Hải sản là một trong những thực phẩm phổ biến nhưng rất dễ gây dị ứng. Thế nên, việc đi tìm lời đáp cho thắc mắc dị ứng hải sản phải làm sao, cách trị dị ứng hải sản hay dị ứng hải sản uống thuốc gì được mọi người rất quan tâm. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Dị ứng hải sản qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Dị ứng hải sản là một phản ứng của hệ miễn dịch khi cơ thể nhận diện sai các protein có trong hải sản là chất gây hại. Điều này dẫn đến các triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của người mắc.
Do hải sản có chứa nhiều loại protein bổ dưỡng nhưng cũng có những protein “lạ”, khi ăn vào cơ thể sẽ là những kháng nguyên thực sự. Những kháng nguyên này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây dị ứng. Chất gây dị ứng có trong hải sản khi vào cơ thể sẽ gây ra phản ứng quá mẫn.
Đầu tiên, cơ thể sản sinh ra một loại kháng thể chống lại chất gây dị ứng trong thức ăn. Nếu tiếp tục ăn, chất dị ứng sẽ thúc đẩy kháng thể này kết hợp với các tế bào của hệ miễn dịch để tạo ra histamin. Histamin sinh ra trong các tổ chức, cơ quan khác nhau sẽ gây nên những bệnh lý khác nhau (histamin phóng ra ở mũi, vòm miệng và họng sẽ làm hắt hơi, ngạt mũi, khó nuốt, khó thở; phóng ra ở ruột thì gây đau bụng, tiêu chảy; phóng ra trên da sẽ gây ngứa, mề đay…).
Dị ứng hải sản là một trong những loại dị ứng thực phẩm phổ biến nhất, ảnh hưởng đến khoảng 2% dân số thế giới. Dị ứng này có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường bắt đầu từ khi còn nhỏ và kéo dài suốt đời. Có hai nhóm chính gây dị ứng là động vật có vỏ (như tôm, cua, sò) và cá. Mỗi loại hải sản chứa các protein khác nhau, do đó người dị ứng một loại hải sản này không nhất thiết sẽ dị ứng với loại khác.
Triệu chứng
Biểu hiện của dị ứng hải sản rất đa dạng và thường xảy ra rất nhanh, thường chỉ sau khi ăn khoảng vài giờ, thậm chí rất nhanh khoảng vài chục phút. Phản ứng dị ứng không phụ thuộc vào số lượng ăn nhiều hay ít mà phụ thuộc vào độ mẫn cảm của từng người.
- Phản ứng dị ứng nhẹ biểu hiện như: nổi mày đay, ngứa, nôn nao, khó chịu. Các triệu chứng này sẽ giảm và mất dần chỉ sau vài giờ
- Một số triệu chứng thường gặp như đau đầu, chóng mặt, ngất. Một số trường hợp ở mức độ nặng có thể gây phù nề mặt, khó thở, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy…
- Các triệu chứng của hô hấp như hắt hơi, ngạt, chảy nước mũi, khó thở kiểu hen, co thắt thanh quản
- Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy
Trong những trường hợp nghiêm trọng, dị ứng hải sản có thể gây sốc phản vệ (anaphylaxis), một tình trạng khẩn cấp cần cấp cứu ngay lập tức. Sốc phản vệ có thể xảy ra khi có trụy tim mạch với các triệu chứng sốc như da tái lạnh, mạch nhanh nhỏ, nổi vân tím, tụt huyết áp. Nếu người bệnh không được cấp cứu có thể dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính gây ra dị ứng hải sản là do hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các protein có trong hải sản, như tropomyosin, parvalbumin. Khi tiếp xúc với các protein này, hệ miễn dịch sản xuất ra kháng thể IgE, gây ra phản ứng dị ứng.
- Thứ nhất là do hải sản có chứa nhiều loại protein bổ dưỡng nhưng cũng có những protein “lạ”, khi ăn vào cơ thể sẽ là những kháng nguyên thực sự. Những kháng nguyên này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây dị ứng.
- Thứ hai là một số protein có trong hải sản chỉ đóng vai trò là một “bán kháng nguyên – hapten” hay kháng nguyên không đầy đủ. Loại này khi vào cơ thể sẽ kết hợp với nhóm “quyết định kháng nguyên” sẵn có gây nên dị ứng.
- Nguyên nhân thứ ba là do một số hải sản có chứa nhiều chất histamin. Chất này khi vào cơ thể cũng gây nên các triệu chứng như dị ứng.
Như vậy, các protein trong hải sản có thể là kháng nguyên, bán kháng nguyên đối với người bị dị ứng hải sản mà lại là những protein bình thường đối với tuyệt đại đa số những người không bị dị ứng hải sản. Còn hiện tượng hải sản có nồng độ histamin cao thì có thể gây triệu chứng cho tất cả mọi người ăn phải (hiện tượng ngộ độc histamin).
Đối với dị ứng hải sản, các phản ứng dị ứng (đặc biệt là sốc phản vệ) không phụ thuộc số lượng ăn vào nhiều hay ít mà phụ thuộc vào độ mẫn cảm của từng cá thể.
Đối tượng nguy cơ
Một số người có nguy cơ cao mắc dị ứng hải sản hơn người khác, bao gồm:
- Tiền sử gia đình: Nếu có người trong gia đình bị dị ứng hải sản, nguy cơ bạn mắc dị ứng sẽ cao hơn.
- Người có dị ứng khác: Những người bị dị ứng thực phẩm hoặc các bệnh dị ứng khác như hen suyễn, viêm mũi dị ứng có nguy cơ cao mắc dị ứng hải sản.
- Trẻ em: Dị ứng thực phẩm nói chung, bao gồm dị ứng hải sản, thường phổ biến hơn ở trẻ em.
Chẩn đoán
Dị ứng hải sản thường có thể được nhận biết bằng cách xuất hiện các triệu chứng ngay sau khi ăn hải sản từ vài phút đến 1 giờ. Để chẩn đoán dị ứng hải sản, bác sĩ có thể tiến hành các phương pháp sau:
- Hỏi bệnh sử: Điều tra chi tiết về triệu chứng và tiền sử dị ứng của bệnh nhân.
- Để xác định chính xác các triệu chứng có phải do dị ứng cá hay không, có thể dựa vào 2 xét nghiệm: xét nghiệm kháng thể trong máu (blood antibody test) và xét nghiệm lẩy da (skin prick test)
- Xét nghiệm da: Kiểm tra phản ứng của da với các chiết xuất từ hải sản. Để thực hiện xét nghiệm, nhân viên y tế sẽ đưa một lượng nhỏ các chất gây dị ứng vào dưới da. Nếu bạn bị dị ứng với tác nhân nào, các phản ứng dị ứng sẽ xảy ra tại vị trí da đó, giúp xác định tình trạng dị ứng.
- Xét nghiệm máu: hay còn được biết đến là xét nghiệm kháng thể IgE đặc hiệu của phản ứng dị ứng là xét nghiệm giúp đo lường phản ứng của hệ thống miễn dịch với từng loại hải sản.
- Thử nghiệm kích thích: Cho bệnh nhân ăn một lượng nhỏ hải sản dưới sự giám sát y tế để quan sát phản ứng.Để xác định chính xác các triệu chứng có phải do dị ứng cá hay không, có thể dựa vào 2 xét nghiệm: xét nghiệm kháng thể trong máu (blood antibody test) và xét nghiệm lẩy da (skin prick test)
Ngoài ra, bạn cũng có thể phát hiện sớm nguy cơ bị dị ứng hải sản của bản thân bằng xét nghiệm gen. Đây là xét nghiệm an toàn, không gây xâm lấn nhưng vẫn cho kết quả chính xác cao.
Phòng ngừa bệnh
Phòng ngừa dị ứng hải sản chủ yếu dựa vào việc tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa:
- Đọc kỹ nhãn sản phẩm: Kiểm tra thành phần của thực phẩm để tránh những sản phẩm chứa hải sản.
- Cảnh giác khi ăn ngoài: Thông báo với nhân viên nhà hàng về dị ứng của mình và yêu cầu đảm bảo không có hải sản trong món ăn.
- Mang theo thuốc dị ứng: Những người bị dị ứng nghiêm trọng nên mang theo epinephrine để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
- Giáo dục gia đình và bạn bè: Để họ hiểu và hỗ trợ trong việc tránh tiếp xúc với hải sản.
Điều trị như thế nào?
Điều trị dị ứng hải sản tập trung vào việc giảm triệu chứng và ngăn ngừa các phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các biện pháp điều trị bao gồm:
Đối với dị ứng thể nhẹ, cần kích thích gây nôn để hạn chế hấp thu lượng hải sản còn trong cơ thể. Bên cạnh đó, có thể áp dụng biện pháp sơ cứu như uống nhiều nước, uống nước cam, chanh, trà gừng, mật ong hoặc dùng gừng kết hợp với đậu xanh, lá tía tô để nấu ăn sẽ giúp trung hòa bớt độc tính, giảm bớt tình trạng mẩn ngứa, mề đay.
Trong trường hợp dị ứng hải sản có biểu hiện về tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy… cần cho người bệnh dùng dung dịch oresol để bù nước và điện giải. Tránh dùng thuốc cầm tiêu chảy vì cơ thể đang cần thải trừ độc tố.
Nên tăng cường bổ sung chất xơ từ các loại nước ép để hiệu quả phục hồi tốt hơn. Nghỉ ngơi và theo dõi tình trạng cơ thể sau 2-3 tiếng đồng hồ, nếu đã thuyên giảm thì không cần sử dụng thuốc. Cần lưu ý tránh tắm, lau người bằng nước nóng. Nên mặc quần áo rộng, thoáng mát. Không được uống rượu bia vì có thể làm cho rối loạn phản ứng tuần hoàn. Không nên dùng thực phẩm giàu đạm, giàu béo, giàu chất tanh khi dị ứng chưa khỏi.
Trường hợp xuất hiện các dấu hiệu nguy kịch đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mà chưa có sự cho phép của bác sĩ. Các thuốc kháng histamin và corticoid tuy có tác dụng đặc hiệu trong dị ứng nhưng đều có thể gây tác dụng phụ và tai biến đôi khi nghiêm trọng.
Khi hiện tượng dị ứng gây ngứa cùng nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn, bạn nên tìm đến y bác sĩ để được chỉ định dùng thuốc phù hợp. Thông thường, một số thuốc chữa dị ứng hải sản được nhiều người sử dụng là:
- Thuốc Epinephrine: Gồm thuốc dạng tiêm và dạng uống. Thuốc dạng tiêm dùng để chống co thắt và ngăn sốc phản vệ. Trong khi đó thuốc dạng uống dùng cho những người có cơ địa dị ứng, hen suyễn và dùng trong trường hợp cấp bách.
- Thuốc corticosteroid: Sử dụng trong trường hợp viêm nhiễm và sưng tấy nghiêm trọng.
- Thuốc kháng histamin: Gồm Cetirizin, Phenergan, Cetirizin, Clorpheniramin,… Đây là nhóm thuốc được dùng chính trong điều trị dị ứng hải sản và giúp ức chế phóng thích histamin, giảm triệu chứng bên ngoài da, hệ tiêu hóa.
- Thuốc bên ngoài da: Một số thuốc được dùng bôi ngoài da gồm sulfat kẽm, kem bôi chứa menthol hoặc thuốc chống ngứa,… giúp giảm mẩn đỏ, mề đay.
- Điều trị hỗ trợ: Gồm việc điều trị triệu chứng cụ thể như truyền dịch khi bị mất nước do nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Kết luận
Dị ứng hải sản là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng có thể quản lý và phòng ngừa nếu được nhận biết và xử lý đúng cách. Việc nắm rõ nguyên nhân, triệu chứng, và các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bạn bảo vệ bản thân và người thân khỏi những rủi ro của dị ứng hải sản. Nếu bạn nghi ngờ mình bị dị ứng hải sản, hãy tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn điều trị kịp thời. Hãy luôn cẩn trọng và chủ động trong việc quản lý dị ứng để đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống tốt nhất.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.