Sữa chua là một sản phẩm làm từ sữa rất giàu dinh dưỡng, cung cấp nhiều canxi và các loại vitamin rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là người già và trẻ em. Sữa chua giúp cho người kém hấp thu, tiêu hóa kém, tăng cường miễn dịch, giữ vóc dáng, làn da mịn đẹp… Nên sử dụng 2 – 3 hộp sữa chua hàng ngày, sau bữa ăn từ 1 – 2 giờ.
Sữa chua là một sản phẩm từ sữa được tạo thành bởi quá trình lên men tự nhiên. Các loại sữa đều có thể làm thành sữa chua, nhưng cho đến nay thì sữa bò vẫn được dùng nhiều nhất.
Sữa lên men thành sữa chua ở dạng đông, sánh, sệt do vi khuẩn lactic đã biến đường lactose thành axít lactic: vì vậy độ pH trong sữa chua thấp, gây kết tủa Casein (protein trong sữa) từ đó làm sữa từ lỏng trở thành sệt.
Sữa chua được làm từ sữa bò, sữa dê… ngoài ra có thể sử dụng làm từ sữa đậu nành. Trước hết, sữa chua tự nhiên được làm hoàn toàn từ sữa tươi sạch nguyên chất nên lưu giữ vẹn nguyên những dưỡng chất như: chất đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất… Sau đó, sữa tươi sẽ được lên men tự nhiên trong điều kiện khép kín với công nghệ hiện đại để gìn giữ các thành phần dinh dưỡng của sữa tươi.
Các nguyên liệu khác như trái cây, hương liệu đều có nguồn gốc tự nhiên sẽ đem đến sự an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Để tăng cường lợi ích cho sức khỏe, một số sản phẩm sữa chua còn bổ sung các vi khuẩn có lợi – có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa và tăng cường miễn dịch.
Giá trị dinh dưỡng
Từ giá trị dinh dưỡng của sữa bò tươi, sữa chua làm từ sữa bò, sữa chua làm từ sữa bò đã vớt chất béo có khác nhau chút ít, nhưng không đáng kể. Các loại sữa chua được bày bán đa dạng về chủng loại: sữa chua ăn, sữa chua uống, từ loại có đường, không đường cho đến loại dành cho người béo, người ăn kiêng, cho trẻ nhỏ… với mẫu mã cũng như hương vị phong phú. Tất cả đều được gọi chung là “sữa chua”, vì vậy, cũng dễ hiểu khi nghĩ rằng nó giống nhau về thành phần, nguyên liệu. Sự khác nhau có thể chỉ là mùi vị hoặc các dưỡng chất bên trong để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu cho người tiêu dùng.
Tác dụng với sức khỏe
Ăn sữa chua thường xuyên, giúp cơ thể khỏe, giảm cholesterol trong máu, hạn chế quá trình lão hóa, giúp cho quá trình tiêu hóa. Sữa chua không đường còn được xem là lý tưởng cho những người quan tâm đến giữ dáng, giảm cân. Vì vậy, có thể xem sữa chua là một vắcxin tự nhiên để ngăn ngừa và giảm bớt triệu chứng của một số bệnh dạ dày, đường ruột phổ biến như: khó tiêu, ợ chua, viêm loét dạ dày… Với một số người sợ uống sữa (do cơ thể thiếu men lactose nên không chuyển hóa được đường lactoza trong sữa, dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa) thì sữa chua ăn có thể giúp họ ngon miệng vì hầu như không gây khó chịu cho hệ tiêu hóa.
Bên cạnh công dụng tốt cho tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng, sữa chua ăn còn được xem là lựa chọn lý tưởng cho những ai quan tâm đến giữ dáng, giảm cân. Với hàm lượng carbohydrate, protein ở mức vừa phải, lại được phân giải thích hợp, sữa chua vừa có tác dụng giảm đói vừa giúp duy trì lượng đường huyết ổn định. Ngoài ra, axít lactic trong sữa chua còn hỗ trợ ngăn ngừa sự xâm nhập và kiềm chế hoạt động của các loại vi khuẩn có hại cho da. Đây được xem như chiếc “mặt nạ tự nhiên” giúp da mịn màng, tươi trẻ.
Những lưu ý
Sữa chua rõ ràng rất tốt cho sức khoẻ, tuy nhiên để tận dụng được những lợi của nó đó hay không còn tùy thuộc rất nhiều vào cách sử dụng của mỗi người. Vì vậy, không nên sử dụng sữa chua trong các trường hợp sau:
- Không nên ăn lúc đói, lúc no: không dùng sữa chua ngay trước, sau bữa ăn, bởi nếu ăn sữa chua vào lúc đói thì men lactic dễ bị hủy hoại và tác dụng của sữa chua sẽ mất đi rất nhiều. Độ pH thích hợp để men lactic sinh trưởng và phát triển tốt là 4 – 5 trở lên; còn dịch vị trong dạ dày lúc đói có độ pH từ 2 trở xuống nên các vi khuẩn lactic có trong sữa chua sẽ bị tiêu diệt. Tốt nhất chỉ nên sử dụng sữa chua trong vòng 1 – 2 giờ sau bữa ăn.
- Không ăn sữa chua và uống thuốc cùng lúc: các vi khuẩn lactic có trong sữa chua sẽ bị tiêu diệt. Tốt nhất sau khi uống thuốc từ 2 – 3 giờ mới nên ăn sữa chua.
- Không nên đun nóng: sữa chua thường bảo quản trong tủ lạnh, nhiệt độ thấp, vì vậy “Để đảm bảo tác dụng của sữa chua và trẻ bị viêm họng do quá lạnh, cần lấy sữa chua ra khỏi tủ bảo quản trước giờ ăn 15 – 30 phút. Trong trường hợp cần dùng gấp có thể để làm ấm nên bằng cách đặt sữa chua vào bát nước nóng khoảng 60 – 800C”. Tuyệt đối không đun nóng sữa chua vì làm mất tác dụng hữu ích và hương vị ngon lành của sữa chua
Một số tác hại từ việc ăn quá nhiều sữa chua
Nếu ăn nhiều, sữa cũng đem lại những hậu quả như:
– Gây khó tiêu: sữa chua có chứa đường lactose, một loại protein khó tiêu. Với những người không dung nạp lactose hoặc những người gặp vấn đề về tiêu hóa nếu ăn nhiều sữa chua mỗi ngày có thể gây ra các triệu chứng như: đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, chuột rút hoặc tiêu chảy… Do vậy, để tránh hiện tượng này, bạn nên biết rõ hiện tại cơ thể mình có khỏe mạnh không, có gặp vấn đề về tiêu hóa không… để có lựa chọn loại sữa chua thích hợp (sữa chua làm từ sữa dê, sữa bò hoặc sữa đậu nành…).
– Gây béo phì: mặc dù sữa chua có tác dụng duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, nhưng đó là trong trường hợp bạn ăn uống vừa phải để kích thích tiêu hóa. Trong trường hợp ăn quá nhiều sữa chua thì lại có thể gây ra béo phì bởi trong thành phần của sữa chua có chứa đường, nếu lạm dụng quá nhiều sữa chua trong khẩu phần ăn hàng ngày sẽ khiến lượng đường trong cơ thể tăng quá mức cần thiết.
Đồng thời, khi lựa chọn sữa chua, bạn nên chú ý tránh chọn loại có hàm lượng chất béo rất cao vì chúng có thể là nguyên nhân gây béo phì và các bệnh nguy hiểm khác như đái tháo đường, bệnh tim, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm…
– Dị ứng: không phải ai cũng có thể uống được sữa. Vậy nên, nếu bạn là người bị dị ứng với sữa hoặc không hấp thụ được các chất có trong sữa thì tốt nhất nên tránh tiêu thụ sữa chua vì nó có thể gây ra tình trạng khó thở, phát ban, nôn mửa… thậm chí là tử vong. Những người thường xuyên bị đầy hơi không nên tiêu thụ quá nhiều lượng probiotics có trong sữa chua hàng ngày.
ThS.BS. NGUYỄN VĂN TIẾN (Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia)