Thế nào là bệnh Parkinson?
Parkinson là gì?
Bệnh Parkinson là một dạng bệnh lý thoái hóa não do suy giảm chất Dopamin (dopamin là chất dẫn truyền thần kinh được các tế bào não tiết ra là chủ yếu, tại một số cơ quan khác cũng có thể tiết ra chất dopamin nhưng với số lượng rất ít như ở tuyến tụy, thận, hệ thống tiêu hóa, hệ thống miễn dịch, trong mạch máu). Hiện nay y học chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh Parkinson nguyên phát.
Thực tế trên lâm sàng có rất nhiều người có biểu hiện giống bệnh Parkinson nhưng đây là hội chứng Parkinson. Với hội chứng Parkinson thì nguyên nhân gây ra có thể do: thoái hóa thần kinh; nhiễm khuẩn (viêm não), nhiễm độc; chấn thương; tổn thương mạch máu do đột quỵ, xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp,….
Bệnh Parkinson thường khởi phát sau độ tuổi 55, nhưng có thể khởi phát sớm ở một số bệnh nhân (từ 20 tuổi) tuy nhiên tỷ lệ khởi phát sớm là rất thấp. Độ tuổi có thể khởi phát nằm trong khoảng 20 tuổi – 80 tuổi. Tỷ lệ thường gặp ở nam nhiều hơn nữ (3 nam/2 nữ).
Nguyên nhân gây bệnh Parkinson
Hiện nay, khoa học chưa có lời giải đáp về nguyên nhân bệnh parkinson. Một số nhân tố được coi là góp phần đẩy nhanh tốc độ lão hóa tế bào sản xuất Dopamine, bao gồm:
- Tuổi tác cao (trên 65 tuổi)
- Yếu tố di truyền (gia đình có người bị chứng Parkinson)
- Ảnh hưởng của môi trường (thuốc trừ sâu, ô nhiễm không khí…)
- Chế độ ăn uống nhiều sữa và các sản phẩm từ sữa
- Chấn thương vùng đầu…
Dấu hiệu nhận biết người bệnh Parkinson
Dấu hiệu mắc bệnh Parkinson
Parkinson hay còn gọi là “bệnh liệt rung” với 3 biểu hiện đặc trưng nhất đó là:
- Run: Đây là triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh. Run khi nghỉ ngơi, run nhẹ và không liên tục. Thường run thấy rõ ở đầu ngón tay, đầu ngón chân, môi, lưỡi, ban đầu thường tập trung ở một bên cơ thể. Khi xúc động run tăng lên, có một vài trường hợp không có biểu hiện run.
- Co cứng cơ: Chân tay cứng đơ, đi lại khó, sờ nắn thấy các cơ cứng và chắc. Đây là một trong những biểu hiện quan trọng nhất giúp chẩn đoán bệnh Parkinson.
- Giảm vận động: “Khuôn mặt Parkinson” là cái tên mà nhiều người thường sử dụng để miêu tả sự mất động tác tự nhiên của nét mặt, chân tay, nhất là khi cử động. Khuôn mặt người bệnh Parkinson thường ít biểu lộ tình cảm, mặt cứng đờ và ít chớp mắt.
Một số biểu hiện khác có thể đi kèm như: trầm cảm lo âu, mất ngủ, rối loạn cảm giác (nóng bức, tăng tiết), đứng ngồi không yên, rối loạn cương dương, hạ huyết áp tư thế, hoang tưởng,… Cần lưu ý, bệnh nhân parkinson vẫn có trí tuệ tốt, có thể gặp sa sút trí tuệ ở giai đoạn nặng không như người bệnh Alzheimer thường suy giảm trí nhớ tiến triển.
Ở giai đoạn đầu, người bệnh Parkinson có thể có các triệu chứng không rõ ràng như: mệt mỏi, đau cơ, vụng về ngay cả trong các hoạt động thường ngày (như mặc quần áo, đi giầy, tra chìa khóa), chữ viết nhỏ dần, táo bón, trầm cảm, yếu một tay hoặc chân khi vận động.
Các giai đoạn của bệnh Parkinson
- Giai đoạn 1: biểu hiện thường tập trung ở một bên của cơ thể, người bệnh vẫn có thể tự chủ động các hoạt động của mình
- Giai đoạn 2: biểu hiện sẽ xuất hiện ở hai bên, người bệnh vẫn có thể giữ được thăng bằng.
- Giai đoạn 3: Giảm phản xạ vận động, khó giữ thăng bằng, triệu chứng xuất hiện ở cả hai bên, người bệnh bắt đầu gặp vấn đề về thăng bằng nhưng có thể tự chủ được tuy hơi bị hạn chế.
- Giai đoạn 4: Hạn chế vận động, chỉ di chuyển được một đoạn ngắn, các chức năng bắt đầu bị suy giảm rõ, người bệnh vẫn có thể đi đứng được, cần sự trợ giúp một phần.
- Giai đoạn 5: Người bệnh không thể tự đi lại được, phải ngồi xe lăn hoặc nằm giường, các hoạt động không tự chủ được và phải nhờ sự trợ giúp của người khác.
Bệnh nhân Parkinson cần lưu ý gì?
Việc chăm sóc bệnh nhân Parkinson đòi hỏi sự kiên nhẫn và hiểu biết. Dưới đây là những điều cần lưu ý:
Chế độ ăn uống và dinh dưỡng
- Chế độ ăn cân bằng: Đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa.
- Tránh thực phẩm khó tiêu: Như thực phẩm nhiều chất béo và chất xơ, để giảm triệu chứng táo bón.
Tập thể dục và hoạt động thể chất
- Tập thể dục đều đặn: Giúp duy trì sự linh hoạt và cải thiện thăng bằng.
- Các bài tập đặc biệt: Như yoga hoặc tai chi, có thể giúp cải thiện khả năng vận động.
Sử dụng thuốc
- Tuân thủ chế độ điều trị: Sử dụng thuốc đúng giờ và đúng liều lượng.
- Theo dõi tác dụng phụ: Báo cáo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào.
Lời khuyên cho người chăm sóc bệnh nhân Parkinson
Bệnh Parkinson là căn bệnh thoái hóa hệ thần kinh thường gặp ở người lớn tuổi. Ngoài việc điều trị bằng thuốc, thực phẩm chức năng thì để để cải thiện tình trạng bệnh, người nhà cần lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân Parkinson chu đáo.
Chế độ ăn uống, dinh dưỡng
Cần xây dựng chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, đủ chất. Bữa ăn của người bệnh Parkinson thường là những món ăn dễ tiêu hóa, có nhiều rau xanh, hoa quả.
Bên cạnh đó, các bữa ăn cần được thay đổi đa dạng, tăng dần lượng chất xơ, uống nhiều nước để cải thiện chức năng tiêu hóa, tránh táo bón, chậm tiêu, khó nuốt. Người bị bệnh Parkinson nên ăn những thực phẩm sau:
- Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như các loại rau có màu xanh, cà chua, đậu đỏ, dâu tây, mận, táo, uống trà,…để gián tiếp làm ổn định lượng dopamine trong não.
- Thực phẩm giàu dopamine như các loại đậu, các loại hạt như hạnh nhân, lạc, óc chó, quả chuối để tăng dopamine trong não.
- Thực phẩm giàu Omega-3 như cá thu, cá trích, cá mòi, cá ngừ,…để chống viêm, cải thiện tình trạng trầm cảm.
- Thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất trong rau xanh, hoa quả để cải thiện chứng bệnh rối loạn không vận động như trầm cảm, huyết áp cao, mất ngủ, căng thẳng,….
Chú ý: Khi lập kế hoạch chăm sóc người bệnh Parkinson với chế độ dinh dưỡng, bạn nên lưu ý người bị Parkinson nên hạn chế ăn thực phẩm giàu protein, đậu tằm, đường, các chất kích thích, chất caffeine.
Chế độ vệ sinh: Người bệnh và người thân luôn phải chú ý vệ sinh sạch sẽ thân thể, răng miệng, thay quần áo sạch sẽ, không để vi khuẩn có hại tấn công cơ thể.
Chế độ luyện tập, vận động
Bệnh nhân mắc bệnh Parkinson có những triệu chứng rối loạn vận động như run, cứng cơ, tăng phản xạ tư thế, động tác chậm chạp, mất thăng bằng,…Vì thế, khi chăm sóc người bệnh Parkinson người nhà cần hỗ trợ người bệnh vận động với chế độ luyện tập phù hợp.
Người bệnh Parkinson tập thể dục vật lý trị liệu, phục hồi chức năng thường xuyên để tác động lên cơ bắp giúp cơ, khớp, xương trở nên mạnh hơn, dẻo dai hơn, cải thiện các chứng bệnh khiến người bệnh gặp khó khăn khi di chuyển, hoạt động.
Vận động ở người bệnh Parkinson sau điều trị mang lại những cải thiện rất tốt. Kế hoạch chăm sóc người bệnh Parkinson với một số động tác tập luyện đơn giản, hiệu quả là:
- Đi bộ theo đường thẳng, đi chậm rãi, đung đưa hai tay giúp cải thiện sự linh hoạt, các khớp chân, bàn chân và giúp người bệnh giữ thăng bằng tốt hơn và tăng lưu thông máu.
- Yoga, thiền định để cải thiện khả năng vận động và giảm bớt tâm trạng căng thẳng, lo âu để người bệnh ngủ sâu hơn.
- Đạp xe đạp cải thiện tốc độ di chuyển và khả năng giữ thăng bằng cho cơ thể.
- Khiêu vũ để cải thiện dáng đứng, sự phối hợp giữa tay chân nhịp nhàng hơn và cơ thể linh hoạt hơn. Người bệnh vừa nghe nhạc vừa khiêu vũ cải thiện được nhận thức, trí nhớ và giảm nguy cơ bị trầm cảm.
Hỗ trợ tinh thần
- Lắng nghe và chia sẻ: Hiểu và đồng cảm với những khó khăn của bệnh nhân.Khuyến khích tham gia hoạt động xã hộ, giúp bệnh nhân duy trì các mối quan hệ và hoạt động yêu thích.
- Quản lý các triệu chứng: Theo dõi triệu chứng hàng ngày, ghi chép và báo cáo cho bác sĩ để điều chỉnh phương pháp điều trị kịp thời.Tạo môi trường an toàn, đảm bảo nhà cửa gọn gàng, không có vật cản trở để tránh nguy cơ ngã.
Kết luận
Chăm sóc bệnh nhân Parkinson không chỉ đơn thuần là hỗ trợ về mặt y tế mà còn cần sự quan tâm và yêu thương từ gia đình và cộng đồng. Hiểu rõ về bệnh, các triệu chứng và phương pháp điều trị sẽ giúp bạn hỗ trợ bệnh nhân một cách tốt nhất. Hãy nhớ rằng, việc chăm sóc bệnh nhân không chỉ giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn mang lại niềm vui và ý nghĩa cho chính bạn.