Chứng rối loạn ăn uống ở thanh thiếu niên là một tình trạng tâm sinh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và phát triển của trẻ. Bệnh này không chỉ gây ra những hệ lụy về thể chất mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần và tâm lý của người bệnh. Việc nhận biết sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để giúp các em có cuộc sống khỏe mạnh và cân bằng hơn. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị chứng rối loạn ăn uống ở thanh thiếu niên qua bài viết dưới đây.
Triệu chứng rối loạn ăn uống
Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, rối loạn ăn uống (eating disorder) là rối loạn tâm thần đặc trưng bởi sự nghiêm trọng và dai dẳng trong hành vi ăn uống bất thường cũng như những suy nghĩ và cảm xúc đau buồn liên quan việc ăn uống.
Người mắc rối loạn ăn uống thường cảm thấy đau khổ hoặc lo ngại về vóc dáng và cân nặng cơ thể. Hầu hết các rối loạn ăn uống đều do chú trọng quá nhiều vào cân nặng, hình dáng, thực phẩm dẫn đến chế độ ăn uống không đúng cách.
Mỗi loại rối loạn ăn uống khác nhau sẽ có những triệu chứng và dấu hiệu riêng.
Dấu hiệu chán ăn tâm thần
- Trọng lượng cơ thể thấp đến mức gây hại cho sức khỏe.
- Có nỗi sợ tăng cân dữ dội, quan điểm về cân nặng và hình dáng không thực tế.
- Hạn chế nghiêm trọng lượng calo hoặc cắt bỏ một số loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm.
- Nỗ lực hết sức để kiểm soát cân nặng và hình dáng, đến mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống.
- Sử dụng các phương pháp giảm cân cực đoan như tập thể dục quá nhiều, sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc hỗ trợ ăn kiêng hoặc nôn sau khi ăn.
Dấu hiệu của chứng cuồng ăn
- Dấu hiệu bao gồm giai đoạn ăn vô độ, và theo sau đó là giai đoạn “thanh lọc”. Đôi khi chứng cuồng ăn cũng bao gồm việc hạn chế nghiêm ngặt việc ăn uống trong một khoảng thời gian. Điều này thường dẫn đến cảm giác thèm ăn vô độ và sau đó tìm cách đào thải ra ngoài mạnh mẽ hơn.
- Ăn một lượng cực lớn đồ ăn trong một khoảng thời gian ngắn. Trong lúc say sưa, người mắc rối loạn cảm thấy không kiểm soát được việc ăn uống của mình và không thể dừng lại.
- Sau khi ăn, do cảm giác tội lỗi, xấu hổ hoặc sợ tăng cân quá mức nên “thanh lọc” calo. Người có chứng cuồng ăn có thể nôn ói, tập thể dục rất nhiều, bỏ ăn trong một thời gian hoặc sử dụng các phương pháp khác (như dùng thuốc nhuận tràng). Một số người thay đổi liều lượng thuốc. Ví dụ như thay đổi lượng insulin, để cố gắng giảm cân.
- Bận tâm đến cân nặng và hình dáng cơ thể, có sự tự đánh giá nghiêm khắc và khắc nghiệt về ngoại hình cá nhân.
Dấu hiệu rối loạn ăn uống vô độ
- Ăn rất nhiều thức ăn trong thời gian ngắn. Khi ăn vô độ, người bị rối loạn có cảm giác như không kiểm soát được việc ăn uống. Nhưng ăn uống vô độ không kèm theo việc “thanh lọc” như chứng cuồng ăn.
- Ăn thức ăn nhanh hoặc nhiều hơn dự định. Ngay cả khi không đói, việc ăn uống có thể kéo dài khiến họ cảm thấy no một cách khó chịu.
Nguyên nhân thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn ăn uống
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của chứng rối loạn ăn uống, bệnh có thể là kết quả của cùng nhiều nguyên nhân gây ra. Các nguyên nhân nguy cơ cao bao gồm:
Nguyên nhân di truyền
Một số người mang gen bệnh theo gia đình làm tăng nguy cơ rối loạn ăn uống tâm thần, điều này nghĩa là khi bố mẹ hoặc anh chị em ruột mắc chứng bệnh này, bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, điều này còn do thói quen ăn uống khi ở chung khiến nhiều người trong gia đình có thể cùng bị rối loạn ăn uống tâm thần.
Nguyên nhân tâm lý và tình cảm
Những bệnh nhân rối loạn ăn uống tâm thần thường gặp khó khăn hoặc vấn đề trong tâm lý và tình cảm, từ đó tìm đến ăn uống để giải tỏa. Đối tượng dễ bị tổn thương gồm những người cầu toàn, người có lòng tự trọng thấp, có các mối quan hệ rắc rối hoặc thường có hành động bốc đồng.
Nguyên nhân xã hội
Trong xã hội có cùng quan điểm đánh giá cao vẻ đẹp của những người vóc dáng mảnh khảnh thì thói quen ăn uống của nhiều người cũng thay đổi. Thậm chí nhiều bệnh nhân bị ám ảnh bởi vóc dáng và cân nặng, từ đó gây ra rối loạn ăn uống.
Nữ giới được cho là có tỉ lệ mắc căn bệnh này cao hơn so với nam giới do sự quan tâm lớn hơn về cân nặng, vóc dáng.
Cách điều trị rối loạn ăn uống
Điều trị tâm lý
Phương pháp này có thể giúp bạn biết cách thay thế những thói quen không tốt bằng thói quen lành mạnh. Phương pháp này có thể bao gồm: liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) và liệu pháp dựa trên gia đình (FBT)
Điều trị tại bệnh viện
Nếu có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như chán ăn gây suy dinh dưỡng nặng, bác sĩ có thể khuyên bạn nên nhập viện.
Sử dụng thuốc
Các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm và lo âu có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm hoặc lo âu, những bệnh này thường liên quan đến rối loạn ăn uống.
Ngoài ra bạn cũng có thể kiểm soát rối loạn này nếu áp dụng các biện pháp sau:
Thực hiện theo đúng kế hoạch điều trị
Bạn không được bỏ qua các buổi trị liệu và cố gắng thực hiện theo kế hoạch điều trị.
Thảo luận với bác sĩ về vitamin và các khoáng chất
Bạn nên tham khảo với bác sĩ điều trị của mình về các loại vitamin và các khoáng chất bổ sung thích hợp để đảm bảo bạn có thể nhận được tất cả các dinh dưỡng thiết yếu.
Đừng tự cô lập mình khỏi gia đình và bạn bè
Gia đình và bạn bè là những người luôn yêu thương và mong muốn nhìn thấy bạn được khỏe mạnh, việc chia sẻ mối lo ngại hoặc tình trạng của bạn với những người thân có thể là cách tốt nhất để tìm được người có thể hỗ trợ bạn trong quá trình điều trị.
Kết luận
Rối loạn ăn uống ở thanh thiếu niên là một vấn đề đáng lo ngại, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, nhà trường và xã hội. Việc nhận biết sớm các triệu chứng và nguyên nhân có thể giúp can thiệp kịp thời, ngăn chặn các hệ lụy nghiêm trọng. Hãy lắng nghe và hỗ trợ con em mình, giúp các em vượt qua khó khăn, đồng thời tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia y tế khi cần thiết. Sự quan tâm và động viên từ gia đình và bạn bè là yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị, giúp các em lấy lại sự tự tin và sức khỏe tốt nhất. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về chứng rối loạn ăn uống ở thanh thiếu niên để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người thân và gia đình.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.