến 45 tuổi. Vắc xin VA-Mengoc-BC được nghiên cứu và sản xuất bởi Finlay Institute (Cu Ba).
- Vắc-xin Meningo AC: Là vắc-xin polysaccharide do công ty Sanofi Pasteur sản xuất, được chỉ định tiêm cho người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên để phòng ngừa các bệnh Não mô cầu nhóm A và C.
- Vắc xin Bexsero: Là vắc xin phòng viêm màng não mô cầu B thế hệ mới của Ý (GSK) được chỉ định để chủng ngừa cho trẻ và người lớn từ 2 tháng tuổi đến 50 tuổi (chưa đến sinh nhật 51 tuổi) chống lại bệnh não mô cầu xâm lấn do Neisseria meningitidis nhóm B gây ra.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.