Cận thị là tật khúc xạ đang dần trở nên phổ biến. Đây là tình trạng ảnh xuất hiện trước võng mạc gây khó khăn khi nhìn xa. Người mắc cận thị chỉ có thể nhìn vật ở khoảng cách gần. Trẻ em là đối tượng dễ mắc cận thị hoặc có thể mắc cận thị bẩm sinh. Vậy cận thị bẩm sinh là gì? Có chữa khỏi được không? Cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Cận thị bẩm sinh là gì?
Cận thị là tật khúc xạ đang dần trở nên phổ biến. Đây là tình trạng ảnh xuất hiện trước võng mạc gây khó khăn khi nhìn xa. Người mắc cận thị chỉ có thể nhìn vật ở khoảng cách gần.
Cận thị bẩm sinh là tật khúc xạ gây ra bởi yếu tố di truyền. Cụ thể là, bố mẹ bị cận hoặc 1 trong 2 người bị cận thì khả năng con sinh ra bị cận bẩm sinh là khá cao. Vì do yếu tố di truyền nên cận thị bẩm sinh là bệnh không thể phòng tránh. Cận thị bẩm sinh có một đặc điểm là cận khá nặng, có những trường hợp trẻ cá biệt có thể lên tới 20 diop.
Một thống kê đã cho thấy mối liên quan giữa yếu tố di truyền của cận thị với các thành viên trong gia đình như sau:
- Nếu bố, mẹ cận thị hơn -6 diop có khả năng sinh ra trẻ bị cận thị là 100%.
- Bố và mẹ đều bị cận thị có khả năng sinh ra trẻ cận thị là từ 33% đến 60%.
- Chỉ có mẹ hoặc bố bị cận thì khả năng sinh ra trẻ bị cận là 23% đến 40%
- Cả bố và mẹ đều không cận chỉ có 6% đến 15% sinh ra trẻ bị cận thị.
Triệu chứng của cận thị bẩm sinh
Cận thị bẩm sinh bắt đầu từ lúc bé được sinh ra, nhưng khi còn quá nhỏ, rất khó có thể xác định sớm. Phải đến một độ tuổi nhất định khoảng từ 5 đến 8 tuổi thì một số dấu hiệu cận thị mới bắt đầu biểu hiện rõ.
Cận thị bẩm sinh ở trẻ tiến triển nhanh nhất vào khoảng độ tuổi từ 13 đến 18 tuổi và đến 20 – 40 tuổi bệnh sẽ phát triển chậm dần hoặc ngừng lại.
Vì tật cận thị do bẩm sinh khó phát hiện khi trẻ còn nhỏ, nên ba mẹ hãy chú ý những dấu hiệu sau đây:
- Thường xuyên dụi mắt, mắt lờ đờ do mắt bị điều tiết quá đà dẫn đến mỏi mắt
- Có dấu hiệu nheo mắt khi nhìn xa, một số trẻ nghiêng đầu cố nhìn bằng 1 bên mắt có thể dẫn đến nhược thị
- Nhạy cảm với ánh sáng, phân biệt sai màu bởi cận thị có thể đi kèm với loạn thị khiến trẻ nhìn nhòe, nhìn đôi
- Chảy nhiều nước mắt, nhức đầu
Nếu bị phát hiện muộn hơn, các dấu hiệu có thể xuất hiện khi các con đến tuổi đi học:
- Cúi sát xuống sách mới có thể nhìn rõ.
- Ở lớp con không nhìn rõ bảng, chép bài chậm, đọc nhảy dòng, thường xuyên mượn vở bạn để hoàn thành bài.
Người bị cận thị bẩm sinh thường khó phục hồi và rất nặng. Nếu không được kiểm soát và điều trị sớm, khi trưởng thành trẻ rất dễ gặp các biến chứng như:
- Xuất huyết hoàng điểm
- Bong hoặc xuất huyết thể pha lê
- Thoái hóa võng mạc
- Nhược thị, lác
- Tăng nhãn áp
- Tăng nguy cơ mù lòa, mất thị lực vĩnh viễn.
Cận thị bẩm sinh có chữa khỏi được không?
Với sự phát triển vượt bậc của khoa học, việc điều trị tật cận thị bẩm sinh ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Người bị cận thị bẩm sinh có thể can thiệp phẫu thuật tật khúc xạ để xóa cận, điều trị khỏi hoàn toàn, hoặc làm giảm độ cận xuống. Tuy nhiên, mổ cận chỉ áp dụng cho người đủ 18 tuổi trở lên và đáp ứng đầy đủ các điều kiện để phẫu thuật.
Với những người dưới 18 tuổi có những biện pháp để cải thiện thị lực khi nhìn như:
Dùng kính cận cho bé bị cận thị sớm
Dùng kính cận là phương pháp cải thiện thị lực an toàn và hiệu quả được nhiều bậc phụ huynh lựa chọn. Trẻ bị cận thị nên được đưa đến các cơ sở chuyên khoa mắt uy tín để đo và có cặp kính cận phù hợp. Ngoài ra, cần đưa trẻ đi khám mắt định kỳ 6 tháng một lần để điều chỉnh kính khi có sự chỉ định từ bác sĩ
Dùng kính Ortho-K cho bé bị cận thị sớm
Kính áp tròng ban đêm Ortho-K giúp cải thiện thị lực, hạn chế tăng độ. Loại kính này giúp điều chỉnh độ khúc xạ tạm thời, thông qua cơ chế định hình giác mạc, bằng cách đeo kính áp tròng cứng thấm khí vào ban đêm 6- 8 tiếng khi đi ngủ. Hôm sau, khi tháo kính, người sử dụng sẽ có tầm nhìn rõ nét mà không cần phải đeo kính gọng hay kính áp tròng.
Tuy nhiên, bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng phương pháp này.
Chăm sóc cho đôi mắt cận thị bẩm sinh
Ngoài việc đeo kính, có một số phương pháp tại nhà có thể áp dụng để giúp mắt khỏe hơn, giảm đau nhức mắt và một số triệu chứng khó chịu khác của bệnh:
- Tạo không gian sinh hoạt khoa học cho trẻ: đảm bảo môi trường học tập đủ ánh sáng, tư thế ngồi và khoảng cách từ mắt đến sách, thiết bị điện tử thích hợp.
- Tạo cho trẻ thói quen giữ khoảng cách từ 25 đến 40cm khi đọc sách, ngồi thẳng lưng, không cúi gập người hoặc nằm dài trên bàn, khi xem ti vi nên ngồi cách xa khoảng 2m, hạn chế cho trẻ tiếp cận thiết bị điện tử sớm.
- Không sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn 2 tiếng mỗi ngày.
- Bổ sung thực phẩm tốt cho mắt: vitamin A, C, E là những vitamin có chức năng rất quan trọng với thị lực, tăng cường thị giác, phụ huynh có thể lựa chọn các loại thực phẩm như rau củ có màu vàng cam (cà rốt, bí đỏ,…), rau màu xanh đậm ( rau ngót, rau bina,…), trứng, thịt, ngũ cốc, cá hồi,… để bổ sung trong chế độ ăn của trẻ.
Bên cạnh đó, những phương pháp sau giúp tăng cường sức khỏe mắt cho trẻ mà cha mẹ có thể tham khảo:
- Tập thể dục cho mắt: Nhắm mắt và thư giãn 3- 5 phút sau mỗi giờ làm việc. Đảo mắt sang hai bên, di chuyển mắt lên xuống, xoay tròn mắt, thay đổi khoảng cách nhìn trong 3-5 giây.
- Cho mắt nghỉ ngơi 20 giây – nhìn xa 20 feet (6 mét) sau 20 phút làm việc máy tính hay học tập
- Sử dụng các thiết bị điện tử như xem ti vi, điện thoại… không quá 2 tiếng/1 ngày
- Thường xuyên đưa trẻ đi khám mắt định kỳ 6-12 tháng/1 lần hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi và điều chỉnh kính mắt kịp thời.
Kết luận
Cận thị bẩm sinh là một tình trạng khúc xạ do di truyền gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt và học tập của trẻ. Việc nhận biết sớm và điều trị đúng cách là rất quan trọng để hạn chế các biến chứng nghiêm trọng. Bằng cách tạo môi trường sinh hoạt khoa học, hạn chế sử dụng thiết bị điện tử, bổ sung dinh dưỡng hợp lý và tập thể dục cho mắt, phụ huynh có thể giúp trẻ cải thiện thị lực và giữ cho đôi mắt luôn khỏe mạnh. Đừng quên đưa trẻ đi khám mắt định kỳ để theo dõi và điều chỉnh kịp thời để bảo vệ và chăm sóc đôi mắt trẻ tốt nhất.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.