Hội chứng quá tải là một trạng thái tâm lý tiêu cực lâu dài. Người mắc phải hội chứng này có cảm giác kiệt sức về mặt tâm lý và cảm thấy mình bị quá sức trong mọi việc làm. Đây là một dạng stress kéo dài nhưng nó xảy ra ở môi trường công sở và khiến bạn kiệt sức, năng sức lao động giảm rõ rệt. Cùng tìm hiểu các yếu tố tăng nguy cơ mắc hội chứng quá tải do stress ở bài viết dưới đây.
Hội chứng quá tải do stress là gì?
Hội chứng quá tải là một trạng thái tâm lý tiêu cực lâu dài, mà thường được hình thành trong bối cảnh công việc (Schaufeli & Enzmann, 1998). Người mắc phải hội chứng này có cảm giác mất đi sự thích thú với công việc, mặc dù trước đây công việc đó đã đem lại niềm vui cho họ. Bây giờ công việc đó khiến họ nản chí.
Hội chứng quá tải có ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của họ về công việc và qua đó làm thay đổi năng lực và nghị lực làm việc. Ngoài ra còn tác động đến các khía cạnh khác của cuộc sống ngoài công việc như đến các mối quan hệ, gia đình, cũng như đến sự hài lòng về cuộc sống.
Nguyên nhân và triệu chứng Hội chứng quá tải do stress
Nguyên nhân dẫn đến Hội chứng quá tải là do tình trạng Stress kéo dài mà không vượt qua được, ví dụ là điều kiện làm việc mà chúng ta không thay đổi được. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố rằng, stress là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất của sức khỏe của thế kỷ 21.
Triệu chứng của Hội chứng quá tải bao gồm cả triệu chứng tâm lý và triệu chứng tâm thể.
- Các triệu chứng tâm lý gần giống những triệu chứng của rối loạn trầm cảm, nhưng mức độ không nặng bằng trầm cảm. Vì thế hội chứng quá tải còn được gọi là giai đoạn nguy cơ mà có thể dẫn đến trầm cảm. Người mắc Hội chứng quá tải thường cảm thấy vô vọng, trống rỗng, cảm thấy mình thấp kém, cảm thấy bị cô lập, có tính khí bất thường, bi quan, hay nổi giận, không kiên nhẫn, nhạy cảm hơn và hay bồn chồn.
- Hội chứng quá tải với những triệu chứng tâm thể như: đau đầu, rối loạn giấc ngủ, cảm giác ngột ngạt ở phần ngực, sự căng cơ hoặc triệu chứng thể lý như tăng nhịp tim, tăng huyết áp và đổ mồ hôi nhiều hơn.
Các yếu tố tăng nguy cơ mắc Hội chứng quá tải do stress
- Sự chồng chất trách nhiệm, công việc hay những sự đòi hỏi, mà người bị ảnh hưởng cảm thấy những điều đó là stress. Một tình huống cụ thể có thể là người lao động, họ có nhiều công việc mà cần nhiều thời gian và công sức để hoàn thành, mà họ chỉ được cho một khoảng thời gian ngắn.
- Không khí làm việc cũng có ảnh hưởng – nếu ở nơi làm việc người làm việc tốt ít được khen thưởng, ít khi nhận được sự phản hồi về cách hoặc kết quả làm việc, không có sự giao tiếp rành mạch và rõ ràng hay sự lạnh lùng giữa đồng nghiệp với nhau.
- Không có sự tách biệt rõ ràng giữa công việc và đời sống riêng tư.
- Các yếu tố nguy cơ của bản thân người đó là do khuynh hướng dễ bị tác động bởi stress do cấu trúc sinh học/gen của họ. Bên cạnh đó các yếu tố cá nhân khác là người đó quá cầu toàn, có sự đòi hỏi quá cao đối với bản thân. Nếu người đó không có cách đối phó tốt với Stress cũng có thể dẫn đến Hội chứng quá tải.
Đối với các rối loạn gây ra bởi Stress thì mô hình giải thích nguyên nhân hình thành là mô hình sự tổn thương và Stress. Hoặc còn được gọi là mô hình yếu tố di truyền và môi trường. Đây là mô hình sử dụng đa yếu tố để giải thích sự hình thành của các rối loạn tâm lý.
Chẩn đoán
Hội chứng quá tải thường bắt đầu với cảm giác kiệt sức và sự mệt mỏi thường xuyên. Đặc biệt, họ không thấy bất kỳ hy vọng nào về một sự thay đổi tích cực hơn. Chẩn đoán hội chứng quá tải do stress dựa vào các khía cạnh và dấu hiệu đặc trưng sau:
Về thể chất
- Thường xuyên đau cơ, nhức đầu
- Cảm thấy không có năng lượng, mệt mỏi, kiệt sức trong thời gian làm việc
- Thay đổi thói quen ăn uống (ăn quá nhiều hoặc chán ăn)
- Giảm chất lượng giấc ngủ
- Hay ốm vặt vì sức đề kháng yếu
Về cảm xúc
- Luôn cảm thấy thất bại, nghi ngờ khả năng của bản thân
- Cảm giác cô đơn
- Cảm giác như không ai hiểu mình, hoặc mọi người đều chống lại mình
- Mất động lực làm việc
Về hành vi
- Thường trì hoãn hoặc mất nhiều thời gian hơn bình thường để hoàn thành công việc
- Hãy trút giận lên người khác
- Ngại giao tiếp
- Đối phó với áp lực bằng đồ ăn nhanh hay chất kích thích
- Có thể nói rằng những cảm xúc và hành vi liên quan đến sự kiệt sức là rất tiêu cực. Bạn vừa bị ảnh hưởng trong cuộc sống cá nhân, vừa có thể bị đánh giá về thái độ làm việc.
Hội chứng quá tải không những chỉ tăng nguy cơ hình thành rối loạn trầm cảm mà còn tăng nguy cơ cho một số rối loạn tâm lý và căn bệnh khác. Đó thường là rối loạn lo âu hay sự nghiện thuốc hoặc rượu bia; các căn bệnh có thể là rối loạn trao đổi chất, bệnh béo phì, sự đau nhức mạn tính hoặc các bệnh viêm nhiễm.
Điều trị hội chứng quá tải do stress
-
Thay đổi sự nhìn nhận về công việc
Một công việc khiến bạn phải vội vàng, hoặc cảm thấy đơn điệu, không có sự hài lòng sẽ khiến bạn kiệt sức. Tốt nhất bạn nên từ bỏ công việc đó và tìm một công việc mà bạn yêu thích để thay thế nếu có thể.
-
Thật sự tận hưởng công việc
Dù bạn đang làm bất kỳ công việc nào cũng cần tìm ra giá trị của nó, nguồn cảm hứng để bạn có thể duy trì nó. Nếu không thể thay đổi công việc, bạn hãy thử cách tập trung vào một khía cạnh nào đó của công việc hiện tại mà bạn quan tâm. Điều này sẽ sớm giúp bạn lấy lại năng lượng và động lực để đi làm mỗi ngày.
-
Cân bằng công việc và cuộc sống
Nếu bạn chán ghét công việc, hãy thử tìm kiếm điều ý nghĩa ở khía cạnh khác của cuộc sống. Chẳng hạn như về thăm gia đình, gặp gỡ bạn bè, dành thời gian cho sở thích cá nhân hoặc các công việc tình nguyện. Bất cứ thứ gì mang đến niềm vui cho bạn.
-
Kết bạn tại nơi làm việc
Có nhiều mối quan hệ tại nơi làm việc có thể giảm bớt sự đơn điệu và chống lại tác động của tình trạng kiệt sức. Có người để trò chuyện, tán gẫu cũng là cách hiệu quả để giảm căng thẳng. Điều này sẽ cải thiện hiệu suất công việc của bạn, hoặc chỉ đơn giản giúp bạn vượt qua mỗi ngày một cách bớt nhàm chán hơn.
-
Dành thời gian để nghỉ ngơi
Nếu kiệt sức dường như không thể tránh khỏi, hãy cố gắng dành thời gian nghỉ ngơi một cách đúng nghĩa, Đi du lịch, nghỉ dưỡng, xin phép nghỉ phép tạm thời….và sử dụng thời gian đó để tận hưởng bản thân và nạp năng lượng.
Hoặc tham gia các khóa học Yoga, tập thiền và hít thở sâu mỗi ngày để kích hoạt phản ứng thư giãn của cơ thể.
-
Sắp xếp thứ tự ưu tiên
Dành thời gian để suy nghĩ về hy vọng, mục tiêu và ước mơ của bản thân và sắp xếp nó theo thứ tự ưu tiên. Đôi lúc bạn không thể ôm đồm quá nhiều cùng lúc, hãy chậm lại và xác định điều gì thực sự quan trọng với bạn.
- Đặt ra giới hạn riêng
Hãy tập từ chối với những yêu cầu làm mất thời gian của bạn. Chỉ có cách này với giúp bạn thoát khỏi những yêu cầu vô lý từ đồng nghiệp và cấp trên. Điều đó không nghĩa là không công hiến, không hết mình với công việc, mà là chỉ nên làm những gì bạn biết và giỏi.
-
Luôn nuôi dưỡng sự sáng tạo trong bạn
Sáng tạo là một liều thuốc giải độc mạnh mẽ cho sự kiệt sức. Hãy thử bắt đầu một ý tưởng gì đó mới mẻ, thú vị hoặc một sở thích yêu thích nhưng chưa có thời gian thực hiện hay bất cứ thứ gì không liên quan đến công việc.
-
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục là một liều thuốc tốt để giảm căng thẳng và kiệt sức. Nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Đây một cách cực kỳ hiệu quả để cải thiện tâm trạng của bạn. Đồng thời giúp tăng cường năng lượng, tăng khả năng tập trung và thư giãn cả tinh thần lẫn thể chất.
-
Tạo thói quen ăn uống lành mạnh
Hạn chế các chất có ảnh hưởng xấu đến tâm trạng như caffeine, chất béo chuyển hóa và các loại thực phẩm có thành phần chất bảo quản hóa học.
Tránh hút thuốc, khi bạn hút thuốc bạn cảm thấy bình tĩnh, nhưng trong thuốc lá có nicotin. Đây là một chất kích thích mạnh làm bạn trở nên lo âu nhiều hơn.
Nếu triệu chứng của sự căng thẳng kéo dài và có những dấu hiệu của triệu chứng trầm cảm thì chúng ta nên tìm sự giúp đỡ từ tư vấn tâm lý hay trị liệu tâm lý (ngoại trú). Nếu các triệu chứng rất nặng và kéo dài thì chúng ta cũng có thể vào viện điều trị nội trú tại Khoa Tâm thần & Tâm lý. Sự điều trị bằng thuốc ở đây cũng có tác dụng cho triệu chứng rất nặng, ví dụ bằng thuốc chống trầm cảm hay thuốc ngủ.
Trọng tâm của việc đối phó với các yếu tố nguy cơ dẫn đến Hội chứng quá tải là ở các biện pháp phòng ngừa. Chúng ta cần phải tìm được sự cân bằng giữa đời sống cá nhân và công việc. Hơn nữa sự hiểu biết và nhận ra kịp thời về những triệu chứng đầu tiên của Hội chứng quá tải do stress giúp phòng ngừa Hội chứng quá tải một cách hiệu quả.