Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính, tiến triển kéo dài, nếu không được kiểm soát sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim, não, thận và nhiều cơ quan khác, để lại di chứng nặng nề thậm chí gây ra tử vong. Vì vậy việc thực hiện chăm sóc người bệnh tăng huyết áp có vai trò quan trọng đến sức khỏe lâu dài của người bệnh.
Những điều cần biết về bệnh tăng huyết áp
Huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch khi tim bơm máu vào động mạch. Huyết áp được tạo ra do tương tác giữa lực co bóp của tim và sức cản của động mạch, giúp vận chuyển máu đi khắp cơ thể, cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho các cơ quan duy trì hoạt động của cơ thể.
Đơn vị đo huyết áp là mi-li-mét thủy ngân, viết tắt là mmHg. Trị số huyết áp đo được thể hiện bằng hai chỉ số:
- Huyết áp tâm thu hay còn gọi là huyết áp tối đa ở mức bình thường trong khoảng từ 90-139 mmHg.
- Huyết áp tâm trương hay còn gọi là huyết áp tối thiểu ở mức bình thường trong khoảng từ 60-89 mmHg.
Tăng huyết áp gì ?
Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg.
Tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp
Được chẩn đoán là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg ở 2 lần đo tại 2 thời điểm khác nhau trong điều kiện tiêu chuẩn đo huyết áp
Nguyên nhân tăng huyết áp
Chia thành 2 nhóm nguyên nhân:
Tăng huyết áp vô căn: không xác định được nguyên nhân, chiếm đến 90%
Tăng huyết áp thứ phát: các nguyên nhân có thể gặp:
- Các bệnh lý về thận: viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, sỏi thận, hẹp động mạch thận
- Các bệnh nội tiết: U tủy thượng thận, Cushing, cường Aldosteron, cường giáp,..
- Các bệnh lý tim mạch: hở van động mạch chủ (gây tăng huyết áp tâm thu đơn độc), hẹp eo động mạch chủ (gây tăng huyết áp chi trên), hẹp xơ vữa động mạch ảnh hưởng đến động mạch thận
- Do thuốc: cam thảo, thuốc tránh thai, một số thuốc cường giao cảm
- Nguyên nhân khác: ngộ độc thai nghén, rối loạn thần kinh
Các yếu tố nguy cơ tăng huyết áp
- Giới nam( Nam > Nữ , nữ sau mãn kinh )
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm ( nữ < 65 tuổi, nam < 55 tuổi )
- Béo phì, thừa cân
- Rối loạn chuyển hóa lipid máu
- Hút thuốc lá
- Chế độ ăn nhiều muối, ăn mặn
- Stress và căng thẳng tâm lý
- Uống nhiều rượu, bia
- Tiểu đường type 2
Triệu chứng của tăng huyết áp
Tăng huyết áp thường khó nhận biết mặc dù triệu chứng bệnh khá đa dạng song sẽ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Triệu chứng bệnh tăng huyết áp cụ thể gồm:
- Cơ thể mệt mỏi.
- Đau đầu liên tục và cảm giác bốc hỏa.
- Suy giảm thị lực như mắt nhìn kém, nhìn mờ, quáng gà,…
- Nôn ói, buồn nôn.
- Đau tức ngực kết hợp với khó thở, thở gấp,…
Phát hiện sớm qua triệu chứng bệnh không những làm giảm biến chứng mà còn giúp kịp thời thay đổi thói quen xấu gây hại cho sức khỏe nói chung và tim mạch nói riêng.
Biến chứng của tăng huyết áp
Tăng huyết áp gây biến chứng tổn thương các cơ quan đích :
- Tim : nhồi máu cơ tim, suy tim, cơn đau thắt ngực ,nhồi máu, cơ tim,…
- Não : nhồi máu não, xuất huyết não,thiếu máu cục bộ thoáng qua,…
- Thận : xơ vữa động mạch thận, xơ hóa thận, suy thận,…
- Mạch máu : xơ vữa động mạch, phình bóc tách động mạch chủ, bệnh lý động mạch ngoại biên,…
- Mắt: phù gai thị, bệnh lý võng mạc,…
Cách chăm sóc người bị bệnh tăng huyết áp
Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp:
Thực hiện chăm sóc cơ bản cho bệnh nhân tăng huyết áp
- Người bệnh luôn được nằm nghỉ ngơi, tránh làm việc bằng trí óc quá căng thẳng, tránh những yếu tố gây nên căng thẳng, lo lắng quá độ. Tuy nhiên, người bệnh nên thực hiện các bài luyện tập nhẹ nhàng như đi bộ thư giãn, bơi lội… tránh thực hiện các bài tập mà cần vận động nhiều như các môn cử tạ, chạy bộ…
- Người thân và bạn bè luôn động viên, trấn an để người bệnh an tâm điều trị bệnh.
- Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn đặc biệt tình trạng tăng huyết áp. Người bệnh cần được theo dõi huyết áp trong khoảng thời gian có thể từ 15 phút đến 2 giờ bằng một lần đo.
- Vào mùa đông người bệnh luôn luôn phải giữ ấm cho cơ thể.
- Người bệnh cần thực hiện ăn uống đầy đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể, sử dụng nhiều loại thực phẩm có hàm lượng chất dinh dưỡng tốt đặc biệt là các loại thực phẩm giàu vi chất. Người bệnh nên hạn chế sử dụng muối và ngưỡng sử dụng muối trong ngày là dưới 5 gam. Người bệnh cũng cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều mỡ, chất béo động vật, các chất kích thích như rượu, bia, chè. thuốc lá.
Thực hiện theo y lệnh của bác sĩ đối với người bệnh tăng huyết áp
- Thực hiện đầy đủ các y lệnh khi sử dụng thuốc điều trị với các loại thuốc uống, thuốc tiêm…Trong quá trình sử dụng thuốc nếu gặp dấu hiệu bất thường thì cần báo ngay cho bác sĩ để có thể xử trí kịp thời.
- Thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán và theo dõi bệnh như công thức máu, ure, creatinin máu, điện tim, protein niệu, soi đáy mắt, siêu âm tim, chụp X quang tim phổi.
Theo dõi người bệnh tăng huyết áp
- Thực hiện theo dõi các dấu hiệu sinh tồn như mạch, nhiệt độ cơ thể, huyết áp, nhịp thời, nếu có các dấu hiệu như đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn, cần đưa người bệnh đến bệnh viện khám, đánh giá biến chứng và xử trí kịp thời, tránh hậu quả nguy hiểm như tai biến mạch não, mù mắt, suy tim…
- Theo dõi kỹ hơn với tình trạng tổn thương mắt, thận và tim mạch.
- Tình trạng sử dụng thuốc và biến chứng gây ra do thuốc có thể xảy ra, vì vậy đặc biệt chú ý theo dõi người bệnh khi thuốc có khả năng hạ huyết áp tư thế đứng hoặc các loại thuốc hạ huyết áp mạnh.
- Theo dõi các biến chứng của tăng huyết áp có thể xảy ra và xử trí kịp thời
Giáo dục sức khỏe cho người bệnh tăng huyết áp
Bệnh nhân và người nhà được cung cấp thông tin về nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp. Từ đó, giáo dục cho các đối tượng này về các phát hiện dấu hiệu của chứng tăng huyết áp, cách phòng tránh, điều trị và theo dõi bệnh nhân tăng huyết áp.
- Dự phòng cấp 1 với những người chưa mắc bệnh tăng huyết áp hay chưa từng bị tăng huyết áp cần lưu ý về các vấn đề sinh hoạt hàng ngày. Trong đó bao gồm các thói quen có hại cho sức khoẻ, và cần được thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện tăng huyết áp hoặc các bệnh liên quan khác. Với những đối tượng ở mức độ dự phòng cấp 1 thì cần chú ý đến các yếu tố nguy cơ mắc bệnh cao cho dù những lần đầu chưa phát hiện tăng huyết áp rõ ràng. Và cần có những trao đổi tuyên truyền để phối hợp dự phòng cùng nhân viên y tế.
- Dự phòng cấp 2 với những trường hợp người bệnh đã bị tăng huyết áp và mức độ chăm sóc cần chặt chẽ hơn trong chế độ ăn, nghỉ ngơi, theo dõi huyết áp đều đặn. Có kế hoạch điều trị ngoại trú và theo dõi tiến triển của bệnh, các tác dụng phụ của thuốc…
Những lưu ý khi chăm sóc người bị tăng huyết áp
Việc đầu tiên khi chăm sóc người bệnh tăng huyết áp cần được thực hiện đó chính là duy trì một số lối sống khoa học lành mạnh. Lối sống lành mạnh có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát cũng như điều trị huyết áp đồng thời giúp trì hoãn và giảm nhu cầu sử dụng thuốc.Ngoài ra còn phải xây dựng chế độ ăn cho người bị tăng huyết áp phù hợp
Chế độ ăn lành mạnh: ít chất béo; ăn nhiều trái cây, rau, củ, quả, hạt và các sản phẩm từ sữa ít béo, ăn cá, thịt gia cầm loại bỏ da… đây là những thực phẩm người cao huyết áp nên ăn.
- Người bệnh cần cắt giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Với những người bệnh khi giảm một lượng nhỏ muối trong chế độ ăn có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm chỉ số huyết áp khoảng từ 5 đến 6 mmHg. Để thực hiện được việc này thì người bệnh cần chú ý đến nhãn ghi trên bao bì của các sản phẩm thực phẩm, hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, hạn chế bổ sung thêm muối vào các món ăn đồng thời cắt giảm dần dần lượng muối.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày vào hầu hết các ngày trong tuần, tăng cường vận động thể lực, chơi thể thao. Việc tập luyện thể dục giúp giảm huyết áp, giảm cân hoặc giữ cho bạn cân nặng phù hợp, và giảm stress
- Giảm Cân và duy trì cân nặng ở mức ổn định. Huyết áp tăng thường xuất hiện kèm với cân nặng tăng. Tình trạng thừa cân béo phì có thể gây gián đoạn hô hấp khi ngủ và theo thời gian có thể khiến tình trạng huyết áp tăng mạnh hơn. Vì thế những trường hợp tăng huyết áp mà bị thừa cân béo phì cần lưu ý đến giảm cân để kiểm soát huyết áp. Và với mỗi kg trọng lượng giảm có thể người bệnh sẽ giảm khoảng 1mmHg chỉ số huyết áp. Thêm vào đó, người bệnh có thể cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng theo chỉ số khối cơ thể và duy trì vòng bụng với năm giới dưới 90cm và nữ giới là dưới 80cm.
- Hạn chế uống rượu bia
- Bỏ thói quen hút thuốc lá. Thuốc lá chính là thủ phạm gây tăng huyết áp đồng thời làm tăng cao nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Ngưng sử dụng thuốc lá sẽ giúp huyết áp trở về trị số bình thường.
- Giảm tình trạng căng thẳng và tập trung nhiều vào việc nghỉ ngơi, thư giãn. Căng thẳng là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp và bệnh có xu hướng đối phó bằng cách ăn nhiều loại thức ăn không lành mạnh. Từ đó làm cho tình trạng huyết áp ngày càng trầm trọng hơn.
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những mối nguy cơ có thể điều chỉnh được
Tăng huyết áp hay cao huyết áp đang dần trở nên phổ biến và nguy hiểm. Chính vì vậy, bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm và chăm sóc đặc biệt để ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe nguy hiểm.