Hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome – IBS) là một trong những bệnh đường ruột phổ biến nhất hiện nay. Nó gây ra nhiều tác động xấu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu người mắc hội chứng ruột kích thích nên ăn gì, kiêng gì? Những bài tập thể dục nào là phù hợp cho người bị hội chứng ruột kích thích?
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là gì?
- Hội chứng ruột kích thích là một trong những bệnh đường ruột phổ biến nhất hiện nay. Hội chứng này thường gây co thắt, đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón. Nó được đặc trưng bởi sự khó chịu hoặc đau bụng tái phát với ít nhất hai đặc điểm sau:
- Liên quan đến đại tiện, liên quan đến số lần đại tiện
- Hoặc liên quan đến sự thay đổi độ cứng của phân
- Thường gặp nhất là đau vùng bụng quanh hoặc dưới phần rốn, có triệu chứng mắc đi tiêu sau ăn, đi tiêu thường phân không nhiều, phân nát không tạo khối (phân sống). Đi tiêu xong thường sẽ bớt đau. Thường xuyên đầy bụng, chướng hơi
- Hội chứng ruột kích thích được chia thành:
- Hội chứng ruột kích thích thể táo bón
- Hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy
- Hội chứng ruột kích thích thể hỗn hợp (có cả tiêu chảy và táo bón)
- Hội chứng ruột kích thích không xác định
- Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng hội chứng này có thể do nhiều yếu tố gây ra, như:
- Viêm đường ruột vì ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn
- Rối loạn nhu động ruột
- Dùng nhiều kháng sinh đường ruột gây loạn khuẩn
- Rối loạn tâm thần
- Uống nhiều rượu bia …
Đau bụng, chướng bụng là triệu chứng hay gặp ở người mắc Hội chứng ruột kích thích
Dinh dưỡng và lối sống ảnh hưởng như thế nào đối với người mắc bệnh IBS?
- Chế độ ăn thiếu khoa học, sử dụng thực phẩm chứa nhiều FODMAPS (Fermentable Oligosaccharides, Disaccharides, Monosaccharides And Polyols), ăn quá nhanh, ăn uống không đúng giờ hay bỏ bữa dễ dẫn đến hội chứng ruột kích thích.
Các thực phẩm chứa nhiều FODMAPs là nguyên nhân chính gây ra hội chứng ruột kích thích
- Thực phẩm có chứa nhiều gluten như lúa mì, yến mạch, ngũ cốc.
- Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa: bơ, kem, thịt đỏ, phô mai, sữa, các chế phẩm từ sữa.
- Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, cay nóng: đồ ăn chiên rán, đồ ăn nhanh, chế biến sẵn.
- Trái cây có vị chua, nhiều axit: Các loại hoa quả có nhiều axit và có vị chua như cam, chanh. Các thực phẩm lên men: dưa muối, cải chua…. Những loại trái cây có hàm lượng fructose cao như táo, lê, dứa, dưa hấu
- Rượu, bia, chất kích thích, đồ uống có gas.
- Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, có chứa chất bảo quản, chất kích thích
- Lối sống căng thẳng, lo lắng quá mức
- Gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu.
Cải thiện dinh dưỡng và lối sống như thế nào đối với người mắc bệnh IBS?
Người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, lối sống lành mạnh để cải thiện triệu chứng của IBS. Người mắc hội chứng ruột kích thích cần kiêng những thực phẩm như đã liệt kê ra ở trên.
- Ăn theo chế độ ăn FODMAP thấp, kiêng ăn các loại thực phẩm là carbohydrate chuỗi ngắn gồm lúa mì, lúa mạch đen, hành tây, mật ong, trái cây có hàm lượng fructose cao như táo, lê, dưa hấu, dứa.
Một số thực phẩm lành mạnh – chứa ít Fodmaps
- Ăn uống đúng giờ, chia nhỏ các bữa ăn, ăn chậm, nhai kỹ.
- Sử dụng chất béo không bão hòa: dầu thực vật như dầu lạc, dầu mè, dầu hướng dương; các loại hạt như hạt mè, hạt hướng dương; các loại ngũ cốc, cá hồi, cá trích.
- Thực phẩm giàu chất xơ: Rau rất giàu chất xơ, có thể giúp giảm táo bón bằng cách cải thiện các cơn co thắt cơ trong đường tiêu hóa.
- Tập thói quen bổ sung đầy đủ nước hằng ngày
- Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi, thư giãn, tránh căng thẳng, lo lắng quá mức
- Luyện tập thể dục thể thao các bài tập nhẹ nhàng, thường xuyên: Đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày, giúp giải tỏa tâm trạng căng thẳng, yoga, thiền định, thể dục nhịp điệu tác động thấp, đạp xe nhẹ nhàng.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.