Quá trình sinh nở là một hành trình vô cùng phức tạp và tiềm ẩn nhiều biến chứng. Bất kỳ sản phụ nào cũng có nguy cơ đối diện với các biến chứng.Tìm hiểu kỹ những biến chứng trong quá trình sinh nở, nguyên nhân có thể xảy ra và cách phòng ngừa sẽ giúp bạn yên tâm hơn trong ngày vượt cạn của mình.
Các biến chứng thường gặp và cách chẩn đoán trong sinh nở
Băng huyết sau sinh
Là một biến chứng nghiêm trọng và là một trong những nguyên nhân gây tử vong chính của sản khoa. Băng huyết sau sinh là khi lượng máu mất lớn hơn 500ml hoặc choáng do mất máu sau đẻ, thường xảy ra sau 24 giờ đầu, tuy nhiên cũng có thể xảy ra muộn đến 6 tuần sau khi đẻ. Một số trường hợp, sản phụ mất máu với lượng ít hơn nhưng vẫn ảnh hưởng đến tổng trạng chung do thể trạng và bệnh lý trước đó.
Trong y văn, tần suất chảy máu sau đẻ trên 300ml là 18-26%, chảy máu nặng trên 1000ml với sinh thường là 3-4.5%, với mổ lấy thai là 6%.
Các nguyên nhân chảy máu sau đẻ thường gặp nhất là:
- Bệnh lý trong thời kỳ sổ rau: do sót rau, đờ tử cung.
- Tổn thương đường sinh dục do vỡ tử cung, rách cổ tử cung, rách tầng sinh môn, rách âm đạo.
- Bệnh lý rối loạn đông máu(nguyên nhân này hiếm gặp).
Rau tiền đạo
Là rau bám một phần hay toàn bộ vào đoạn dưới tử cung và cổ tử cung gây chảy máu vào 3 tháng cuối của thai kỳ, trong chuyển dạ và sau đẻ nhưng thường hay gặp nhất trong chuyển dạ.
Nguyên nhân gây ra rau thai tiền đạo vẫn chưa được xác định rõ ràng. Những trường hợp có các yếu tố sau sẽ có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này, bao gồm:
- Phụ nữ trải qua sinh nở nhiều lần
- Phụ nữ mang thai khi đã lớn tuổi (trên 35 tuổi)
- Tiền sử bị sảy thai hoặc nạo phá thai nhiều lần trước đó
- Có tình trạng viêm nhiễm tử cung trước khi mang thai
- Tiền sử bị rau tiền đạo ở lần mang thai trước
- Tử cung có hình dạng bất thường
- Phụ nữ mang song thai, đa thai có bánh rau lớn sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh;
- Lối sống không lành mạnh, thường xuyên sử dụng các chất kích thích như hút thuốc lá.
Rau tiền đạo gây chảy máu từng đợt vào các tháng cuối của thời kỳ thai nghén, đến khi chuyển dạ, đoạn dưới tử cung căng giãn ra (do cơn co tử cung đẩy thai xuống phía dưới) làm cho rau bám bị trượt và bong, gây chảy máu trầm trọng, có thể khiến sản phụ bị tử vong nhanh chóng.
Rau bong non
Là tình trạng rau bám đúng ở vị trí bình thường nhưng bong sớm trước khi sổ thai do bệnh lý hoặc chấn thương. Khối máu tụ sau bánh rau lớn dần làm bong bánh rau ra khỏi thành tử cung, cắt đứt sự nuôi dưỡng giữa mẹ và thai nhi, gây tử vong cho thai nhi và đe dọa tính mạng người mẹ do mất máu và rối loạn đông máu.
Nguyên nhân: Do chấn thương vào vùng bụng, bệnh lý của người mẹ: tiền sản giật,..
Rau bong non tiến triển nhanh, nếu không xử lý kịp thời sẽ đưa đến những biến chứng sau:
- Sốc mất máu: sốc xảy ra rất nhanh, không tương xứng giữa lượng máu mất thấy được ở âm đạo với mức độ sốc.
- Rối loạn đông máu: rau bong non làm mất một lượng máu đáng kể, làm mất một lượng lớn yếu tố đông máu nên làm ảnh hưởng đến quá trình đông máu, làm máu chảy sau khi sổ rau. Biến chứng này càng nặng nếu diễn biến rau bong non càng kéo dài, vì vậy cần phải phát hiện sớm để có ngay hướng xử trí.
- Vô niệu: người bệnh đi tiểu rất ít, thậm chí là không có nước tiểu. Cần theo dõi lượng nước tiểu liên tục trong những giờ đầu và những ngày tiếp theo để phát hiện biến chứng này. Vô niệu phần lớn là do tình trạng sốc gây tụt huyết áp, chảy máu nhiều, nhưng cũng có thể do hoại tử không hồi phục của lớp vỏ thận, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.
- Ngoài ra rau bong non có thể để lại các di chứng khác hết sức nguy hiểm như: suy gan thận cấp, suy tuyến thượng thận, tăng huyết áp, …
Vỡ tử cung
Là tình trạng tử cung bị xé rách từ niêm mạc qua lớp cơ, nếu đến cả phúc mạc qua làm buồng tử cung thông với ổ bụng được gọi là vỡ tử cung hoàn toàn. Nếu lớp phúc mạc còn nguyên thì là vỡ tử cung không hoàn toàn. Vỡ tử cung làm tổn thương đến cả bàng quang hoặc đường tiêu hóa gọi là vỡ tử cung phức tạp
Nguyên nhân: Vết mổ cũ ở tử cung, bất cân xứng thai và khung chậu, ngôi thai bất thường, cơn co cường tính, sử dụng thuốc tăng co không đúng chỉ định và liều lượng, can thiệp phẫu thuật, thủ thuật không đúng chỉ định, kỹ thuật…
Vỡ tử cung nếu không được xử trí kịp thời có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và con. Ở người mẹ, sẽ gây ra mất nhiều máu, dẫn đến sốc do mất máu.Vỡ tử cung ảnh hưởng đến sự sống còn của thai nhi. Trong những trường hợp này tỷ lệ phải cắt bỏ tử cung khá cao. Ngoài ra vỡ tử cung còn có thể gây tổn thuơng tạng như bàng quang, niệu quản, mạch hạ vị, đại trực tràng khi vỡ tử cung và trong khi phẫu thuật xử trí vỡ tử cung.
Đờ tử cung
Là một tình trạng nguy hiểm đối với phụ nữ sau sinh đẻ. Đờ tử cung xảy ra khi tử cung của người mẹ không thể co hồi lại sau khi sinh con, nguy cơ dẫn đến biến chứng băng huyết sau sinh, rất nguy hiểm cho tính mạng của người mẹ.
Thông thường, cơ tử cung sau khi sinh sẽ thắt chặt hoặc co lại để làm bong rau. Quá trình tử cung co hồi sẽ siết chặt các mạch máu gắn với bánh rau, giúp ngăn tình trạng chảy máu. Nếu vì lý do nào đó gây ra đờ tử cung sau sinh, cơ tử cung không co đủ mạnh, máu sẽ tiếp tục chảy tự do, nhiều khả năng dẫn đến băng huyết, mất máu quá nhiều.
Sót nhau
Cơ thể người phụ nữ sau sinh không cần đến nhau thai nữa. Sau khi sinh thường khoảng nửa tiếng, nhau thai sẽ được tử cung co bóp đẩy hết ra ngoài. Trong trường hợp đẻ mổ, bác sĩ sẽ lấy bánh nhau thai khỏi tử cung.
Toàn bộ bánh nhau phải được loại bỏ khỏi tử cung sau khi bạn sinh con. Trong một số trường hợp, một phần nhau thai vẫn còn sót lại trong tử cung, đây là hiện tượng sót nhau thai. Sót nhau có thể xảy ra bởi nhau bị mắc sau cổ tử cung đóng một phần hoặc nhau vẫn còn bám vào thành tử cung – dù bám nông (nhau dính) hay bám sâu (nhau cài răng lược).
Sót nhau sau sinh có thể khiến sản phụ bị viêm nhiễm các cơ quan sinh sản như viêm tử cung, tắc vòi trứng…, thậm chí có thể băng huyết, nguy hiểm tới tính mạng.
Rách âm đạo, cổ tử cung, tầng sinh môn, đứt cơ vòng
Khi sinh, cơn co tử cung đẩy thai xuống làm cho cổ tử cung mở ra, âm đạo, âm hộ và các cơ ở vùng âm đạo cũng giãn dần để chuẩn bị cho thai lọt qua. Nếu thời gian chuyển dạ quá nhanh, người mẹ rặn mạnh và quá sớm khi cổ tử cung chưa mở hết hoặc các cơ vùng âm đạo, âm hộ chưa giãn đủ mức, sẽ gây rách các bộ phận này. Tổn thương rách có thể nông, sâu, làm cho máu chảy nhiều hoặc rỉ ít một và kéo dài hàng giờ, nếu không phát hiện được, sản phụ có thể tử vong.
Các nguyên nhân gây rách đường sinh dục sau sinh thường là:
- Về phía mẹ: tầng sinh môn rắn (do sản phụ sinh con lớn tuổi), nhiễm khuẩn, phù nề, có sẹo.
- Về phía thai: thai to, thai ngược
- Do thủ thuật: để hỗ trợ bằng giác hút, forceps….
Biến chứng suy thai cấp
Là tình trạng đe dọa tính mạng thai, sức khỏe thai và tương lai phát triển tinh thần, vận động của đứa trẻ sau này, là nguyên nhân của 1/3 số tử vong chu sinh. Suy thai cấp là hậu quả của sự rối loạn trao đổi khí giữa mẹ và con trong chuyển dạ, làm cho thai nhi bị thiếu oxy.
Nguyên nhân: Do cơn co tử cung cường tính, chuyển dạ kéo dài, do thai: thai non tháng, thai già tháng, thai chậm phát triển, bệnh lý của mẹ,…Đặc biệt suy thai cấp do sa dây rau; tỷ lệ tử vong thai nhi rất cao nếu không phát hiện và xử trí kịp thời.
Thuyên tắc mạch ối
Là biến chứng sản khoa thể hiện tình trạng xâm nhập của nước ối những tế bào thai nhi, tóc hoặc các mảnh tổ chức thai khác đi vào vào tuần hoàn của người mẹ và gây ra phản ứng dị ứng. Sản phụ phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao khi bị thuyên tắc ối so suy hô hấp và suy tuần hoàn.
Mặc dù rất hiếm gặp nhưng thuyên tắc ối lại có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng, là nỗi kinh hoàng cho cả thai phụ và những người làm trong ngành sản khoa. Theo thống kê, đa số sản phụ bị thuyên tắc ối đều tử vong trong giờ đầu, khoảng 85% sản phụ sống sót nhưng phải di chứng về thần kinh sau này.
Theo các bác sĩ chuyên khoa thì tình trạng thuyên tắc ối sẽ xảy ra khi có 3 điều kiện sau: Sản phụ bị vỡ màng ối, cổ tử cung và áp lực của buồng tử cung cao hơn áp lực tĩnh mạch của người mẹ hay vỡ tĩnh mạch của tử cung. Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ thuyên tắc ối gồm: Tử cung quá căng, bong nhau non, chấn thương, thai lưu, đa sản, dùng oxytocin trong chuyển dạ, mẹ lớn tuổi.
Chấn thương thai nhi trong quá trình chuyển dạ
Trong quá trình chuyển dạ, thai nhi có thể bị các chấn thương: Mắc vai, gãy xương đòn chấn thương chi, liệt đám rối thần kinh cánh tay….
Nguyên nhân:
- Do thai non tháng, thai to, ngôi thai bất thường, thai bệnh lý…
- Can thiệp thủ thuật forcep, giác hút sang sang chấn.:….
Biến chứng sản giật
Sản giật (tiếng Anh là Eclampsia) là một biến chứng của tiền sản giật nặng, lúc này thai phụ xuất hiện các cơn co giật nặng hoặc hôn mê sâu không rõ nguyên nhân. Cơn co giật có thể xảy ra trước khi sinh, khi thai kỳ được 20 tuần, trong lúc sinh hoặc sau khi sinh, đặc biệt là đối với những thai phụ từng có dấu hiệu và triệu chứng của tiền sản giật. Ngoài ra nguyên nhân của sản giật là huyết áp cao và Protein niệu
Sản giật là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong cho mẹ và thai nhi.
Thai lưu
Thai lưu là tình trạng thai chết trong bụng mẹ sau 20 tuần thai kỳ. Nguyên nhân có thể do nhiều yếu tố như vấn đề về nhau thai, các bệnh lý của mẹ hoặc các vấn đề về phát triển thai nhi.
Phương pháp chẩn đoán sớm các biến chứng
Khám thai định kỳ vô cùng cần thiết trong quá trình mang thai. Khám thai định kỳ giúp thai phụ theo dõi sức khỏe của mẹ và bé, đồng thời xử lý kịp thời các bất thường xảy ra. Đặc biệt vào những tuần cuối của thai kỳ thì việc khám và siêu âm thai rất quan trọng giúp phát hiện các bất thường và xử trí kịp thời để phòng ngừa biến chứng trong sinh nở.
Siêu âm: Siêu âm là phương pháp phổ biến giúp phát hiện các bất thường của thai nhi và tử cung. Qua siêu âm, bác sĩ có thể đánh giá sự phát triển của thai nhi, tình trạng nhau thai, và lượng nước ối để kịp thời xử lý nếu có bất thường.
Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp phát hiện các dấu hiệu của tiền sản giật, thiếu máu và các vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến thai kỳ. Việc kiểm tra thường xuyên sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Theo dõi tim thai: Theo dõi tim thai là cách để kiểm tra sức khỏe của thai nhi trong quá trình chuyển dạ. Bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về nhịp tim của thai nhi có thể là chỉ báo về sự căng thẳng hoặc nguy hiểm, cần được can thiệp kịp thời.
Kiểm tra nước ối: Kiểm tra nước ối giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của thai nhi và môi trường trong tử cung. Lượng nước ối quá nhiều hoặc quá ít đều có thể là dấu hiệu của các biến chứng nghiêm trọng.
Nếu trong quá trình mang thai có các triệu chứng bất thường như: ra máu âm đạo, ra nước ối, đau bụng từng cơn, phù, nhức đầu, chóng mặt, thai máy ít hơn… cần đi khám thai ngay.
Cách phòng ngừa các biến chứng trong sinh nở
Khám thai định kỳ
Khi thấy có dấu hiệu mang thai sớm, bạn nên đi khám thai ngay để biết được tình trạng sức khỏe của bản thân và bé cưng, đồng thời được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc thai kỳ phù hợp.
Trong suốt thời gian mang thai, bạn cũng nên nhớ đi khám, siêu âm định kỳ, làm đầy đủ các xét nghiệm mà bác sĩ chỉ định để biết được tình hình phát triển của thai nhi và sự thay đổi thể chất của chính mình.
Chế độ dinh dưỡng đa dạng, bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu
Nhu cầu dinh dưỡng của mẹ bầu tăng cao so với trước khi mang thai, đặc biệt là các chất DHA, ALA, lutein, choline, sắt, acid folic, canxi, vitamin D. Một chế độ ăn khoa học, bổ dưỡng, đủ nhóm chất là điều rất quan trọng đối với sự phát triển của bé và đảm bảo sức khỏe cho mẹ.
Ngoài ra, để đảm bảo bạn và bé nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng, từ đó đạt được thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu có thể sẽ cần sử dụng thêm những viên uống bổ sung các loại vitamin và khoáng chất. Một trong những dưỡng chất quan trọng nhất mà bạn cần bổ sung trước khi mang thai là axit folic và sắt, những dưỡng chất này sẽ giúp giảm nguy cơ bé bị dị tật bẩm sinh.
Đảm bảo luôn uống đủ nước
Bà bầu uống đủ nước mỗi ngày là cách để duy trì lượng nước ối cho thai nhi và tăng lượng máu cho cơ thể, từ đó giúp thai kỳ khỏe mạnh hơn. Mỗi ngày, bạn cần uống ít nhất 2 lít nước, nếu uống ít hơn, bạn sẽ dễ gặp phải chứng ốm nghén, mệt mỏi, chuột rút và co thắt trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.
Vận động thường xuyên để giúp thai kỳ khỏe mạnh
Mang thai là thời điểm cơ thể bạn sẽ có rất nhiều thay đổi. Một trong những thay đổi rõ nét nhất chính là vóc dáng và cân nặng. Để khỏe mạnh và dẻo dai, bà bầu cần tập thể dục 30 phút mỗi ngày và 4 lần mỗi tuần. Bà bầu tập thể dục không chỉ giúp kiểm soát căng thẳng, cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng cường thể lực mà còn làm tăng lượng máu đến nhau thai để hỗ trợ sự phát triển của bé.
Một số hoạt động thể chất tốt cho bà bầu mà bạn có thể thử là đi bộ, bơi lội và yoga. Ngoài ra, bạn cũng nên tập thêm các bài tập cơ sàn chậu để hỗ trợ tử cung, ruột và bàng quang giúp cho việc sinh nở diễn ra dễ dàng.
Quản lý các bệnh lý mãn tính
Nếu bạn có các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, hay bệnh tim, cần kiểm soát tốt các bệnh này trong suốt thai kỳ để giảm nguy cơ biến chứng. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách quản lý bệnh hiệu quả nhất.
Nghỉ ngơi đầy đủ là điều rất quan trọng
Phụ nữ mang thai cần nghỉ ngơi nhiều hơn do lúc này, cơ thể bạn khá nặng nhọc và mệt mỏi. Tình trạng mất ngủ thường xuyên có thể khiến bà bầu cảm thấy căng thẳng, tăng huyết áp, tiền sản giật… Dù vậy, phần lớn bà bầu đều thấy khó ngủ, mất ngủ khi mang thai do những triệu chứng khó chịu của thai kỳ và những nỗi lo về những điều sắp diễn ra. Để có giấc ngủ ngon, bạn có thể tập yoga, thiền, cải thiện chế độ ăn…
Cách mang thai khỏe mạnh là nói “không” với rượu bia và thuốc lá
Trong suốt thời gian mang thai, rượu bia, thuốc lá là những thứ bạn nên tránh hoàn toàn để có được thai kỳ khỏe mạnh. Bà bầu uống rượu, bia có thể làm tăng nguy cơ bé mắc phải hội chứng rượu bào thai (FAS). Trong khi đó, việc tiếp xúc với khói thuốc đồng nghĩa với việc bạn đã hít vào hơn 4.000 hóa chất khác nhau. Những hóa chất này có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, ung thư, trẻ sinh ra nhẹ cân, nghiêm trọng hơn còn có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Tiêm phòng đầy đủ
Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo khuyến cáo của bác sĩ giúp bảo vệ mẹ và bé khỏi các bệnh nguy hiểm. Đặc biệt, tiêm phòng uốn ván là rất quan trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng sơ sinh.
Thực hiện các biện pháp vệ sinh
Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân tốt, bao gồm rửa tay thường xuyên và vệ sinh vùng kín đúng cách, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng hậu sản. Việc sử dụng các sản phẩm vệ sinh an toàn và không gây kích ứng cũng rất quan trọng.
Chủ động tìm hiểu về biến chứng thai kỳ để phòng ngừa
Để thai nhi phát triển khỏe mạnh và không gặp rủi ro, mẹ bầu nên chủ động tìm hiểu về các triệu chứng, biến chứng thường gặp trong các giai đoạn mang thai. Điều này sẽ giúp bạn biết được khi nào cần đến gặp bác sĩ và không cảm thấy căng thẳng vì những triệu chứng vốn dĩ bình thường. Thông thường, bạn nên đến bệnh viện ngay nếu:
- Đau dữ dội
- Chuột rút
- Chảy máu âm đạo
- Chóng mặt
- Đánh trống ngực
- Sưng khớp
- Chuyển động của thai nhi giảm.
Khi gần đến ngày dự sinh, thai phụ cần duy trì tinh thần thoải mái, vận động nhẹ nhàng để sinh con dễ hơn. Cần chuẩn bị sẵn các đồ đạc cần thiết cho cả mẹ và bé trong trường hợp thai phụ có dấu hiệu sinh sớm hơn ngày dự sinh. Gia đình nên đồng hành cùng thai phụ trong cả quá trình mang thai và sau sinh. Nếu vào tháng cuối của thai kỳ, thai phụ có những dấu hiệu bất thường, cần nhập viện để bác sĩ thăm khám tránh rủi ro và biến chứng cho cả mẹ và bé.
Kết luận
Sinh nở là một quá trình thiêng liêng nhưng cũng đầy thử thách và nguy cơ. Việc hiểu rõ các biến chứng có thể xảy ra và cách phòng ngừa chúng là chìa khóa để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Hãy luôn chăm sóc sức khỏe thai kỳ đúng cách, tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ, và thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả để hành trình sinh nở trở nên an toàn và hạnh phúc hơn.