Nhịp tim là số lần tim đập trong thời gian một phút. Khi đập, tim bơm máu chứa oxy đi khắp cơ thể và đưa máu nghèo oxy về lại phổi. Cơ thể sẽ tự động kiểm soát nhịp tim để phù hợp với những chuyển động khác nhau cũng như môi trường xung quanh tại mỗi thời điểm.
Nhịp tim bình thường là thời điểm tim bơm lượng máu thấp nhất mà cơ thể cần khi không tập thể dục, bình tĩnh, thư giãn, ngồi hoặc nằm và không mắc bệnh lý nào. Nhịp tim bình thường của người lớn dao động từ 60-100 lần mỗi phút và có thể thay đổi theo từng phút. Tuổi tác và sức khỏe tổng quát cũng ảnh hưởng đến nhịp tim, vì vậy nhịp tim bình thường sẽ khác nhau ở mỗi người.
Rối loạn nhịp tim là gì?
Rối loạn nhịp tim là tình trạng điện học bất thường của tim, bao gồm bất thường trong quá trình tạo ra nhịp và dẫn truyền điện học trong các buồng tim. Bệnh rối loạn nhịp tim bao gồm các biểu hiện lâm sàng sau: nhịp tim quá nhanh (tần số > 100 lần/phút) hoặc quá chậm (tần số < 60 lần/phút), nhịp tim không đều, có lúc tim đập nhanh, có lúc tim đập chậm.
Triệu chứng của bệnh rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim có thể “im lặng” và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Chúng ta có thể phát hiện ra nhịp tim không đều khi khám sức khỏe định kỳ.
Khi rối loạn nhịp tim kéo dài đủ lâu để ảnh hưởng đến hoạt động của tim, sẽ gây ra những triệu chứng nghiêm trọng hơn, đáng chú ý có thể kể đến:
- Đánh trống ngực: Đây là triệu chứng điển hình và phổ biến của rối loạn nhịp tim. Người bệnh có thể cảm nhận cảm giác tim đập mạnh trong lồng ngực hay cảm giác như tim ngừng đập trong chốc lát và đập mạnh trở lại. Người bệnh thường mô tả triệu chứng này như cảm giác hồi hộp hoặc đánh trống ngực.
- Cảm giác khó thở đột ngột: Triệu chứng này thường đi kèm với cảm giác tim đập không đều hoặc cảm giác hồi hộp. Cảm giác khó thở là một trong những dấu hiệu gợi ý nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc rối loạn nhịp nguy hiểm.
- Chóng mặt: người bệnh cảm giác choáng váng, mọi thứ xung quanh bị quay vòng, bản thân bị mất cân bằng.
- Ngất xỉu: người bệnh mất ý thức đột ngột trong một thời gian ngắn. Đây là một triệu chứng đáng lo ngại, do nó có thể dẫn đến các chấn thương nghiêm trọng nếu người bệnh ngất xỉu khi đang đi thang bộ, đang tham gia giao thông,…
- Hụt hơi, đau tức ngực.
- Suy nhược hoặc cảm thấy mệt mỏi.
- Khó thở, lo lắng.
- Mờ mắt.
Yếu tố nguy cơ gây ra bệnh rối loạn nhịp tim
Những yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim:
- Tuổi tác: Tỷ lệ rối loạn nhịp tim tăng theo độ tuổi. Người lớn tuổi có những biến đổi về cấu trúc hệ tim mạch và ảnh hưởng của các bệnh mãn tính khác có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim.
- Di truyền: Tiền sử gia đình có cha mẹ hoặc người thân bị rối loạn tim mạch, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Thói quen sinh hoạt:
- Hút thuốc lá.
- Uống rượu, bia thường xuyên.
- Sử dụng đồ uống và thực phẩm có chứa caffeine
- Sử dụng một số loại thuốc và chất bổ sung: một số loại thuốc kê đơn và một số loại thuốc trị ho, cảm lạnh không kê đơn có thể gây rối loạn nhịp tim.
Người có những bất thường hoặc bệnh lý của tim gây ra như các bệnh lý tim mạch: bệnh cơ tim, suy tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý van tim, bệnh động mạch vành, các vấn đề về tim khác và phẫu thuật tim trước đó.
Các bệnh lý khác như là bệnh tiểu đường, rối loạn tuyến giáp, và các bệnh lý khác cũng có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim.
Kết luận
Rối loạn nhịp tim là một bệnh lý nghiêm trọng, nhưng với sự hiểu biết và chú ý đúng mức, bạn có thể kiểm soát và giảm thiểu các nguy cơ. Hãy thường xuyên kiểm tra sức khỏe, duy trì lối sống lành mạnh và tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Sự quan tâm và chăm sóc sức khỏe tim mạch sẽ giúp bạn có một cuộc sống khỏe mạnh và an toàn hơn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.