Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm, dễ lây lan và có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh bạch hầu đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa biến chứng và lây lan.
Cách nhận biết bệnh bạch hầu sớm
Các triệu chứng bạch hầu thường bắt đầu từ 2 -5 ngày sau khi bị nhiễm bệnh. Một số dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu sớm thường gặp:
- Sốt và ớn lạnh: Bệnh nhân thường có biểu hiện sốt nhẹ kèm sốt kéo dài và không giảm khi dùng thuốc hạ sốt thông thường.
- Đau họng và khàn giọng: Một trong những triệu chứng phổ biến nhất là đau họng, cảm giác khó nuốt và có thể gây sưng tấy vùng họng.
- Giả mạc hai bên thành họng: Xuất hiện các mảng trắng hoặc xám trên niêm mạc họng, amidan hoặc vòm miệng, dễ chảy máu.
- Khó thở hoặc thở nhanh: Bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi thở, đặc biệt là trẻ em, do đường hô hấp bị tắc nghẽn.
- Chảy nước mũi
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ: Các hạch lympho ở cổ có thể sưng to, gây đau và cứng.
- Mệt mỏi, khó chịu: Cơ thể mệt mỏi, kèm theo các triệu chứng chung của nhiễm khuẩn.
Triệu chứng bệnh bạch hầu ở trẻ em:
- Sốt nhẹ (hiếm khi vượt quá 39°C)
- Viêm amidan đau nhẹ/hoặc viêm họng có giả mạc với đặc điểm: màu trắng ngà, dày, khó bóc tách, lan nhanh.
- Hạch to và sưng to vùng cổ, đặc biệt nếu kết hợp với viêm họng giả mạc và dấu hiệu nhiễm độc toàn thân.
- Khàn giọng và thở co kéo, kiểu khó thở thanh quản.
- Chảy dịch mũi mủ nhầy lẫn máu kết hợp với màng giả ở niêm mạc.
Ở một số người, nhiễm vi khuẩn bạch hầu chỉ gây ra các triệu chứng bệnh nhẹ hoặc không có dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng nào. Những người bị nhiễm bệnh nhưng vẫn không biết về căn bệnh của mình được gọi là người mang bệnh bạch hầu do họ có thể lây truyền bệnh cho cộng đồng mà không có triệu chứng bị bệnh.
Chẩn đoán bệnh bạch hầu
Việc chẩn đoán bệnh bạch hầu cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa thông qua các phương pháp sau:
Chẩn đoán xác định
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng lâm sàng như dấu hiệu nhiễm độc nặng/sốt nhẹ, cổ bạnh, bạch cầu tăng kết hợp với màng giả đặc hiệu của vi khuẩn bạch hầu.
- Xét nghiệm dịch họng: Lấy mẫu dịch từ họng để nuôi cấy vi khuẩn, xác định sự hiện diện của vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra nồng độ bạch cầu và các dấu hiệu nhiễm trùng trong máu.
- Dịch tễ: Xung quanh có trẻ cùng mắc bệnh, có tiếp xúc bệnh nhân, ổ dịch, vụ dịch.
Chẩn đoán phân biệt
- Chẩn đoán phân biệt với các bệnh có màng giả: Viêm họng do tụ cầu, liên cầu. Viêm họng Vincent, viêm họng do virus, Herpes, nấm Candida, viêm họng hoại tử. Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.
- Phân biệt với các bệnh gây khó thở thanh quản: Viêm thanh quản cấp, nguyên phát do virus sởi, áp xe thành sau họng, dị vật thanh quản.
Điều trị bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu cần được điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm. Phác đồ điều trị thường bao gồm:
- Thuốc kháng độc tố bạch hầu (SAD – Serum Antitoxin Diphtheria)
Thuốc chủ yếu được làm từ huyết thanh ngựa. Do đó, cần thử test trong da trước để phát hiện quá mẫn, có thể bị phản vệ nặng với huyết thanh ngựa trong kháng độc tố và phải trong tư thế sẵn sàng điều trị sốc phản vệ.
SAD cần phải được dùng sớm ngay từ khi nghi ngờ bệnh. Tỷ lệ tử vong giảm dưới 1% nếu điều trị SAD ngay trong ngày đầu tiên và tăng lên 20 lần nếu điều trị muộn vào ngày 4. SAD chỉ trung hoà được độc tố lưu hành trong máu, chứ không trung hoà được độc tố đã gắn vào tổ chức.
Liều lượng SAD thay đổi từ 20.000 – 100.000 đơn vị, tuỳ theo mức độ của tình trạng nhiễm độc, vị trí, kích thước của màng giả, thời điểm dùng thuốc sớm hay muộn. Thuốc được dùng một lần duy nhất bằng đường truyền tĩnh mạch trong 30 – 60 phút (hoặc tiêm bắp).
Thể nhẹ, giả mạc chỉ ở họng, da, chưa có biến chứng, điều trị sớm trước 48h: 20.000 đến 40.000IU
Thể trung bình, giả mạc lan ra mũi: 40.000 đến 60.000IU
Thể nặng, có biến chứng, điều trị muộn sau 72 giờ: 80.000 đến 100.000IU
- Kháng sinh
Penicillin G: 100.000 – 150.000 UI/kg/ngày, tiêm tĩnh mạch chia 4 lần x 7 ngày.
Procain penicillin: 25 – 50.000 UI/kg/ngày, chia 2 lần tiêm bắp sâu.
Erythromycin 1,5g/24h, trẻ em 40 – 50 mg/kg/24h (tối đa 2g/24h) uống hoặc Clarithromycin, Azithromycin x 14 ngày
- Điều trị hỗ trợ như truyền dịch và duy trì đường thở
Liệu pháp oxy: Được chỉ định khi bắt đầu có tắc nghẽn đường thở.
Mở khí quản/đặt nội khí quản: Khi có dấu hiệu của tắc nghẽn đường thở hoàn toàn như thở rút lõm ngực nặng và bứt rứt. Đặt nội khí quản qua miệng là thủ thuật thay thế, nhưng có thể làm bong tróc giả mạc và không thể giải phóng tắc nghẽn.
Cần theo dõi tình trạng của trẻ, đặc biệt là tình trạng hô hấp, cần được đánh giá bởi điều dưỡng mỗi 3 giờ và bởi bác sĩ 2 lần/ngày. Trẻ nên được đặt nằm gần phòng điều dưỡng, để có thể phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu tắc nghẽn đường thở nào ngay khi dấu hiệu mới chớm nặng lên.
Phòng ngừa tái phát và biến chứng
Phòng ngừa bệnh bạch hầu là một yếu tố cực kỳ quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
- Tiêm vắc-xin: Đối với trẻ em, tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh bạch hầu có trong vắc-xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 theo lịch tiêm chủng quốc gia là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Người lớn cũng cần tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu mỗi 10 năm.
- Giữ vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên, vệ sinh răng miệng và không dùng chung đồ cá nhân với người khác.
- Hạn chế tiếp xúc: Tránh tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa khi tiếp xúc. Cần tiêm vắc xin trước 2 tuần nếu cần đi vào vùng có dịch bệnh.
- Theo dõi sức khỏe: Đối với những người đã từng mắc bệnh, cần theo dõi sức khỏe định kỳ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa tái phát.
Bệnh bạch hầu là một căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Việc hiểu rõ các dấu hiệu và triệu chứng, cùng với sự can thiệp kịp thời từ y tế, sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng và lây lan. Hãy chủ động tiêm vắc-xin và tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Nếu bạn hoặc người thân có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.