Co thắt tâm vị là một trong những bệnh lý về thực quản khá thường gặp, gây nhiều ảnh hưởng đến việc ăn uống cũng như hấp thu dinh dưỡng của người bệnh. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Co thắt tâm vị là gì? qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Co thắt tâm vị (Achalasia) là một rối loạn chức năng mà thực quản không có khả năng đẩy thức ăn xuống dạ dày (bất thường nhu động thân thực quản) và cơ vòng dưới thực quản mở ra không hoàn toàn (tăng áp lực cơ vòng dưới) làm ứ đọng thức ăn ở thực quản.
Triệu chứng
Bệnh thường tiến triển trong thời gian dài với triệu chứng thường gặp:
- Nuốt nghẹn (cả thức ăn lỏng và thức ăn đặc)
- Nôn sau khi ăn,
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Ho sặc về đêm, hen phế quản, viêm phổi.
- Đau tức ngực,
- Gầy sút cân…
Nguyên nhân
Co thắt tâm vị là do sự thoái hóa tiến triển của những tế bào hạch trong đám rối thần kinh thực quản tại thành thực quản, dẫn tới không thể giãn cơ thắt thực quản dưới, đi kèm mất nhu động ở đoạn xa.
Nguyên nhân gây thoái hóa tế bào hạch thần kinh vẫn chưa rõ ràng. Bệnh có thể do nhiễm trùng hay nguyên nhân tự miễn…
Đối tượng nguy cơ
Bệnh gặp cả ở nam giới và nữ giới với tỉ lệ giống nhau. Tỉ lệ mắc bệnh 1,6/100.000 dân mỗi năm tại Mỹ. Nhưng có nhiều yếu tố liên quan đến bệnh như:
- Tuổi mắc bệnh từ 18-40
- Giới: Nữ bị bệnh nhiều hơn nam
- Người có dạng thần kinh không cân bằng, dễ xúc cảm, nhất là người cường hệ phó giao cảm
- Người ăn nhiều glucid, ít protit, thiếu vitamin nhóm B
- Người có thói quen ăn thức ăn quá nóng hay quá lạnh
- Mắc bệnh nhiễm khuẩn như: sốt phát ban, lao, giang mai…;
- Người nghiện rượu, thuốc lá, phơi nhiễm chất hoá học; rối loạn nội tiết
- Người bị viêm dính quanh thực quản, loét tâm vị, giảm trương lực hoặc giảm nhu động cơ thực quản…
Chẩn đoán
Khi khám, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh cung cấp thông tin về các triệu chứng gặp phải như nuốt khó, nôn ọe, đau tức ở ngực, ợ nóng, sụt cân.
Chẩn đoán cận lâm sàng
Để chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ có thể tiến hành khám cận lâm sàng cho người bệnh thông qua những phương pháp như:
- Chụp X-quang thực quản có uống thuốc cản quang: Đây là phương pháp có giá trị chẩn đoán trong các trường hợp điển hình thực quản giãn chứa nhiều thức ăn và dịch, mất nhu động, vùng tâm vị hẹp nhỏ giống hình mỏ chim. Thuốc cản quang sẽ tồn tại trong thực quản lâu hơn. Bác sĩ có thể theo dõi hình ảnh động của thực quản người bệnh trên màn tăng sáng X-quang.
- Nội soi thực quản – dạ dày: Bác sĩ sẽ đưa xuống thực quản của người bệnh một ống mềm, hẹp có gắn camera (ống nội soi) để quan sát bên trong thực quản. Phương pháp chẩn đoán này giúp bác sĩ loại trừ những tổn thương ung thư (ác tính) cũng như đánh giá tình trạng co thắt thực quản ở người bệnh.
- Đo áp lực thực quản: Phương pháp chẩn đoán này sẽ đo mức độ và thời gian xảy ra những cơn co thắt và thư giãn của cơ thắt thực quản dưới (Lower Esophageal Sphincter – LES). Việc cơ LES không giãn ra để đáp ứng động tác nuốt và không ghi nhận sóng nhu động dọc theo thực quản được xem là một xét nghiệm dương tính đối với bệnh co thắt tâm vị. Đây chính là xét nghiệm “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán bệnh co thắt tâm vị.
Chẩn đoán phân biệt
Khi người bệnh xuất hiện triệu chứng nuốt khó, bác sĩ cần phân biệt với:
- Ung thư thực quản: Tình trạng nuốt khó tăng dần, trong thời gian ngắn nuốt khó tăng rất nhanh. Lúc này, nội soi giúp chẩn đoán xác định ung thư thực quản.
- Ung thư vùng tâm vị: Tình trạng nuốt khó tăng dần, trong thời gian ngắn nuốt khó tăng nhanh. Khi đó, nội soi thực quản thường không giãn, thấy tổn thương sùi loét hay thâm nhiễm cứng ở tâm vị.
- Rối loạn co bóp thực quản: Tình trạng nuốt khó xuất hiện từng lúc. Kết quả chụp X-quang cho thấy thực quản tăng co bóp và thuốc lưu thông tốt. Phương pháp nội soi không thấy hình ảnh ứ đọng ở thực quản.
- Hẹp thực quản do các nguyên nhân khác
- Các tổn thương ở trung thất, gây chèn ép thực quản
Phòng ngừa bệnh
Để phòng bệnh trong cuộc sống hàng ngày bạn đọc có thể tham khảo một số phương pháp dưới đây:
- Không nên ăn uống nóng quá hoặc lạnh quá
- Không nên ăn, uống vội vàng
- Nên ăn giảm tinh bột (glucid), tăng chất đạm (protid)
- Nên ăn nhiều rau xanh để có đủ lượng sinh tố và vi chất cần thiết cho cơ thể.
- Không lạm dụng rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào.
- Cần vệ sinh họng miệng sạch sẽ hàng ngày bằng hình thức đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.
- Luôn vận động cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng
- Nếu mắc các bệnh nhiễm trùng (cấp và mãn tính) cần phải điều trị thật tích cực để bệnh chóng khỏi.
Điều trị co thắt tâm vị như thế nào?
Do chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh cho nên việc điều trị bệnh gặp không ít khó khăn. Để điều trị bệnh, tùy mức độ nặng nhẹ cũng như độ tuổi và khả năng chịu đựng của bệnh nhân mà từ đó các bác sĩ sẽ lựa chọn phương án phù hợp.
- Ở người lớn tuổi, sức chịu đựng kém, không thể áp dụng thủ thuật can thiệp sẽ ưu tiên chọn phương án điều trị nội khoa với thuốc: nitrat, chẹn kênh canxi, tuy nhiên hiệu quả không rõ ràng.
- Việc tiêm thuốc giãn cơ Botulinum type A vào cơ thực quản qua nội soi có thể cải thiện 70-80% bệnh nhưng phải lặp lại thủ thuật này mỗi 6 tháng.
- Ở những người can thiệp được và co thắt tâm vị mức độ nhẹ (độ I, độ II) có thể áp dụng nong cơ thực quản bằng bóng khí hoặc nội soi cắt cơ vòng thực quản. Thủ thuật này có hiệu quả tương đương với phẫu thuật nội soi ổ bụng (phẫu thuật Heller), tuy nhiên biến chứng thủng thực quản và tỉ lệ trào ngược dạ dày cũng cao hơn.
- Với những bệnh nhân bị co thắt tâm vị nặng (độ III), hẹp khít khi nuốt, việc thực hiện phẫu thuật nội soi ổ bụng có ưu thế về mặt biến chứng thủng thực quản và trào ngược dạ dày hơn.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về Co thắt tâm vị. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.