Đau mắt đỏ là một trong những bệnh lý thường gặp ở mắt, tuy không quá nguy hiểm nhưng bệnh dễ lây lan và có thể bùng thành dịch nếu không biết cách phòng tránh. Đau mắt đỏ gây nhiều cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh và cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ thông qua bài này.
Bệnh đau mắt đỏ là gì?
Bệnh đau mắt đỏ ( hay viêm kết mạc ) là tình trạng viêm màng trong suốt lót mí mắt và bề mặt nhãn cầu, khi các mạch máu nhỏ ở kết mạc bị sưng lên và bị kích thích sẽ gây ra tình trạng lòng trắng của mắt có màu đỏ hoặc hồng, có cảm giác ngứa mắt, mắt nhạy cảm với ánh sáng, chảy nước mắt và mí mắt có thể sưng húp và rủ xuống. Mắt bị nhiễm khuẩn có thể ra nhiều ghèn xanh hoặc vàng tạo thành vảy trên lông mi hoặc mí mắt.
Bệnh này có thể xảy ra ở một bên mắt, sau đó lan sang mắt còn lại. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau như virus, vi khuẩn, chất gây dị ứng và nhiều yếu tố khác.
Các đối tượng dễ mắc bệnh đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng, từ trẻ em, người trưởng thành đến người già. Nó có thể xuất hiện quanh năm, nhưng thường diễn ra phổ biến nhất khi thời tiết chuyển từ mùa hè sang mùa thu. Đây là một bệnh rất dễ lây lan và có thể lan rộng thành dịch trong cộng đồng.
Đau mắt đỏ ở trẻ em
Bệnh đau mắt đỏ có thể xảy ra ở bất kỳ đứa trẻ nào. Nguy cơ lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ sẽ cao hơn nếu trẻ có các yếu tố dưới đây:
- Trẻ tiếp xúc với người nhiễm bệnh đau mắt đỏ.
- Trẻ có hệ miễn dịch suy giảm.
- Trẻ có thói quen vệ sinh mắt không đúng cách, thường xuyên đưa tay lên mắt.
- Trẻ sống trong vùng dịch.
Đau mắt đỏ ở người lớn
- Người làm việc trong môi trường ô nhiễm: Công nhân làm việc trong các môi trường như nhà máy, xưởng sản xuất thường tiếp xúc với các chất gây kích ứng như bụi, khói, hoặc hóa chất. Các chất này có thể gây kích ứng kết mạc và dẫn đến tình trạng mắt đỏ, đặc biệt là khi không sử dụng kính bảo hộ phù hợp.
- Người tiếp xúc với người bệnh đau mắt đỏ: Bệnh đau mắt đỏ có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người mắc bệnh. Nếu sử dụng chung khăn mặt hay các đồ dùng của người bệnh, tiếp xúc với người bệnh nhưng không vệ sinh kĩ đưa tay lên mặt sẽ rất dễ bị lây từ người bệnh đau mắt đỏ.
- Người bị dị ứng: Người có dị ứng cao với các chất kích ứng như phấn hoa, bụi, hoặc hóa chất thường dễ bị đau mắt đỏ. Các phản ứng dị ứng có thể làm kích thích kết mạc và gây ra các triệu chứng đau mắt đỏ, ngứa mắt và khó chịu.
Cần làm gì để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ
Để có thể phòng ngừa được bệnh đau mắt đỏ hiệu quả, bạn nên lưu ý:
Vệ sinh cá nhân và năng cao đề kháng
- Giữ gìn vệ sinh mắt và vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày.
- Vệ sinh mắt mỗi ngày với nước muối sinh lý 0.9%.
- Không chia sẻ các vật dụng cá nhân như khăn tay, khăn mặt, gương mắt hoặc kính mát với người khác.
- Thường xuyên mở cửa thông gió và luôn giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
- Nếu nhà có người bị đau mắt đỏ thì cần được cách ly hợp lý, ví dụ như đeo khẩu trang kể cả khi không ra ngoài, tuyệt đối không ôm hôn người khác nhất là trẻ em.
- Có chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin và các khoáng chất trong trái cây.
Bảo vệ mắt trong môi trường làm việc
- Đeo kính bảo hộ: Đảm bảo sử dụng kính bảo hộ phù hợp khi làm việc trong môi trường có nguy cơ tiếp xúc với các chất ô nhiễm, hóa chất, hoặc bụi.
- Giữ môi trường làm việc sạch sẽ: Dọn dẹp và làm sạch khu vực làm việc thường xuyên để giảm vi khuẩn và virus.
Thăm khám mắt định kỳ
- Thực hiện kiểm tra mắt định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các vấn đề mắt.
- Nếu bạn đã được chẩn đoán với một vấn đề mắt, tuân thủ đúng chế độ điều trị từ bác sĩ và không tự ý ngưng sử dụng thuốc.
Bằng cách tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân, tăng cường đề kháng, bảo vệ mắt trong môi trường làm việc hay thăm khám mắt định kỳ, chúng ta có thể phòng tránh được bệnh đau mắt đỏ và bảo vệ sức khỏe mắt của mình.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.