Làm cha mẹ là một hành trình đầy thiêng liêng và hạnh phúc, nhưng cũng đi kèm với nhiều thử thách, đặc biệt là trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng bé yêu. Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, trí tuệ và hệ miễn dịch của bé. Tuy nhiên, việc lựa chọn thực phẩm phù hợp cho bé theo từng giai đoạn phát triển lại là một vấn đề khiến nhiều bậc phụ huynh băn khoăn.
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh theo từng giai đoạn phát triển.
Tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển của bé
Những năm tháng đầu đời là thời điểm vàng cho sự phát triển của trẻ. Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của bé:
- Giúp trẻ phát triển thể chất, chiều cao và cân nặng: Theo các chuyên gia thì chiều cao và cân nặng của trẻ sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi yếu tố dinh dưỡng chiếm 32%, yếu tố di truyền chiếm 23%, vận động thể lực chiếm 20% còn lại là môi trường, ánh sáng, thời gian ngủ nghỉ,..
- Phát triển trí não của trẻ: Theo nhiều nghiên cứu thì trẻ có chế độ dinh dưỡng đầy đủ từ trong bụng mẹ và giai đoạn đầu đời thường có chỉ số IQ cao hơn so với trẻ không cung cấp đủ dinh dưỡng. Nếu trẻ bị thiếu sắt sẽ có nguy cơ giảm nhận thức và tiếp thu chậm ở độ tuổi đi học. Bên cạnh đó, trẻ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thường vận động tốt, có khả năng giao tiếp và nhận thức tốt hơn.
- Phòng ngừa các nguy cơ bệnh lý ở trẻ: Vai trò của dinh dưỡng đối với trẻ em rất quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh lý béo phì, suy dinh dưỡng ở trẻ. Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ đáp ứng nhu cầu của trẻ trong các giai đoạn phát triển khác nhau, giúp trẻ tăng trưởng toàn diện nhất. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng cũng giúp đẩy lùi bệnh tật, cải thiện năng suất hoạt động trong cuộc sống cho trẻ.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh theo từng giai đoạn
Mỗi một giai đoạn khác nhau, bé lại cần đến chế độ dinh dưỡng đặc thù phù hợp với sự phát triển của lứa tuổi. Vì vậy, việc xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ sơ sinh rất quan trọng, góp phần quyết định tới sự phát triển toàn diện tối đa của trẻ sau này.
Giai đoạn từ 0-6 tháng đầu
Sữa mẹ được coi là nguồn dinh dưỡng chủ yếu, lành mạnh nhất cho sự phát triển của bé trong giai đoạn này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, nghĩa là chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cho ăn, uống bất cứ thức ăn, đồ uống nào khác kể cả nước đun sôi, trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bởi:
- Sữa mẹ là nguồn dưỡng chất tự nhiên, rất phù hợp với dạ dày còn non nớt của trẻ sơ sinh, giúp bé dễ tiêu hóa hơn (trong sữa mẹ chứa nhiều đạm whey – loại đạm dễ tiêu hóa)
- Sữa mẹ giúp tăng cường hệ miễn dịch nhờ chứa nhiều dưỡng chất cần thiết và các chủng vi sinh vật có lợi probiotics (bifidobacteria và lactobacilli)
- Sữa mẹ giúp bé hạn chế nguy cơ bệnh tật và phát triển nhận thức tốt hơn.
Tuy nhiên, từ 0 – 6 tháng tuổi, do bé chưa ăn được nhiều, các cữ bú trong ngày cần được mẹ chia nhỏ theo một “thời gian biểu” phù hợp với cơ địa và khả năng ăn uống của con. Trong trường hợp nào đó mẹ không thể nuôi bé hoàn toàn bằng sữa mẹ thì có thể bổ sung thêm sữa công thức. Tuy nhiên cần chọn loại sữa đã được kiểm định an toàn thực phẩm và phù hợp với trẻ.
Để có nguồn sữa mẹ dồi dào, người mẹ cần được nghỉ ngơi, tinh thần thoải mái và luôn tin tưởng rằng mình đủ sữa để nuôi con. Mẹ cũng nên ăn thêm 2-3 bữa phụ/ngày để đảm bảo đủ năng lượng và bổ sung thêm thực phẩm giàu DHA, canxi, sắt… vào thực đơn hàng ngày của mình (cá hồi, cá ngừ, dầu cá…).
Giai đoạn từ 6 – 10 tháng tuổi
Trẻ từ 6 tháng tuổi trở đi, ngoài bú sữa mẹ, sữa bột hàng ngày nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm, cũng có trường hợp bé ăn dặm sớm hơn. Trong chế độ ăn dặm của bé, mẹ cần chú ý bổ sung thêm:
- Các loại rau xanh và trái cây: Bí xanh, củ cải trắng, quả bơ, táo, kiwi, đu đủ… giúp bổ sung thêm vitamin C, canxi, chất xơ và protein… nâng cao sức đề kháng và hệ miễn dịch của bé
- Thực phẩm giàu chất sắt: Trẻ sẽ mất dần lượng sắt dự trữ từ 6 tháng tuổi, nên mẹ cần bổ sung thêm các thực phẩm giàu sắt như thịt bò (theo tỉ lệ 1 phần thịt, 2 phần rau).
- Thực phẩm giàu chất đạm: giúp nâng cao hệ miễn dịch và sự phát triển của não bộ. Chất đạm có nhiều trong thịt gà, cá, phô mai, thịt nạc thăn, thịt bê non, đậu hũ, các loại hạt,….
Giai đoạn từ 10 – 12 tháng tuổi
Ở giai đoạn này trẻ đã phát triển hơn so với lúc mới sinh rất nhiều, nhưng mẹ vẫn nên duy trì thói quen cho trẻ bú sữa mẹ hoặc uống sữa bột hàng ngày (ít nhất 3-4 lần/ngày), kết hợp với ăn dặm. Chế độ ăn dặm của bé cần có đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng:
- Tinh bột (gạo, đỗ…)
- Chất đạm (cá, thịt, trứng, tôm, cua…)
- Chất béo (dầu ăn, mỡ động vật)
- Vitamin và khoáng chất (các loại rau xanh và trái cây): Một số loại rau xanh, củ quả phù hợp cho bé 10 – 12 tháng tuổi như khoai lang, bí xanh, cải trắng, súp lơ xanh, cà tím, rau chân vịt, cải xoăn…
Ba mẹ có thể bổ sung thêm các bữa phụ cho bé như: súp, sữa, sữa chua…; nên cho bé dùng sữa chua kèm hoa quả hoặc chọn một số loại sữa chua ít đường đảm bảo chất lượng.
Một số lưu ý khi cho bé ăn
Lưu ý khi cho bé bú sữa mẹ
- Bắt đầu cho trẻ bú ngay trong 1 giờ đầu sau khi sinh và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng; Trẻ cần được bú theo nhu cầu, cả ngày lẫn đêm. Số lần bú khoảng 8-12 lần/ngày; Trẻ càng bú nhiều, mẹ càng tiết nhiều sữa. Bú hết một bên vú rồi mới chuyển sang bên kia để đảm bảo trẻ được bú cả sữa đầu và sữa cuối giàu dinh dưỡng.
- Sữa đầu bữa là sữa được tiết ra đầu bữa bú của trẻ. Sữa đầu bữa có màu hơi xanh, số lượng nhiều và cung cấp nhiều đạm, đường, nước và các chất dinh dưỡng khác. Sữa cuối bữa là sữa được tiết ra cuối bữa bú của trẻ. Bầu vú mẹ lúc này đã hết căng. Sữa cuối bữa có màu trắng vì chứa nhiều chất béo hơn sữa đầu bữa. Chất béo cung cấp nhiều năng lượng cho trẻ giúp trẻ lớn nhanh hơn, vì vậy điều quan trọng là cần để trẻ bú đến hết sữa cuối, không để trẻ nhả vú sớm hay mẹ chuyển bên sớm quá.
- Khi trẻ bị ốm (bệnh), vẫn tiếp tục cho trẻ bú, cần cho bú thường xuyên hơn và lâu hơn.
Lưu ý khi cho bé ăn dặm
- Khi bắt đầu ăn dặm, bổ sung theo những nguyên tắc sau: Cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới, đồ ăn cần được nấu chín và đảm bảo vệ sinh. Số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi.
- Giai đoạn 6-10 tháng tuổi: khi chế biến thức ăn cho bé giai đoạn này mẹ nên chọn cách hấp/luộc/nướng để đảm bảo dinh dưỡng và tránh các tác động không tốt từ dầu mỡ, gây rối loạn tiêu hóa cho bé. Mẹ cũng nên nghiền nát, hoặc băm nhỏ thức ăn tránh để bé bị hóc hoặc khó ăn.
- Giai đoạn 10-12 tháng tuổi: bé đã bắt đầu tập cầm nắm, mẹ có thể cắt miếng rau củ quả vừa tay để bé tập bốc để ăn, gặm nhấm. Một số loại thực phẩm mẹ có thể cho bé tập cầm và gặm: táo, khoai tây, củ cải…
- Để trẻ có cảm giác đói và no cần phải: Cho trẻ tập trung vào bữa ăn, không làm xao nhãng trẻ trong bữa ăn như xem tivi, chơi đồ chơi,… Để trẻ ngồi vào bàn hoặc ghế tập ăn. Không tỏ thái độ khó chịu hay cưỡng ép trẻ ăn hết suất hay ăn thử một món ăn mới mà nên khuyến khích, khen ngợi, động viên trẻ khi ăn hết suất hay chịu ăn thức ăn mới. Giới hạn bữa ăn trong 30 phút. Khoảng cách giữa mỗi lần ăn ít nhất là 3h.
- Xây dựng bữa ăn đa dạng phong phú về màu sắc, chất lượng và số lượng món ăn trong mỗi lần ăn. Món ăn phải hợp với khẩu vị của trẻ chứ không phải khẩu vị của người chăm sóc trẻ. Không cho ăn vặt và uống đồ ngọt giữa các bữa ăn. Khuyến khích trẻ tự xúc ăn, tiếp cận 4 giác quan khi ăn.
Lưu ý khi lựa chọn thực phẩm cho bé
Trẻ sơ sinh nên ăn gì?
Ba mẹ có thể tham khảo 5 nhóm thực phẩm tốt nhất cho trẻ sơ sinh sau đây:
- Rau củ: chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất
- Cá: Cá là một trong những loại thực phẩm tốt nhất cho trẻ sơ sinh vì là nguồn cung cấp protein, vitamin và các khoáng chất dồi dào. Ngoài ra, axit béo omega-3 có nhiều trong cá hồi, cá thu cũng rất tốt cho tim mạch và góp phần hỗ trợ sự phát triển trí não của trẻ.
- Thịt gia cầm, thịt đỏ: giàu sắt, kẽm, vitamin D
- Các loại đậu: là nguồn cung protein và sắt rất tốt.
Thực phẩm trẻ sơ sinh nên tránh
- Một số loại các bé không nên ăn như các ngừ,… do chứa hàm lượng thủy ngân cao, có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh đang phát triển của trẻ. Mặc dù các loại cá nhiều dầu như cá thu, cá hồi và cá mòi hoặc cá trắng như cá tráp biển, cá vược, cá bơn và cá hồi đá,… là những thực phẩm tốt nhất cho trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi, tuy nhiên nếu tiêu thụ nhiều cũng sẽ tích tụ một hàm lượng thủy ngân nhất định. Vì vậy, cha mẹ cần hạn chế chỉ cho trẻ ăn cá từ 1 – 2 lần/tuần.
- Giai đoạn này ba mẹ chưa nên cho bé ăn mật ong, mứt, bơ vì đây là các thực phẩm có nhiều đường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây dị ứng cho bé.
- Sữa bò, sữa đậu nành: do em bé khó tiêu hóa các protein có trong sữa bò và sữa đậu nành, đặc biệt chúng chứa một lượng khoáng chất có thể gây hại cho thận của trẻ.
- Một số thực phẩm có nhiều calo, đường hoặc muối và ít chất dinh dưỡng như:
- Đồ ăn vặt, những đồ ăn cứng, dính, trơn, dai và tròn đều không an toàn cho trẻ nhỏ vì trẻ dễ bị hóc khi ăn những loại thức ăn này như: xúc xích, miếng thịt lớn hoặc pho mát, nho nguyên hạt, bỏng ngô, rau sống thái sợi, và các loại hạt và hạt nguyên chất.
- Nước ngọt: chứa nhiều đường và hóa chất
- Khoai tây chiên: chứa nhiều chất béo, đường, muối và calo nhưng lại ít chất dinh dưỡng lành mạnh.
- Đồ ăn đóng hộp, chế biến sẵn: do giá trị dinh dưỡng càng có xu hướng giảm xuống và hàm lượng đường, muối và chất béo tăng lên
- Nước ép trái cây: Chất xơ trong trái cây tươi bị mất đi phần lớn trong quá trình ép và những gì còn lại là rất nhiều đường. Nước trái cây cũng có thể gây tiêu chảy ở một số trẻ sơ sinh.
- Món tráng miệng gelatin: do hầu hết các loại thực phẩm này đều có đường, màu nhân tạo và hương vị nhân tạo.
Hy vọng qua bài viết này, giúp ba mẹ hiểu được tầm quan trọng của dinh dưỡng và biết cách chăm sóc để con phát triển khỏe mạnh, toàn diện.