Chảy dịch tai là một triệu chứng thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Dịch có thể có dạng trong, lẫn máu hoặc giống như mủ. Các triệu chứng liên quan có thể là đau tai, sốt, chóng mặt, ù tai, nghe kém. Chảy dịch tai nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến những biến chứng về tai và chức năng nghe của bệnh nhân.
Tổng quan chung
Thông thường tai của chúng ta tiết ra một chất lỏng có dạng dầu, về sau tạo thành ráy tai. Chức năng của chất dịch này là làm cho bụi, vi khuẩn hay các dị vật không xâm nhập được vào sâu bên trong tai.
Tuy nhiên trong một số trường hợp chảy dịch từ tai không giống với bình thường. Có thể có dạng dịch trong, vàng lượng nhiều, dịch lẫn máu, dịch mủ. Dịch này có thể từ da ống tai ngoài, bề mặt màng nhĩ hay niêm mạc tai giữa. Chúng thể hiện một tình trạng bệnh lý của những bộ phận này. Các bệnh lý này có thể là viêm nhiễm, thủng màng nhĩ hoặc chấn thương các vùng của tai.
Triệu chứng chảy dịch tai
- Chảy nhiều, liên tục hay từng đợt;
- Tính chất dịch: Dịch loãng, mủ đặc thối hay nhầy trong như mũi;
- Mùi của dịch: Không mùi, tanh, hôi, thối khắm như mùi cóc chết, mức đồ của mùi.
- Màu của dịch: Trong, vàng chanh, xanh, nâu, đục bẩn.
- Có váng, mảng sáng óng ánh, lổn nhổn như bã đậu, có lẫn máu.
Nguyên nhân chảy dịch tai
Viêm tai giữa
Tai giữa là phần tai nằm sau màng nhĩ, chứa chuỗi xương con (các xương nhỏ giúp dẫn truyền âm thanh), đóng vai trò quan trọng trong chức năng nghe. Khi vi khuẩn hay virus xâm nhập vào tai giữa, chúng gây nhiễm trùng làm tích tụ dịch sau màng nhĩ. Dịch quá nhiều có thể gây thủng màng nhĩ, sau đó chảy ra ngoài.
Bệnh chàm tai
Người bị chàm tai xảy ra tình trạng chảy dịch, mủ nhiều do bị bội nhiễm. Các triệu chứng kèm theo gồm có nổi ban đỏ, ngứa da tại vùng vành tai.
Chàm da là bệnh lý ngoài da, do đó, không ảnh hưởng tới các cấu trúc tai và thính lực. Tuy nhiên, bệnh gây ra các cảm giác khó chịu, ngứa ngáy nhất định đối với người bệnh.
Viêm mô tế bào tại tai
Viêm mô tế bào tại tai hình thành khi tầng sâu nhất của cấu trúc da bị nhiễm trùng. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết của bệnh gồm có chảy dịch từ tai kèm theo sưng tấy đỏ, nóng rát, có cảm giác phồng rộp tại tai,…
Bệnh viêm tai ngoài
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng chảy dịch tai đó chính là ảnh hưởng của bệnh viêm tai ngoài cấp tính. Bệnh lý xảy ra dưới ảnh hưởng của vi khuẩn, nấm bệnh khi ống tai ngoài tiếp xúc với nước nhiều.
Cùng với tình trạng chảy dịch màu vàng, người bệnh còn gặp phải các triệu chứng kèm tai như ngứa, sưng đỏ tai, sốt cao, giảm thính lực hoặc ù tai,… Hiện nay, việc điều trị viêm tai ngoài thường có tỷ lệ thành công cao và ít để lại các biến chứng khi được phát hiện kịp thời.
Viêm sụn vành tai
Bệnh lý được phát sinh bởi các chấn thương mạnh tại tai sau quá trình nhiễm trùng thứ phát. Các chấn thương này gây ra tổn thương tại vành tai, tụ máu và làm giảm mức độ nuôi dưỡng sụn tai. Tình trạng kéo dài khiến dịch mủ hoặc nước vàng chảy ra từ vành tai. Dịch ban đầu tiết ra thường là vô khuẩn nhưng nếu không được khắc phục sẽ dẫn đến tình trạng bội nhiễm dưới tác động của vi khuẩn.
Nước chảy vào trong tai
Sau khi tắm hoặc bơi, từ tai có thể chảy ra dịch là hỗn hợp của nước và ráy tai. Tình trạng này có thể gây khó chịu và ngứa nhẹ ở tai. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân đáng ngại và gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Đối tượng nguy cơ có thể bị chảy dịch tai
- Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý viêm mũi họng, viêm VA, viêm tai giữa cấp.
- Những người có lối sống, vệ sinh không sạch sẽ, bơi ở nơi có nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, ngoáy tai bằng que sắt, tăm tre, que gỗ hoặc lấy ráy tai tại các quán cắt tóc gội đầu dễ gây viêm, nhọt, nấm ống tai ngoài.
- Những người có sức đề kháng suy giảm, suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh lý mạn tính (Đái tháo đường) dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp, răng miệng, nhiễm khuẩn ngoài da và dễ nhiễm virus.
- Những người hay uống rượu, bia, đồ lạnh có nguy cơ cao bị viêm, áp xe họng, amidan, thanh quản.
Chẩn đoán chảy dịch tai
Dựa vào triệu chứng chính là đau tai hoặc chảy dịch tai kết hợp với các triệu chứng phụ, khám thực thể lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng như đã nêu ở các phần trên để chẩn đoán xác định bệnh.
- CT scanner xương thái dương: Có thể thấy hình ảnh viêm xương chũm, dịch hòm nhĩ, các ổ tiêu xưng khuyết xương ở tay giữa hoặc xưng chũm, hình ảnh Cholesteatoma
- CT vùng đầu cổ: Có thể thấy hình ảnh khối áp xe tuyến nước bọt mang tai hoặc áp xe Amydal, áp xe thành bên họng, khối u thanh quản kèm theo các hạch viêm phản ứng
- Siêu âm phần mềm vùng cổ: Phân biệt áp xe hoặc viêm ở tuyến nước bọt mang tai với hạch viêm phản ứng, áp xe hạch
Phòng ngừa chảy dịch tai
Để giảm các nguy cơ chảy dịch, mủ bất thường từ tai, bạn cần lưu ý tới các vấn đề sau đây:
- Đảm bảo vệ cá nhân, vệ sinh tai sạch sẽ.
- Hạn chế việc tiếp xúc với người đang mắc các bệnh về hô hấp.
- Bảo vệ tai tránh khỏi các tiếng ồn lớn, giảm tần suất tiếp xúc trực tiếp với tiếng ồn cho tai.
- Tránh để tai tiếp xúc hoặc bị nước vào tai quá nhiều, đặc biệt là trong quá trình bơi lội. Bạn có thể sử dụng các biện pháp bảo vệ như đội mũ bơi, sử dụng nút bịt tai và lau khô tai sau khi bơi và tắm.
- Không đưa các vật lạ, các vật bẩn vào sâu bên trong tai.
Điều trị như thế nào?
Điều trị triệu chứng
- Dẫn lưu tốt: Phải đảm bảo để dịch, nhầy hay mủ chảy thoát ra dễ dàng
- Chích rộng màng nhĩ
- Loại bỏ các bít tắc như vảy, cục mủ, polyp…
- Làm thuốc tai hàng ngày cho đến khi hết mủ.
Điều trị theo căn nguyên gây bệnh
- Điều trị tốt các tình trạng viêm nhiễm mũi họng hoặc đường hô hấp trên: Viêm mũi xoang, viêm VA cấp mủ…
- Xử trí các nguyên nhân gây viêm, bít tắc ở mũi, vòi Eustachi: Phẫu thuật nạo VA, nạo tổ chức Lympho vòm quá phát, phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn, cuốn mũi, polyp mũi…
- Phẫu thuật loại bỏ triệt để bệnh tích xương, cholesteatoma trong viêm tai xương chũm mạn tính hoặc viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma
Chảy dịch tai là triệu chứng cảnh báo bệnh lý mà người bệnh không nên lơ là và chủ quan. Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu chảy dịch bất thường, không rõ nguyên nhân, cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán chính xác tình trạng. Hy vọng bài viết này đã cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết để bạn có thể nhận thức được tình trạng bệnh và thăm khám bác sĩ kịp thời.