Tiêu chảy cấp do virus Rota là một trong những bệnh cấp tính phổ biến, đặc biệt ở trẻ nhỏ, gây ra bởi virus Rota. Ở các nước nhiệt đới, như Việt Nam, bệnh xảy ra rải rác quanh năm với các triệu chứng: nôn ói, tiêu chảy, đau bụng và mất nước. Biến chứng nguy hiểm và trầm trọng của bệnh là khô kiệt do mất nước và mất muối, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Vì vậy, cha mẹ cần hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và con đường lây nhiễm bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota để có biện pháp phòng ngừa thích hợp cho trẻ.
Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota
Tác nhân gây bệnh: Rotavirus. Virus Rota được chia thành thành 7 nhóm A, B, C, D, E, F và G, trong đó chỉ có nhóm A, B, C gây bệnh cho người.
- Nhóm A là nhóm hay gặp nhất, gây ra hầu hết các đợt dịch tiêu chảy nặng ở trẻ em, nhóm B và C thường gây các dịch lẻ tẻ, hay gặp ở trẻ lớn và người trưởng thành.
- Trên thế giới, ghi nhận chủ yếu là 4 chủng G1P8, G3P8, G4P8, G2P4; ở Việt Nam, chủng G1P8 chiếm đa số.
Khả năng tồn tại trong môi trường: Virus Rota sống bền vững trong môi trường, có thể sống nhiều giờ trên bàn tay và nhiều ngày trên các bề mặt rắn. Loại virus này vẫn ổn định và có khả năng gây bệnh khi sống trong phân một tuần. virus bị bất hoạt nhanh chóng khi bị xử lý bằng EDTA (ethylendiamintetracetic acid), ở nhiệt độ cao trên 450C. Chúng bị bất hoạt ở pH < 3 hoặc pH > 10, nhưng có sức đề kháng tốt đối với Clo và Ete.
Nguồn truyền nhiễm:
- Ổ chứa: người là ổ chứa virus Rota duy nhất. Các loại virus Rota ở động vật như chó, mèo, ngựa… không gây bệnh ở người.
- Yếu tố truyền bệnh: phân của người bệnh hoặc người lành mang virus Rota.
Các yếu tố nguy cơ:
- Trẻ bú bình không đảm bảo vệ sinh, nguy cơ tiêu chảy cao gấp nhiều lần so với trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc không bú bình.
- Ăn bổ sung không đúng cách: cho trẻ ăn thức ăn nấu để lâu ở nhiệt độ phòng, thức ăn bị ô nhiễm trước và sau khi chế biến.
- Nước uống không sạch (không đun sôi hoặc để lâu), hoặc nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
- Dụng cụ, tay người chế biến thức ăn bị nhiễm bệnh.
- Xử lý chất thải đã nhiễm bệnh không đúng cách.
- Không có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn.
Bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota lây qua đường nào?
Virus Rota lây truyền chủ yếu qua đường phân – miệng, ngoài ra có thể lây theo đường hô hấp. Trẻ em có thể nhiễm cả trước và sau khi bị ốm kèm theo tiêu chảy.
Virus Rota có thể sống trên các bề mặt tiếp xúc như đồ chơi, mặt bàn ghế, tay vịn, trong nước hoặc trên da. Trẻ dễ bị nhiễm virus Rota khi tiếp xúc với nguồn phân của những người đang bị nhiễm, qua bàn tay khi trẻ cầm nắm đồ chơi hoặc chạm tay vào các bề mặt có virus rồi đưa tay lên miệng.
Sau khi nhiễm bệnh khoảng 1- 2 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng:
- Nôn ói và tiêu chảy: Nôn xuất hiện trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2-3 ngày. Trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy.
- Phân lỏng toàn nước: có lúc màu xanh dưa cải, có thể có đờm, nhớt nhưng không có máu, đây là đặc điểm quan trọng để chẩn đoán phân biệt với ỉa chảy do vi khuẩn. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần, kéo dài từ 3-9 ngày.
- Sốt vừa phải.
- Đau bụng.
- Có thể ho và chảy nước mũi.
Phòng ngừa tiêu chảy cấp do virus Rota như thế nào?
- Phòng bệnh chủ động: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, nên uống dự phòng vắc xin Rota cho trẻ từ 2 tháng tuổi, hoặc trước 6 tháng tuổi để đảm bảo phát huy tốt khả năng phòng ngừa bệnh tiêu chảy Rota cho trẻ.
- Vệ sinh phòng dịch:
- Sát khuẩn, tẩy uế chất thải và đồ dùng có liên quan đến người bệnh.
- Quản lý phân, xử lý phân thật tốt (dùng hố xí tự hoại, hố xí hai ngăn), không dùng phân tươi bón cây cối, hoa quả.
- Điều chỉnh thói quen sinh hoạt hằng ngày, tuyên truyền, giáo dục sức khỏe:
- Ăn chín uống sôi là tiêu chí hàng đầu để phòng bệnh tiêu chảy Rota.
- Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn kém vệ sinh.
- Thường xuyên bổ sung các loại vitamin, khoáng chất hoặc các loại men vi sinh để tăng đề kháng cho hệ tiêu hóa.
- Nên tiệt trùng bình sữa, dụng cụ ăn uống của trẻ bằng nước sôi hoặc máy tiệt trùng chuyên dụng trước khi ăn uống.
- Vệ sinh khu vực sinh hoạt, đồ chơi của trẻ thường xuyên để tránh virus Rota có thể bám trên bề mặt.
- Rửa tay bằng xà phòng sau khi đi ngoài, thay tã lót cho trẻ, trước khi làm thức ăn, cho trẻ ăn, chăm sóc trẻ.
Cần đến cơ sở y tế khám và điều trị nếu có những triệu chứng sau, đặc biệt ở trẻ nhỏ:
- Nôn liên tục không bù được nước điện giải bằng đường uống.
- Có bệnh lý nền; li bì, lừ đừ, mệt mỏi nhiều.
- Sốt cao hoặc bị co giật.
- Đi ngoài phân lỏng nước nhiều lần, liên tục hoặc các bất thường khác.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.