Trẻ sinh non là trẻ được sinh ra trước 37 tuần tuổi, trẻ sinh thiếu tháng thường là nhẹ cân, sức đề kháng yếu, suy dinh dưỡng gây ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Vì vậy việc chăm sóc trẻ và dinh dưỡng cho trẻ sinh non đóng vai trò hết sức quan trọng. Chính vì thế bố mẹ trẻ nên biết cách chăm con đúng cách để tránh các yếu tố nguy hiểm cho bé.
Phân loại mức độ sinh non
Sinh non thường chia ra 4 mức độ:
- Cực non: Là em bé sinh trước 28 tuần tuổi thai
- Rất non: Là em bé sinh ra từ 28 – 31 tuần 6 ngày
- Non trung bình: Là em bé sinh ra từ 32 – 33 tuần 6 ngày
- Non muộn: Là em bé sinh ra từ 34 – 36 tuần 6 ngày
Sinh non là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm. Điều này có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sinh mạng của mẹ và bé. Nếu sinh non càng sớm thì việc chăm sóc trẻ càng khó khăn hơn.
Chăm sóc trẻ sinh non tại bệnh viện
Với hầu hết các trẻ sinh non, cơ thể trẻ chưa được hoàn thiện. Nên đối với trẻ sinh non ở những tuần thai sớm các vấn đề của trẻ sinh non cần được lưu ý bao gồm:
- Theo dõi thân nhiệt: Thân nhiệt, đường huyết ổn định cho trẻ
- Chăm sóc dinh dưỡng: Trẻ sinh non thường không thể bú mẹ ngay lập tức, nên cần được cung cấp dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch hoặc ống thông.
- Theo dõi hô hấp: Hệ hô hấp của trẻ sinh non chưa hoàn thiện, do đó, bé thường cần hỗ trợ thở hoặc thở oxy.
- Kiểm tra định kỳ: Các bác sĩ sẽ tiến hành các kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề như nhiễm trùng, vàng da, hay các vấn đề về tim và phổi.
- Can thiệp y tế: Trong một số trường hợp, bé có thể cần các biện pháp can thiệp y tế như truyền máu, điều trị kháng sinh, hay phẫu thuật.
Khi trẻ đã dần ổn định, có thể tự thực hiện được các kỹ năng cơ bản như thở, bú, nuốt, khả năng điều hòa thân nhiệt tốt hơn,… bác sĩ sẽ cho trẻ xuất viện và hướng dẫn mẹ chăm sóc trẻ tại nhà phù hợp.
Chăm sóc trẻ sinh non tại nhà
Trẻ sinh non khi đã được xuất viện, tình trạng sức khỏe của trẻ đã ổn định nên việc chăm sóc tại nhà được thực hiện tương tự như chăm sóc em bé sinh đủ tháng.Tuy nhiên việc chăm sóc trẻ sinh non tại nhà đúng cách giúp trẻ phát triển an toàn, khỏe mạnh
Theo dõi trẻ: thân nhiệt, nhịp thở…
Trẻ sơ sinh thiếu tháng thường chưa thích nghi được với môi trường bên ngoài nên dễ bị bệnh hơn trẻ sinh đủ tháng. Do đó, ba mẹ phải luôn chủ động theo dõi các dấu hiệu ở con, như nhịp thở, màu sắc da, tri giác, thân nhiệt… Nếu trẻ gặp vấn đề bất thường cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế
Giúp trẻ bắt đầu ăn sữa
Khuyến cáo nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất đối với trẻ nhỏ.
- Nếu bé chưa thể bú mẹ trực tiếp, mẹ có thể vắt sữa và dùng bình hoặc ống thông để cho bé bú. Đảm bảo bé nhận đủ dinh dưỡng
- Trẻ sinh non có nguy cơ bú, nuốt chưa hiệu quả. Vậy nên, mẹ cần cho trẻ bú từ từ, từng chút một, đảm bảo tư thế bú đúng và cho trẻ bú đúng thời điểm, đảm bảo bữa bú của trẻ ở trạng thái tốt nhất để trẻ có thể bú hiệu quả nhất.
- Trường hợp không thể cho trẻ bú sữa mẹ, mẹ có thể tham khảo ý kiến của các bác sĩ dinh dưỡng về sữa non công thức phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ trong giai đoạn này.
Thời gian và tần suất cho ăn
- Cho trẻ bú theo nhu cầu
- Giai đoạn đầu, kích thước dạ dày trẻ còn nhỏ, trẻ bú nhanh no nhưng cũng nhanh đói. Vì vậy, mẹ nên cho trẻ bú thường xuyên hơn nhằm đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ.
- Tần suất cho trẻ bú dao động trong khoảng 8 – 12 cữ/ngày, khoảng 2-3 giwof cho trẻ bú một lần.
- Đánh giá bữa bú của trẻ: Theo dõi số lần đi tiểu của trẻ.
Phương pháp cho ăn
- Các kỹ thuật cho trẻ bú và hỗ trợ trẻ bú cần được chú ý hơn để đảm bảo bữa bú của trẻ được hiệu quả.
- Chú ý cho trẻ bú đúng tư thế để tránh khiến trẻ bị sặc sữa.
- Đối với những trẻ không thể bú mẹ cần được hỗ trợ bú bình đúng cách, đảm bảo núm bình phù hợp, tư thế bú đúng.
Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc là cách tốt nhất giúp trẻ sơ sinh lớn nhanh hơn, phát triển trí não tốt hơn. Thường thì bé sinh non cần được ngủ nhiều hơn bé sinh đủ tháng, khoảng 16 – 20 giờ/ngày. Nhưng thời gian mỗi giấc không được quá 4 giờ. Khi ngủ, nên cho bé nằm ngửa trên nệm êm, không cần sử dụng gối.
Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ sinh non
Theo dõi biểu hiện bệnh khi chăm sóc trẻ sinh non tại nhà
Chăm sóc trẻ sinh non tại nhà, mẹ cần chú ý quan sát các biểu hiện của trẻ để có phương pháp can thiệp kịp thời. Nếu trẻ có các dấu hiệu nguy hiểm dưới đây, mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám càng sớm càng tốt:
- Bú kém, bỏ bú hoặc kích thích, quấy khóc bất thường.
- Trẻ li bì, ngủ nhiều, khó đánh thức dậy.
- Trẻ nôn ói liên tục, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy,…
- Trẻ bị sốt.
- Trẻ nhiễm bệnh đường hô hấp hoặc có các dấu hiệu mắc bệnh thường gặp.
Giữ ấm cơ thể chăm sóc trẻ sinh non tại nhà
- Kiểm soát nhiệt độ phòng: Duy trì nhiệt độ phòng ở mức ấm áp, khoảng 26-28 độ C là phù hợp
- Mặc quần áo ấm: Lựa chọn quần áo giữ ấm nhưng thoáng khí cho bé. Tránh mặc quá nhiều lớp gây khó chịu.
- Trẻ sinh non, lượng mỡ dưới da ở trẻ khá ít nên chưa thể giữ ấm cho cơ thể hiệu quả. Lúc này, phần lớn dinh dưỡng của trẻ sẽ được sử dụng để chuyển hóa thành mỡ, giữ ấm cho trẻ nếu trẻ không được giữ ấm phù hợp. Điều này khiến cơ thể thiếu hụt dưỡng chất để phát triển đầy đủ.
- Phương pháp da kề da: Theo học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), thân nhiệt của trẻ sinh non nên được duy trì trong khoảng 36,5 độ C (được đo tại nách). Phương pháp Kangaroo là phương pháp giữ nhiệt hiệu quả, được các chuyên gia khuyến khích thực hiện. Phương pháp không chỉ giúp mẹ kiểm soát được thân nhiệt của trẻ, ủ ấm trẻ vừa đủ mà còn giúp tăng tình cảm, tiếp xúc giữa mẹ và bé.
Đảm bảo môi trường xung quanh an toàn
Trẻ sinh non rất dễ nhiễm bệnh, nhiễm khuẩn, đặc biệt các bệnh lý về đường hô hấp. Vì vậy, mẹ nên chú ý đảm bảo vệ sinh khu vực chăm sóc trẻ.
- Thường xuyên giặt giũ chăn, ga, gối tạo môi trường không khí trong sạch cho bé
- Khử khuẩn các vật dụng cá nhân của trẻ
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá; hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh, động vật, người có dấu hiệu mắc bệnh.
- Ngoài ra, bố mẹ nên cho trẻ đến bệnh viện thăm khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để được thăm khám và theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ, từ đó cân chỉnh, hướng dẫn chăm sóc phù hợp.
Phát triển tâm lý và thể chất:
- Tương tác và chơi đùa: Dành thời gian tương tác, chơi đùa nhẹ nhàng với bé để kích thích sự phát triển trí não và gắn kết tình cảm.
- Vận động nhẹ nhàng: Thực hiện các bài tập vận động nhẹ nhàng, phù hợp với độ tuổi của bé để thúc đẩy sự phát triển cơ thể.
Kết luận
Chăm sóc trẻ sinh non là một hành trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, tình yêu thương và kiến thức đúng đắn. Từ việc chăm sóc tại bệnh viện đến khi về nhà, mỗi bước đi đều cần sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt. Việc chuẩn bị môi trường sống, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, theo dõi sức khỏe định kỳ và tương tác với bé sẽ giúp bé phát triển khỏe mạnh và toàn diện. Hãy luôn lắng nghe và tìm hiểu từ các nguồn tin cậy để đảm bảo bạn đang làm tốt nhất cho bé yêu của mình.