Đái tháo đường thai kỳ (hay còn gọi là tiểu đường thai kỳ) là một căn bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con. Hiểu rõ về căn bệnh này cũng như nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp các thai phụ giảm được nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Bên cạnh đó, việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp giảm đáng kể các biến chứng.
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý gây ra bởi sự rối loạn lượng đường trong máu trong thời kỳ mang thai. Đây được xem là bệnh thường gặp ở mẹ bầu. Tuy nhiên, bệnh chỉ phát triển mạnh trong thời gian mang thai và thường sẽ biến mất sau khi sinh. Nghiên cứu cho thấy, có khoảng 2% đến 10% phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ.
Triệu chứng của tiểu đường thai kỳ
Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ thường có những biểu hiện không rõ ràng. Phần lớn các trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán bệnh bằng phương pháp xét nghiệm trong các buổi khám thai định kỳ.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, mẹ bầu có biểu hiện bất thường như sau:
- Thường xuyên khát nước.
- Đi tiểu nhiều hơn. Tuy nhiên, triệu chứng đi tiểu nhiều cũng có thể là do ở những tháng cuối, thai nhi phát triển mạnh gây áp lực bàng quang khiến mẹ bầu phải đi tiểu nhiều lần hơn.
- Mẹ bầu thèm ăn nhiều hơn.
- Vùng kín dễ nhiễm nấm, có cảm giác ngứa ngáy.
- Những vết thương, vết trầy xước chậm lành hơn bình thường.
- Cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống.
Nguyên nhân gây ra tiểu đường thai kỳ
Thông thường, các loại hormone khác nhau có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu. Nhưng khi mang thai, nồng độ hormone thay đổi, khiến cơ thể khó xử lý lượng đường trong máu hiệu quả hơn.
Ngoài ra, khi mang thai, một cơ quan được gọi là nhau thai cung cấp cho em bé chất dinh dưỡng và oxy, nhau thai cũng tạo ra hormone.
Vào cuối thai kỳ, các hormone estrogen, cortisol và nhau thai có thể ngăn chặn insulin. Khi insulin bị chặn sẽ gọi là kháng insulin, lúc này glucose không thể đi vào các tế bào cơ thể và tồn tại trong máu và làm cho lượng đường trong máu tăng lên.
Bên cạnh đó, còn có các yếu tố rủi ro khiến cho một số phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ cao hơn: Thừa cân và béo phì; Thiếu hoạt động thể chất; Đái tháo đường thai kỳ trước hoặc tiền đái tháo đường trước khi mang thai; Hội chứng buồng trứng đa nang; Tiền sử bệnh đái tháo đường của các thành viên trong gia đình.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là một phần quan trọng để theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho cả thai phụ và thai nhi. Nên thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ cho mọi thai phụ từ tuần thứ 24 – 28 bởi thời điểm này được xem là thời điểm chuẩn, tốt nhất cho phát hiện bất thường chuyển hóa carbohydrate trong thai kỳ.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.