Thiếu máu cục bộ là một trong những vấn đề liên quan tới tim mạch nguy hiểm và phổ biến hiện nay mà mọi người không thể chủ quan. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời như ảnh hưởng đến chức năng bơm máu của tim, gây ra các triệu chứng đau và thiếu máu toàn thân. Để hiểu rõ hơn về bệnh thiếu máu cục bộ và cách chăm sóc người bệnh, mời bạn cùng Pharmacity theo dõi bài viết sau.
Những điều cần biết về bệnh thiếu máu cục bộ
Tim thiếu máu cục bộ là gì?
Tim thiếu máu cục bộ (bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ hay động mạch vành) là tình trạng giảm lưu lượng máu đến cơ tim, khiến chức năng của cơ tim bị gián đoạn do không nhận đủ Oxy.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính của bệnh này là do sự tích tụ của các mảng bám cholesterol trong lòng động mạch vành, gây hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu làm hạn chế lưu thông máu. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Hút thuốc lá
- Tăng huyết áp
- Béo phì
- Tiểu đường
- Lối sống ít vận động
- Chế độ ăn uống không lành mạnh
Triệu chứng
Tình trạng này gây giảm khả năng bơm máu của cơ tim, có thể tạo thành những tổn thương trên cơ tim, đồng thời làm ảnh hưởng đến hoạt động bơm máu của cơ tim. Triệu chứng thường gặp của bệnh thiếu máu cục bộ bao gồm:
- Đau thắt ngực: cảm giác đau, ép chặt ở ngực, có thể lan ra vai, cổ, hàm hoặc cánh tay kèm theo đó là tình trạng loạn nhịp tim.
- Khó thở: đặc biệt khi gắng sức hoặc nằm xuống.
- Đổ nhiều mồ hôi, nôn, buồn nôn.
- Mệt mỏi: cảm giác mệt mỏi bất thường, ngay cả khi không làm việc nặng.
- Đánh trống ngực: cảm giác tim đập nhanh, mạnh hoặc không đều.
Một số trường hợp, tim thiếu máu cục bộ không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Đó được gọi là tim thiếu máu cục bộ thầm lặng.
Phân loại
Bệnh tim thiếu máu cục bộ có hai dạng chính:
- Bệnh tim thiếu máu cục bộ cấp tính: Đây là tình trạng xảy ra khi một trong những động mạch vành của tim bị tắc nghẽn đột ngột. Tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực hoặc vấn đề nghiêm trọng về rối loạn nhịp tim.
- Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính: Đây là bệnh động mạch vành ổn định, thường xuất hiện dưới dạng cơn đau thắt ngực ổn định.
Biến chứng của bệnh thiếu máu cục bộ
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh thiếu máu cục bộ có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:
- Nhồi máu cơ tim
- Suy tim
- Loạn nhịp tim
- Đột quỵ
Cách chăm sóc người bị bệnh thiếu máu cục bộ
Cách chăm sóc người bệnh thiếu máu cục bộ đòi hỏi sự hợp tác giữa bệnh nhân, gia đình và đội ngũ y tế với mục đích nhằm giảm các triệu chứng ở người bệnh, đồng thời giúp nâng cao sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: hạn chế chất béo bão hòa, thịt đỏ, chế phẩm từ đường, sữa và đưa vào khẩu phần ăn người bệnh nhiều loại trái cây, rau quả và ngũ cốc, và giảm lượng muối ăn.
- Tuân thủ một chế độ sinh hoạt có lối sống lành mạnh: Không hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc từ người khác; tập thể dục thường xuyên, chủ động vận động mỗi ngày
- Tuân thủ sử dụng thuốc: Đảm bảo bệnh nhân tuân thủ đúng liều lượng và lịch trình dùng thuốc được kê đơn
- Đưa ra các bài tập vận động phù hợp và động viên người bệnh duy trì vận động thể lực hằng ngày
- Quản lý stress: Stress là một yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh tim mạch. Để giảm stress, người bệnh nên thực hành các bài yoga hoặc thiền nhẹ nhàng; nghe nhạc, đọc sách hoặc tham gia các hoạt động giải trí yêu thích; trò chuyện với người thân, bạn bè để chia sẻ cảm xúc
- Giáo dục bệnh nhân và gia đình hiểu biết về bệnh, nguyên nhân, cách điều trị, chăm sóc tại nhà.
- Điều trị các bệnh lý có thể tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ, như tăng huyết áp, tiểu đường và cholesterol cao trong máu cho bệnh nhân.
Việc tạo cho người bệnh những thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng như trên có thể giúp điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ cũng có thể giúp phòng ngừa bệnh này phát triển ngay từ đầu. Lối sống lành mạnh tốt cho tim có thể giúp giữ cho hệ động mạch của người bệnh khỏe mạnh, đàn hồi và trơn tru, đồng thời cho phép lượng máu lưu thông tối đa.
Những lưu ý khi chăm sóc người bị thiếu máu cục bộ
Một số lưu ý khi chăm sóc người bị bệnh thiếu máu cục bộ:
- Người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ, bao gồm việc uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng và tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe.
- Chú ý theo dõi các triệu chứng: Gia đình và người chăm sóc cần chú ý đến các triệu chứng bất thường của người bệnh như đau ngực, khó thở, mệt mỏi hoặc phù nề. Khi phát hiện các dấu hiệu này, cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay lập tức.
- Tạo môi trường thoải mái, lành mạnh để giảm căng thẳng cho người bệnh trong cuộc sống hàng ngày. Tình trạng stress kéo dài khiến thần kinh căng thẳng, kéo theo nguy hại đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có hệ tim mạch.
- Hỗ trợ tinh thần: Người bệnh cần được hỗ trợ tinh thần để vượt qua khó khăn trong quá trình điều trị. Gia đình và người thân nên động viên, khích lệ người bệnh, tạo môi trường sống thoải mái và tránh gây áp lực hoặc căng thẳng cho người bệnh.
- Thường xuyên nhắc nhở hoặc đưa người bệnh kiểm tra sức khỏe định kỳ, thực hiện đúng chỉ dẫn từ bác sĩ điều trị, duy trì thói quen sinh hoạt và ăn uống khoa học để hạn chế tối đa được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Thiếu máu cục bộ là bệnh lý tim mạch nguy hiểm nhưng có thể kiểm soát và phòng ngừa hiệu quả nếu được chăm sóc đúng cách. Bằng cách duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, quản lý stress và tuân thủ điều trị của bác sĩ, người bệnh có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ biến chứng. Gia đình và người thân cần hỗ trợ tinh thần, theo dõi triệu chứng và đưa người bệnh đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để đảm bảo quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất. Hãy luôn nhớ rằng, sự chăm sóc và yêu thương của gia đình chính là liều thuốc tốt nhất giúp người bệnh vượt qua mọi khó khăn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.