Bệnh hen phế quản xảy ra quanh năm, nhưng khi thời tiết thay đổi (nóng lạnh đột ngột, mưa, ẩm ướt) bệnh hay xuất hiện. Với người cao tuổi (NCT), hen sẽ gây nên phiền phức và nguy hiểm hơn nhiều do sức đề kháng kém.
Tại sao bị bệnh hen?
Bệnh hen có thể bị mắc từ lúc còn rất nhỏ – “hen sữa”. Có nhiều trường hợp càng lớn lên bệnh càng thuyên giảm và hết hẳn nhưng cũng có trường hợp bệnh không dứt điểm bao giờ và cũng có trường hợp lúc nhỏ không bị hen suyễn nhưng về già lại mắc chứng bệnh này.
Yếu tố cơ địa dị ứng là nguyên nhân hàng đầu của bệnh hen. Lý do là khi cơ thể gặp các dị ứng nguyên (chất lạ đối với cơ thể) hoặc các loại có tính chất kích ứng, sẽ gây nên phản ứng dị ứng, tức là bị lên cơn hen, trong đó có liên quan đến thời tiết thay đổi đột ngột, lạnh, ẩm ướt, gió mùa Đông Bắc, áp thấp nhiệt đới. Vì vậy, ở người có cơ địa dị ứng (viêm mũi dị ứng, bệnh mề đay, bệnh viêm da dị ứng, bệnh tổ đĩa, bệnh chàm, bệnh eczema) thường mắc bệnh hen.
Một số vi sinh vật (vi khuẩn, virus, vi nấm) cũng có thể là dị ứng nguyên kích thích cơ thể gây hen, đặc biệt là một số ký sinh trùng (mò, mạt, nấm mốc, giun đũa). Hen còn có thể do tác động của khói, bụi, hóa chất (khói bếp, khói thuốc lá, khói công nghiệp, hóa chất độc hại) hoặc lông chó, mèo… Một số thực phẩm cũng có thể kích thích gây nên cơn hen hoặc làm cho bệnh hen tăng lên khi ăn (tôm, cua, mắm tôm). Ngoài ra, một số thuốc điều trị bệnh khớp thuộc nhóm không steroid có tác dụng phụ là gây bệnh hen hoặc làm cho bệnh hen tăng lên (aspirin, diclofenac, piroxicam…) hoặc thuốc điều trị tăng huyết áp (atenolol…). Hen có thể do di truyền, nếu bố hoặc mẹ bị hen, các con có thể bị hen (25 – 30% nguy cơ con mắc bệnh); nếu cả bố và mẹ bị mắc bệnh hen, có từ 50 – 60% nguy cơ con mắc bệnh.
Biểu hiện của bệnh
Triệu chứng viêm phế quản điển hình nhất là ho và khò khè. Ho có thể kéo dài và thường hay xảy ra nhất là lúc thời tiết chuyển mùa, nóng lạnh đột ngột, ẩm ướt. Ho thường xuất hiện cả ngày lẫn ban đêm nhưng ban đêm thường xảy ra nặng hơn, dồn dập hơn. Ho thường là ho khan, ho từng tiếng một. Thông thường bệnh nhân hen có kèm theo viêm đường hô hấp trên (viêm mũi dị ứng, viêm họng) cho nên ho của bệnh hen rất dễ nhầm với ho do mắc các bệnh hô hấp khác. Tuy vậy, có một số bệnh nhân bị hen chỉ có biểu hiện duy nhất là ho, đặc biệt là nửa đêm về sáng.
Đi đôi với ho là triệu chứng khò khè do co thắt phế quản. Tiếng rít thường nghe được khi thở ra. Khò khè xảy ra cả ban ngày, cả ban đêm nhưng ban đêm thường diễn biến nặng hơn, dồn dập hơn, đặc biệt là khi mưa nhiều, lạnh, ẩm ướt, gió mùa đông bắc tràn về. Cần cảnh giác với cơn hen ác tính, nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Tăng xuất tiết cũng thường gặp ở người bị hen cho nên có rất nhiều đờm. Người bệnh luôn cảm thấy nặng ngực (cảm giác giống như lồng ngực bị bóp chặt) và khó thở ra do phế quản bị co thắt. Khó thở thường hay bị tái phát nhiều lần.
Trong trường hợp bị bội nhiễm đường hô hấp, có thể có sốt, vì vậy, bệnh trở nên nặng hơn, thậm chí nguy kịch hơn, đặc biệt là người cao tuổi sức yếu.
Đặc điểm của hen là các triệu chứng chỉ xảy ra trong cơn hen; ngoài cơn hen thì người bệnh trở về bình thường.
Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh
Mùa lạnh đang đến, người bị hen cần hết sức cảnh giác đề phòng cơn hen ác tính xảy ra. Vì vậy, cần dùng thuốc thường xuyên theo đơn bác sĩ, đặc biệt là luôn mang theo người thuốc xịt họng để cắt cơn hen và phòng cơn hen. Tuy nhiên, dùng loại thuốc nào có lợi cho người bệnh cần có chỉ định của bác sĩ khám bệnh, người bệnh không nên tự mua thuốc để điều trị cho bản thân mình hoặc cho người nhà của mình. Khi bệnh hen đã được kiểm soát, người bệnh nên khám định kỳ, khoảng từ 1 – 3 tháng/1 lần. Tuy vậy, khi người bệnh không đáp ứng được thuốc giãn phế quản, khó thở tăng lên, bệnh diễn biến nặng lên thì cần đi bệnh viện ngay.
PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU