Đau nhức toàn thân là tình trạng rất nhiều người gặp phải. Khi xuất hiện tình trạng đau nhức toàn thân dù là nhẹ nhất thì bạn cũng không nên chủ quan vì đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác tiềm ẩn phía sau. Dưới đây là một số thông tin cần biết về tình trạng đau nhức toàn thân và những liệu pháp giảm đau nhức toàn thân hiệu quả bạn không nên bỏ qua.
Tổng quan chung
Đau nhức toàn thân là cảm giác cơ thể bị mỏi, không muốn cử động hoặc cử động, vận động là thấy đau. Cơn đau nhức chủ yếu do các cơ, xương khớp bị căng thẳng trong thời gian dài. Có những trường hợp do viêm cơ hoặc gặp các vấn đề về xương khớp.
Đau nhức toàn thân thường âm ỉ, khó xác định được vị trí chính xác triệu chứng đau. Ngoài ra, một số trường hợp có thể đau thành từng cơn, cơn đau dữ dội và tăng lên khi vận động.
Không chỉ có triệu chứng đau nhức mỏi khắp người, người bệnh còn kèm theo tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu giấc, đau ngực, khó thở…
Để không bị cơn đau nhức xương khớp toàn thân “hành hạ”, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Người bệnh nên thăm khám để tìm ra nguyên nhân, từ đó có phương pháp xử lý hiệu quả.
Triệu chứng
Các triệu chứng thường gặp của người bị nhức mỏi hay đau nhức toàn thân bao gồm:
- Cảm thấy đau khắp người từ tay, chân, thân người, bắp thịt cho đến đau nhức xương khớp toàn thân.
- Cơn đau trở nặng khi thời tiết thay đổi, vì thế tạo cho người bệnh cảm giác gai gai sốt, sốt ê ẩm toàn thân, sợ gió, sợ lạnh.
- Cơn đau có thể xuất hiện liên tục và tồi tệ hơn theo thời gian.
- Khi cơn đau tái phát, cơ thể người bệnh sẽ luôn bị mệt mỏi khiến người bệnh không muốn làm việc.
- Vào ban đêm, người bệnh thường rất khó ngủ và ngủ không sâu giấc hoặc thức giấc vào giữa đêm.
Nguyên nhân
Thiếu vitamin D
Trong cơ thể của chúng ta, một số cơ quan như cơ, xương, thận thường dựa vào canxi để hoạt động bình thường. Đặc biệt là xương rất cần canxi để khỏe mạnh. Vitamin D thường có vai trò quan trọng trong việc hấp thu và phân phối canxi, khi cơ thể không được cung cấp đủ vitamin D để hấp thụ canxi bạn sẽ cảm thấy đau nhức cơ toàn thân.
Do thói quen sinh hoạt không lành mạnh
Thói quen sinh hoạt không lành mạnh là một trong những nguyên nhân gây ra cơn đau nhức toàn thân. Những người vận động không đúng tư thế, khuân vác các vật nặng, ngồi nhiều trong văn phòng, có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn,… khiến khớp dễ bị tổn thương, không được cung cấp đủ dưỡng chất dẫn đến khớp bị khô và gây đau nhức toàn thân. Ngoài ra các hoạt động cường độ cao và lạm dụng cơ cũng có thể gây ra tình trạng nhức mỏi toàn thân.
Do các bệnh lý về cơ xương khớp
Hiện tượng đau nhức khớp toàn thân trên thực tế có thể tiềm ẩn nhiều căn bệnh cơ xương khớp phía sau như viêm khớp, thoái hóa khớp, loãng xương, thoát vị đĩa đệm, bệnh gút,…
Cúm hoặc một số bệnh nhiễm trùng khác
Khi virus cúm tấn công vào cơ thể, nó sẽ gây ra các triệu chứng như sốt, nghẹt mũi, đồng thời có thể khiến bạn bị đau nhức toàn thân, đặc biệt là các cơ ở lưng, chân và tay.
Bệnh cúm thường tự khỏi sau 1 tuần hoặc lâu hơn, tuy nhiên nếu các triệu chứng đau nhức cơ thể, sốt hoặc nghẹt mũi vẫn không thuyên giảm thì bạn nên đi khám bác sĩ để được điều trị càng sớm càng tốt. Ngoài ra, bạn cũng nên đi khám nếu có các vấn đề về sức khoẻ khác hoặc bị ho nhưng không khỏi. Các bệnh nhiễm trùng khác cũng có thể khiến bạn bị đau nhức mỏi toàn thân, trong đó bao gồm COVID-19 và HIV.
Dùng thuốc
Việc sử dụng thuốc statin để kiểm soát lượng cholesterol cao trong máu có thể dẫn đến tác dụng phụ như đau nhức cơ thể. Nếu bạn gặp phải các tình trạng này trong quá trình sử dụng thuốc, hãy trao đổi với bác sĩ để chuyển đổi một loại thuốc khác phù hợp hơn.
Đối tượng nguy cơ gây nhức mỏi toàn thân
Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị nhức mỏi toàn thân.
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị đau nhức toàn thân như là:
- Người làm việc nặng nhọc
- Người thiếu vitamin D
- Người vận động thể dục, làm việc sai tư thế
- Người mắc bệnh lý xương khớp
- Người đang bị cúm
- Người bị tác dụng phụ của nhóm thuốc Statin
Chẩn đoán
Một chẩn đoán đau nhức toàn thân có thể được thực hiện nếu một người đã có đau lan rộng cơ thể trong hơn ba tháng – mà không có tình trạng bệnh lý nền có thể gây ra đau.
Xét nghiệm máu: mặc dù không có xét nghiệm nào để xác định chẩn đoán bệnh đau nhức toàn thân, bác sĩ có thể muốn loại trừ các tình trạng khác có thể có các triệu chứng tương tự. Xét nghiệm máu bao gồm:
- Đếm tế bào máu
- Tốc độ lắng máu
- Xét nghiệm kháng peptide dạng vòng (anti-CCP)
- Yếu tố thấp
- Thử nghiệm chức năng tuyến giáp
Phòng ngừa bệnh
Nếu biết cách phòng ngừa, bạn sẽ có thể ngăn chặn được các cơn đau mỏi cơ toàn thân xuất hiện. Bạn nên:
- Tắm nước nóng để cơ thể được thư giãn
- Vận động và tập thể dục ở mức độ vừa phải phù hợp với sức khỏe
- Tăng cường bổ sung canxi và vitamin D cho cơ thể bằng các loại thực phẩm như sữa, rau dền, cá, trứng, ngũ cốc…
- Áp dụng các bài tập yoga hoặc ngồi thiền
- Xoa bóp vai, tay và chân sau những giờ làm việc.
- Có chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý, uống đủ nước cơ thể cần.
- Tránh căng thẳng lo lắng kéo dài, ngủ đúng giờ và đủ giấc.
- Tránh các thói quen và tư thế sai như đã đề cập ở trên trong sinh hoạt hàng ngày.
Điều trị như thế nào?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra, có nhiều cách để chữa trị đau nhức toàn thân, bao gồm:
- Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi đầy đủ là điều quan trọng nhất để cơ bắp được phục hồi.
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Tập thể dục nhẹ nhàng, như đi bộ hoặc yoga, có thể giúp giảm đau nhức và cải thiện lưu thông máu.
- Chườm nóng hoặc lạnh: Chườm nóng hoặc lạnh có thể giúp giảm đau nhức và sưng tấy.
- Dùng thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau không kê đơn, như paracetamol hoặc ibuprofen, có thể giúp giảm đau nhức tạm thời.
- Massage: Massage có thể giúp thư giãn cơ bắp và giảm đau nhức. Đã có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rằng massage hàng ngày còn có thể cải thiện nhiều vấn đề sức khỏe của bạn như cải thiện giấc ngủ, cải thiện năng lượng,…
- Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu có thể giúp cải thiện sức mạnh và độ linh hoạt của cơ bắp, giảm đau nhức.
Đau nhức toàn thân khiến người bệnh khó chịu và khó tập trung vào công việc. Vì thế, khi có những dấu hiệu nhức mỏi toàn thân, bạn không nên cố gắng làm việc nặng. Thay vào đó, bạn nên nghỉ ngơi, kết hợp những cách giảm đau tại nhà và đến bác sĩ thăm khám nếu tình hình tồi tệ hơn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.