Cefpodoxim là một loại kháng sinh được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Vậy Cefpodoxim là thuốc gì? Công dụng ra sao và cách sử dụng thuốc kháng sinh Cefpodoxim như thế nào? Bạn đọc hãy cùng chúng tôi tìm hiểu với thông tin bên dưới nhé:
Hình ảnh minh họa thuốc Cefpodoxime
Thông tin cần biết về thuốc cefpodoxim
Thuốc cefpodoxim là gì?
Thuốc Cefpodoxim là một loại kháng sinh thế hệ 3 thuộc nhóm Cephalosporin được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra như nhiễm trùng: xoang, họng, tai, da, bàng quang hoặc phổi. Cefpodoxime cũng được sử dụng để điều trị bệnh lậu.
Các dạng bào chế và hàm lượng
Các chế phẩm thuốc Cefpodoxim trên thị trường hiện có có các dạng bào chế với hàm lượng tương ứng:
- Cốm để pha hỗn dịch uống: 100 mg/5 mL; 50 mg/5 mL
- Viên nén bao phim uống: 100 mg; 200 mg
- Thuốc được dùng dưới dạng cefpodoxim proxetil. Hàm lượng và liều dùng được tính theo cefpodoxim: 130 mg cefpodoxim proxetil tương đương với khoảng 100 mg cefpodoxim
Chỉ định khi dùng thuốc
Khi sử dụng thuốc bạn đọc nên thực hiện theo chỉ định của Bác sĩ hoặc Nhân viên y tế. Ngoài ra, bạn đọc có thể tham khảo thông tin trên nhãn thuốc hoặc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Và để bạn đọc dễ hình dung, Pharmacity tóm tắt một số chỉ định của thuốc Cefpodoxim như thông tin bên dưới:
- Nhiễm khuẩn từ nhẹ đến trung bình ở đường hô hấp dưới:
- Viêm phổi cấp tính mắc phải ở cộng đồng do các chủng Streptococcus pneumoniae hoặc Haemophilus influenzae nhạy cảm (kể cả các chủng sinh ra beta-lactamase)
- Điều trị đợt kịch phát cấp tính của viêm phế quản mạn do S. pneumoniae nhạy cảm và do H. influenzae; hoặc do Moraxella (trước kia gọi là Branhamella) catarrhalis, không sinh ra beta-lactamase
- Nhiễm khuẩn nhẹ và vừa ở đường hô hấp trên:
- Viêm họng, viêm amidan do Streptococcus pyogenes nhạy cảm, cefpodoxim không phải là thuốc được chọn ưu tiên, mà là thuốc thay thế cho amoxicilin hay amoxicilin và kali clavulanat khi không hiệu quả hoặc không dùng được
- Cefpodoxim cũng có vai trò trong điều trị bệnh viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp do các chủng nhạy cảm S. pneumoniae, H. influenzae (kể cả các chủng sinh ra beta-lactamase) hoặc M. catarrhalis
- Cefpodoxim cũng được dùng để điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu thể nhẹ và vừa, chưa có biến chứng (viêm bàng quang) do các chủng nhạy cảm E. coli, Klebsiella Pneumoniae, Proteus mirabilis, hoặc Staphylococcus saprophyticus
- Bệnh lậu không biến chứng và lan tỏa do chủng N. gonorrhoea sinh hoặc không sinh penicilinase
- Cefpodoxim cũng được dùng để điều trị nhiễm khuẩn thể nhẹ đến vừa chưa biến chứng ở da và các tổ chức da do Staphylococcus aureus có tạo ra hay không tạo ra penicilinase và các chủng nhạy cảm của Streptococcus pyogenes
Cefpodoxime chống chỉ định với các trường hợp sau
- Người mẫn cảm với cefpodoxim hay bất cứ thành phần nào của thuốc
- Những người bệnh bị dị ứng với các cephalosporin khác và người bị rối loạn chuyển hóa porphyrin
Bạn nên sử dụng thuốc cefpodoxime như thế nào?
Cách dùng:
- Nên uống viên nén cefpodoxim cùng thức ăn để tăng sự hấp thu của thuốc qua đường tiêu hóa.
- Cefpodoxim dạng hỗn dịch uống có thể uống bất cứ lúc nào, với thức ăn hoặc không. Pha hỗn dịch uống: Thêm lượng nước cất (hoặc nước uống được) thích hợp vào lọ thuốc bột để có hỗn dịch chứa 50 – 100 mg cefpodoxim/5 ml. Chia lượng nước cần thêm làm 2 phần bằng nhau để thêm vào bột thuốc 2 lần. Lắc kỹ lọ sau mỗi lần thêm. Lắc kỹ hỗn dịch trước khi dùng
Liều thường dùng:
- Người lớn và trẻ ≥ 12 tuổi: Uống: 100 – 400 mg cách 12 giờ/lần. Liều khuyến cáo cho một số bệnh cụ thể như sau:
- Đợt kịch phát cấp tính của viêm phế quản mạn hoặc viêm phổi thể nhẹ đến vừa mắc phải của cộng đồng, liều thường dùng của cefpodoxim là 200 mg/lần, cách 12 giờ một lần, trong 10 hoặc 14 ngày, tương ứng với các bệnh kể trên.
- Viêm họng và/hoặc viêm amidan do nhiễm Streptococcus pyogenes, liều cefpodoxim là 100 mg, cách 12 giờ một lần, trong 5 – 10 ngày.
- Nhiễm khuẩn da và các tổ chức da thể nhẹ và vừa chưa biến chứng, liều thường dùng là 400 mg/lần, cách 12 giờ một lần, trong 7 – 14 ngày.
- Nhiễm khuẩn đường niệu từ nhẹ đến vừa chưa có biến chứng: 100 mg/lần, cách 12 giờ một lần, dùng trong 7 ngày.
- Lậu chưa biến chứng ở nam, nữ: Dùng 1 liều duy nhất 200 mg hoặc 400 mg cefpodoxim, tiếp theo là điều trị bằng doxycyclin uống để đề phòng nhiễm Chlamydia
- Trẻ em từ 2 tháng tuổi đến 12 tuổi: Uống 10 mg/kg/ngày, chia làm 2 lần, cách nhau 12 giờ (liều tối đa 400 mg/ngày). Liều khuyến cáo cho một số bệnh cụ thể như sau:
- Viêm tai giữa cấp: 5 mg/kg (cho tới 200 mg) cách nhau 12 giờ, trong 5 ngày.
- Viêm họng và amidan do S. pyogenes (liên cầu khuẩn tan máu beta nhóm A): 5 mg/kg (cho tới 100 mg) cách 12 giờ/lần, trong 5-10 ngày.
- Viêm xoang cấp (viêm xoang má cấp nhẹ tới vừa): 5 mg/kg (cho tới 200 mg) cách 12 giờ/lần, trong 10 ngày.
- Lậu không biến chứng (trẻ 8 tuổi, cân nặng ≥ 45 kg): 1 liều duy nhất 400 mg, phối hợp với 1 kháng sinh có tác dụng đối với nhiễm Chlamydia.
- Viêm phổi mắc tại cộng đồng, đợt cấp do viêm phế quản mạn: 200 mg cách 12 giờ/lần, trong 14 ngày và 10 ngày tương ứng.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu không biến chứng: 100 mg cách 12 giờ/lần, trong 7 ngày.
- Liều cho người suy thận: Phải giảm liều tùy theo mức độ suy thận. Đối với người bệnh có độ thanh thải creatinin ít hơn 30 ml/phút và không thẩm tách máu, cho uống liều thường dùng, cách 24 giờ một lần. Người bệnh đang thẩm tách máu, uống liều thường dùng 3 lần/tuần
Hình ảnh minh họa cách sử dụng thuốc
Thuốc cefpodoxim gây ra những tác dụng phụ nào?
Tác dụng không mong muốn của cefpodoxim tương tự như các cephalosporin đường uống khác. Nói chung thuốc được dung nạp tốt, hầu hết các tác dụng phụ qua nhanh và từ nhẹ đến vừa trong một số trường hợp. Tác dụng phụ đối với trẻ dùng thuốc tương tự như người lớn, bao gồm tác dụng từ nhẹ đến vừa trên đường tiêu hóa và trên da:
- Thường gặp, ADR > 1/100 Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, ỉa chảy, đau bụng, viêm đại tràng màng giả. Hệ thần kinh trung ương: Đau đầu. Da: Phát ban, nổi mày đay, ngứa. Niệu – sinh dục: Nhiễm nấm âm đạo
- Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100 Phản ứng dị ứng: Phản ứng như bệnh huyết thanh với phát ban, sốt, đau khớp và phản ứng phản vệ. Da: Ban đỏ đa dạng. Gan: Rối loạn enzym gan, viêm gan và vàng da ứ mật tạm thời
- Hiếm gặp, ADR < 1/1 000 Máu: Tăng bạch cầu ưa eosin, rối loạn về máu. Thận: Viêm thận kẽ có hồi phục. Thần kinh trung ương: Tăng hoạt động, bị kích động, khó ngủ, lú lẫn, tăng trương lực và chóng mặt hoa mắt
Xử trí khi quá liều, quên liều
Sau đây là một số giải pháp khi bạn quên 1 liều thuốc hay quá liều:
- Dùng thuốc càng sớm càng tốt, bỏ qua liều đã quên nếu gần đến giờ dùng liều tiếp theo. Không dùng hai liều cùng một lúc
- Đến cơ sở y tế gần nhất nếu bạn có các biểu hiện sau khi uống quá liều thuốc Cefpodoxim: buồn nôn, nôn, đau dạ dày và tiêu chảy
Cefpodoxim tương tác với những thuốc nào?
Cefpodoxime có thể gây hại cho thận của bạn, đặc biệt nếu bạn cũng sử dụng một số loại thuốc điều trị nhiễm trùng, ung thư, loãng xương, thải ghép nội tạng, rối loạn đường ruột, huyết áp cao hoặc đau hoặc viêm khớp (bao gồm Advil, Motrin và Aleve)
Hấp thu thuốc cefpodoxim giảm khi:
- Có chất chống acid, vì vậy tránh dùng cefpodoxim cùng với chất chống acid và chất kháng histamin H2
- Probenecid giảm bài tiết cefpodoxim qua thận
- Hoạt lực của cefpodoxim có thể tăng khi dùng đồng thời với các chất acid uric niệu
- Cefpodoxim có thể làm giảm hoạt lực của vắc xin thương hàn sống
Câu hỏi thường gặp
Cần sử dụng thận trọng Cefpodoxim với những đối tượng nào?
Cần sử dụng thận trọng đối với những người:
- Mẫn cảm với Penicilin
- Thiểu năng thận
- Người có thai hoặc đang cho con bú
Cefpodoxim cần được bảo quản như thế nào?
Cefpodoxim phải được bảo quản:
- Trong bao bì kín
- Nhiệt độ dưới 25oC
- Tránh ánh sáng
Lưu ý đặc biệt khi sử dụng cefpodoxime?
- Uống cefpodoxime đúng theo chỉ định của bác sĩ
- Không tự ý tăng liều, sử dụng thường xuyên hơn, hoặc dùng lâu hơn so với hướng dẫn của bác sĩ
Trên đây là một số thông tin liên quan đến thuốc kháng sinh Cefpodoxim, hy vọng với những thông tin này sẽ giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin khi sử dụng thuốc.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.