Ước tính, mỗi năm tình trạng chấn thương sọ não ảnh hưởng đến khoảng 69 triệu người trên thế giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Chấn thương sọ não có nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau và thời gian phục hồi cũng khác nhau. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh này.
Chấn thương sọ não là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu
Những điều cần biết về chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não là gì?
Chấn thương sọ não được định nghĩa là một tác động lên đầu hoặc chấn thương xuyên qua sọ gây phá vỡ chức năng bình thường của não bộ. Chấn thương sọ não có thể xảy ra khi đầu bị va chạm đột ngột và mạnh vào một vật, hoặc khi một vật đâm xuyên qua hộp sọ và đi vào mô não.
Nguyên nhân gây bệnh chấn thương sọ não
Các nguyên nhân thường gặp nhất của chấn thương sọ não là tai nạn giao thông (chiếm khoảng 70%), tai nạn đi bộ với các phương tiện khác, chấn thương do bị thương, do bị đâm và bị ngã do tai nạn trong sinh hoạt/thể thao…
Đối tượng nguy cơ dễ bị chấn thương sọ não
Theo chuyên gia, những người có nguy cơ bị chấn thương sọ não cao nhất hiện nay bao gồm:
- Trẻ em, đặc biệt trẻ sơ sinh tới 4 tuổi.
- Thanh niên trong độ tuổi từ 15 tới 24 tuổi.
- Người lớn có độ tuổi từ 60 trở lên.
- Nam giới ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Bệnh nhân chấn thương sọ não được điều trị ra sao?
Các phương pháp điều trị chấn thương sọ não phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng.
- Chấn thương sọ não nhẹ: Có thể chỉ cần nghỉ ngơi cho đến khi bệnh nhân phục hồi. Quá trình nghỉ ngơi này cần được đảm bảo về mặt tinh thần cũng như thể chất bằng cách tránh các hoạt động đòi hỏi sự suy nghĩ và tập trung. Bệnh nhân cần tạm dừng xem TV, chơi trò chơi điện tử, đọc sách và sử dụng máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh. Trong một số trường hợp, cần phải rút ngắn ngày học hoặc ngày làm việc hoặc nghỉ hoàn toàn.
- Chấn thương sọ não nghiêm trọng: Điều trị có thể bao gồm nhiều biện pháp kết hợp (điều trị nội khoa bằng thuốc, hồi sức tích cực, phục hồi chức năng), bệnh nhân có khả năng phải phẫu thuật để loại bỏ khối máu tụ, cầm máu, giảm áp lực lên não hoặc mổ rạn, vỡ xương sọ. Lưu ý rằng không phải tất cả các trường hợp chấn thương sọ não nặng đều phải mổ. Các phương pháp điều trị đều cần phải có sự tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa thần kinh.
Phân loại chấn thương sọ não và dấu hiệu
Phân loại chấn thương sọ não
Phân loại theo mức độ nghiêm trọng
Mức độ nghiêm trọng của tình trạng chấn thương sọ não được xác định bởi một số yếu tố khác nhau, chẳng hạn như người bệnh có mất ý thức hay trí nhớ hay không, các triệu chứng thần kinh xảy ra tại thời điểm chấn thương, các bất thường được phát hiện trên kết quả chụp CT đầu hoặc MRI não…
- Chấn thương sọ não nhẹ: Khá phổ biến. Theo một số thống kê cho thấy, cứ 4 ca chấn thương sọ não thì có 3 ca là trường hợp nhẹ. Người bị chấn thương nhẹ có thể bị choáng váng, mất ý thức trong khoảng 30 phút hoặc có triệu chứng lú lẫn trong khoảng 1 ngày.
- Chấn thương sọ não trung bình: Có thể dẫn đến tình trạng mất ý thức trong hơn 30 phút nhưng thường không quá một ngày. Tuy nhiên, người bệnh có thể suy giảm nhận thức, lú lẫn kéo dài đến một tuần.
- Chấn thương sọ não nghiêm trọng: Có thể bất tỉnh hơn một ngày, để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu không can thiệp điều trị kịp thời, chấn thương sọ não nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.
Phân loại theo đặc điểm bệnh lý
Ngoài cách phân loại chấn thương sọ não theo mức độ nghiêm trọng, một cách phân loại khác chính là dựa theo đặc điểm bệnh lý. Theo đó, có thể chia thành các loại chấn thương sọ não:
- Chấn thương sọ não không biến chứng: Kết quả chụp CT/MRI sọ não và đầu bình thường, dù cho người bệnh bị chấn thương sọ não nhẹ, trung bình hay nặng.
- Chấn thương sọ não phức tạp: Kết quả chụp CT đầu hoặc MRI não cho thấy những thay đổi ở khu vực não, chẳng hạn như chảy máu.
- Chấn thương sọ não kín: Hầu hết các trường hợp chấn thương sọ não đều là chấn thương kín, nghĩa là một lực bên ngoài tác động lên hộp sọ nhưng không xuyên qua sọ não.
- Chấn thương sọ não hở: Trường hợp chấn thương sọ não mở là khi một viên đạn, dao, mảnh vỡ hoặc một vật thể nào đó xuyên qua hộp sọ. Nếu dị vật đi vào não, nó sẽ trực tiếp làm tổn thương mô não.
- Chấn thương sọ não do thiếu oxy não: Tình trạng chấn thương sọ não này thường không phải do chấn thương mà hậu quả của đột quỵ, co giật, chết đuối ngạt thở,… làm mất oxy của não.
Dấu hiệu nào giúp nhận biết chấn thương sọ não?
Các dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhân chấn thương sọ não rất đa dạng, các dấu hiệu phổ biến có thể bao gồm một hoặc nhiều rối loạn sau:
- Hôn mê, lú lẫn hoặc mất định hướng, mất ý thức, quên sau chấn thương, các thay đổi về thần kinh khác như: các dấu hiệu thần kinh khu trú, co giật và/hoặc tổn thương nội sọ.
- Giãn/mất phản xạ ánh sáng 1 hoặc 2 bên đồng tử.
- Liệt nửa người hoặc yếu tay/chân tăng dần.
- Nhức đầu, buồn nôn/nôn mửa, ù tai, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng
- Trong một số trường hợp nghiêm trọng, chấn thương sọ não cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống điện của não, gây co giật, động kinh
- Khó chịu, trầm cảm, lo lắng, dễ kích thích, suy giảm nhận thức
- Rối loạn về chú ý, tìm từ và trí nhớ
- Buồn ngủ, ngủ quá nhiều, mất ngủ, rối loạn giấc ngủ…
- Rối loạn về nội tiết.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa biết nói khi bị chấn thương não thường khó phát hiện do trẻ không thể tự nói về tình trạng của mình. Người lớn cũng không thể giao tiếp với trẻ để biết con có gặp tình trạng nói lắp hay các khó chịu trong cơ thể hay không. Tuy nhiên, với một đứa trẻ bị chấn thương sọ não, bạn có thể quan sát thấy một số biểu hiện bất thường như:
- Thay đổi thói quen ăn uống, chán ăn, ăn ít, bỏ ăn.
- Dễ cáu kỉnh, quấy khóc, khóc dai dẳng không dỗ được.
- Ngủ li bì.
- Co giật.
- Mất hứng thú với đồ chơi hoặc các hoạt động yêu thích khác.
Cần nhận biết sớm những dấu hiệu chấn thương sọ não ở trẻ
Cách xử trí người mắc chấn thương sọ não
Xử lý ban đầu cho bệnh nhân bị chấn thương sọ não có ý nghĩa rất quan trọng, giúp bệnh nhân có cơ hội thoát khỏi cái chết và giảm được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cho bệnh nhân. Những việc cần làm khi thấy nạn nhân bị chấn thương sọ não là:
- Nhanh chóng đưa bệnh nhân ra khỏi nơi nguy hiểm, chú ý giữ cột sống cổ và lưng không bị gập lại lúc di chuyển. Bất động bệnh nhân trên cáng cứng, nằm ngửa, đầu nghiêng sang một bên. Lưu ý, không vận chuyển bệnh nhân khi đang trong tình trạng suy thở, chảy máu, tụt huyết áp… Nếu tình trạng bệnh nhân nặng cần vận chuyển, bệnh nhân phải được hồi sức tại một cơ sở y tế gần nhất, sau đó gọi cấp cứu hỗ trợ và vừa hồi sức vừa vận chuyển.
- Khơi thông đường thở: móc đất cát, lau sạch đờm dãi trong miệng người bệnh; có thể khâu hoặc dùng kim băng cố định lưỡi khi ở bệnh nhân có nguy cơ tụt lưỡi hoặc có thể mở khí quản cấp cứu khi có chỉ định.
- Cần cầm máu các vết thương đang chảy máu, băng bó các vết thương, cố định xương gãy…, tránh mất máu và nhiễm trùng xảy ra.
- Kiểm tra xem bệnh nhân có suy thở hay không? Nếu không còn thở cần phải được hô hấp hỗ trợ: bóng bóp qua mặt nạ, đặt ống nội khí quản, bóp bóng qua nội khí quản (nếu có thể).
- Kiểm tra xem bệnh nhân có tụt huyết áp hay không? Cần có một đường truyền để bù dịch và dùng thuốc khi cần thiết.
Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về chấn thương sọ não, biết cách nhận biết sớm dấu hiệu chấn thương sọ não và xử trí kịp thời.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.