Còn ống động mạch là tình trạng máu sẽ lưu thông trực tiếp từ động mạch chủ qua động mạch phổi, dẫn đến gia tăng dòng máu vào hệ tuần hoàn phổi, tăng lượng máu trở về tim trái. Nếu còn ống động mạch lớn, áp lực trong mạch máu phổi cũng tăng theo. Hệ quả là trẻ có nguy cơ bị suy tim khi chỉ mới vài tuần tuổi. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về còn ống động mạch.
Tổng quan chung về còn ống động mạch.
Bệnh lý tim bẩm sinh là những bệnh lý tim mạch không hiếm gặp nhưng tương đối phức tạp và vẫn còn nhiều gánh nặng và thách thức với y học. Một trong những bệnh lý tim bẩm sinh hay gặp nhất và tương đối đơn giản là còn ống động mạch.
Ống động mạch là một cấu trúc bẩm sinh nối thân động mạch phổi và động mạch chủ xuống. Vị trí nối ở cách chỗ xuất phát của động mạch dưới đòn trái 5-10mm. Trong thời kỳ bào thai, phổi chưa hoạt động, sức cản phổi cao, máu từ thất phải vào hệ tuần hoàn phổi ít, chủ yếu qua ống động mạch vào động mạch chủ. Ống động mạch sẽ đóng chức năng trong khoảng 10-15 giờ sau khi sinh và đóng về mặt giải phẫu khi trẻ 2-3 tuần tuổi. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc đóng ống động mạch. Nếu ống động mạch không được đóng trong thời kì này sẽ gây ra tật còn ống động mạch.
Triệu chứng
Ở mỗi lứa tuổi, triệu chứng của còn ống động mạch sẽ khác nhau:
- Từ 3-6 tuần tuổi trẻ có thể biểu hiện thở nhanh, vã mồ hôi, khó khăn khi ăn, ăn kém, giảm cân
- Trẻ hay bị ho khan, viêm đường hô hấp dưới, viêm phổi
- Nếu ống động mạch nhỏ, có thể trẻ sẽ không biểu hiện triệu chứng cho tới lúc lớn, chỉ tình cờ phát hiện được khi có tiếng thổi ở vùng tim
- Người trưởng thành còn ống động mạch, thường đi khám vì triệu chứng của suy tim (khó thở khi gắng sức, có cơn khó thở về đêm..), rối loạn nhịp tim
- Triệu chứng tím (xuất hiện ở chi dưới) gặp khi shunt đã đảo chiều, dòng máu không còn từ động mạch chủ sang động mạch phổi qua ống động mạch nữa mà ngược lại đi từ động mạch phổi sang động mạch chủ.
Nguyên nhân còn ống động mạch
- Sau khi sinh bão hòa oxy trong tuần hoàn hệ thống tăng lên là yếu tố mạnh nhất kích thích co các cơ trơn của ống động mạch, gây ra đóng ống. Trẻ sinh thiếu tháng có đáp ứng co cơ trơn của ống động mạch với oxy kém hơn trẻ sinh đủ tháng. Như vậy trẻ sinh thiếu tháng dễ có nguy cơ còn ống động mạch.
- Những trẻ suy hô hấp sơ sinh cũng làm ống động mạch khó đóng.
- Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến sự đóng ống động mạch là Prostaglandin E2 (PGE2). Sau sinh Prostaglandin E2 giảm đi trong máu (do trẻ được tách ra khỏi rau thai – nguồn chứa nhiều PGE2 và tăng dòng máu đến phổi làm tăng thải trừ PGE2 qua phổi). PGE2 giảm đi làm ống động mạch co và đóng lại. Nhiều bệnh lý phổi ở trẻ sơ sinh làm giảm thải trừ PGE2 làm tăng nguy cơ còn ống động mạch.
Đối tượng nguy cơ
- Trẻ sinh non tháng
- Giới nữ: tỉ lệ trẻ nữ mắc bệnh cao hơn trẻ nam 2 lần
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim bẩm sinh
- Trẻ sinh ra mắc các bệnh di truyền: hội chứng Down, hội chứng Noonan, hội chứng Cri-du-chat… có tỉ lệ còn ống động mạch cao hơn
- Mẹ bị nhiễm Rubella trong khi có thai
- Sinh nở ở vùng cao: trẻ sinh ra ở vùng cao có nguy cơ còn ống động mạch cao hơn
Chẩn đoán
- Siêu âm tim: Là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện và có độ chính xác cao. Trên siêu âm có thể xác định được kích thước ống, chiều shunt, đo chức năng các buồng tim, áp lực động mạch phổi ước tính để có quyết định điều trị
- Điện tâm đồ: Có thể thấy tăng gánh thất trái, thất phải hoặc cả hai thất
- Chụp X-quang ngực: Không thể chẩn đoán xác định bằng X-quang ngực, tuy nhiên có thể xác định các dấu hiệu gián tiếp như bóng tim to (suy tim), cung động mạch phổi nổi, nhĩ trái to trên phim
Phòng ngừa còn ống động mạch
Không có biện pháp nào có thể chắc chắn phòng ngừa bệnh, tuy nhiên một thai kỳ khỏe mạnh có thể hạn chế được phần nào nguy cơ mắc bệnh:
- Bổ sung đầy đủ vitamin, đặc biệt axit folic
- Tiêm phòng đầy đủ trước khi có thai 3 tháng
- Tránh tiếp xúc với các nguồn bệnh lây nhiễm
- Tập thể dục đều đặn
- Kiểm soát đường huyết: đái tháo đường thai kì có thể gây nhiều ảnh hưởng đến thai nhi
Điều trị còn ống động mạch như thế nào?
- Điều trị thuốc: Đối với trẻ sơ sinh thiếu tháng, các thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) có thể dùng để đóng ống động mạch (Ibuprofen, Indomethacin). NSAID không có tác dụng với trẻ đủ tháng và người lớn
- Đối với trẻ sinh đủ tháng, trẻ em cân nặng < 6kg: nếu không có triệu chứng, có thể tiếp tục trì hoãn can thiệp đến khi > 6kg. Nếu các triệu chứng suy tim không kiểm soát được bằng thuốc, có thể phẫu thuật trong những trường hợp cụ thể
- Đối với trẻ > 6kg: Khi ống có chỉ định can thiệp, can thiệp bít ống động mạch bằng dụng cụ qua da được ưu tiên hơn phẫu thuật
- Đối với người lớn: Can thiệp bít ống động mạch được đặt ra khi có dấu hiệu quá tải thể tích thất trái. Bác sĩ sẽ dựa vào các thông số áp lực mạch phổi, sức cản phổi để quyết định có can thiệp hay không. Đối với những ống động mạch nhỏ, không triệu chứng thì không cần phải can thiệp. Chống chỉ định can thiệp khi có hội chứng Eisenmenger (shunt đã đảo chiều).
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.