Tình trạng nghẹt mũi xảy ra ở mọi lứa tuổi và nếu không được chữa trị kịp sẽ dễ dẫn đến bệnh viêm xoang cấp tính. Vì thế, thông qua bài viết này Pharmacity sẽ bật mí các cách hết nghẹt mũi hiệu quả mà bạn có thể áp dụng ngay tại nhà.
Các nguyên nhân gây ra tình trạng nghẹt mũi
Nghẹt mũi là triệu chứng mà nhiều người thường xuyên mắc phải, thậm chí là kéo dài và khó trị hết. Như vậy, trước khi tìm hiểu về các cách để hết nghẹt mũi thì chúng ta nên biết rõ hơn về những nguyên nhân gây ra tình trạng này:
- Cảm lạnh: Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến nghẹt mũi, thường xuất hiện ở người có cơ địa nhạy cảm với thời tiết hoặc sức đề kháng đang bị suy yếu. Bên cạnh đó còn kèm theo một số biểu hiện khác như đau họng, hắt hơi nhiều, ho nhẹ hoặc nóng sốt.
- Dị ứng/thay đổi môi trường sống: Một số người bẩm sinh bị dị ứng với các thực phẩm hoặc sinh vật như là phấn hoa, lông thú cưng, phô mai, sữa,… Những người này khi tiếp xúc với các vật trên sẽ dễ sinh ra một vài tình trạng như hắt hơi, đau họng, nổi mề đay,… và cả nghẹt mũi. Ngoài ra, khi đột ngột thay đổi môi trường sống, cơ thể cũng phải làm quen và thích nghi lại từ đầu, điều này có thể gây ra tình trạng nghẹt mũi, hắt hơi, đau đầu,…
- Chất lượng không khí: Khi khu vực sống có quá nhiều bụi bẩn, ô nhiễm không khí ở mức độ cao, có thể là lý do khách quan khiến mũi bị nghẹt liên tục và thường xuyên.
- Bệnh viêm nhiễm đường hô hấp: Bao gồm các bệnh như viêm mũi dị ứng, viêm thanh quản, viêm họng, viêm amidan và viêm xoang,… Các bệnh này đều có triệu chứng là nghẹt mũi, mức độ nghiêm trọng sẽ khác nhau ở mỗi cá nhân và loại bệnh. Theo đó, viêm xoang thường xuất hiện phổ biến nhất ở người trưởng thành, ngoài nghẹt mũi thì người bệnh viêm xoang còn ảnh hưởng đến khứu giác và đau ở vùng hàm mặt.
- Thay đổi nội tiết tố khi đang mang thai: Khi phụ nữ mang thai, rất dễ xuất hiện tình trạng nghẹt mũi, hắt hơi, ngứa họng,… mà khó trị dứt điểm và chỉ có thể điều chỉnh mức độ nhẹ đi bằng một số phương pháp tự nhiên.
Các cách hết nghẹt mũi nhanh chóng ngay tại nhà
Có rất nhiều cách làm hết nghẹt mũi mà ta có thể ứng dụng ngay tại nhà. Sau đây, Pharmacity sẽ giới thiệu đến bạn đọc một số cách phổ biến, đơn giản và dễ dàng thực hiện.
Trị nghẹt mũi bằng liệu pháp massage
Vậy, làm cách nào để hết nghẹt mũi hiệu quả? Pharmacity sẽ mở đầu câu trả lời với liệu pháp massage trị nghẹt mũi. Thoạt đầu nghe đến tên phương pháp này sẽ cảm thấy khá mới lạ và độc đáo. Tuy nhiên, đây cũng là cách mà ông bà, cha mẹ chúng ta thường dùng khi cảm thấy khó chịu ở vùng nào đó trên khuôn mặt.
Đối với tình trạng nghẹt mũi, cách hết nghẹt mũi khi nằm đó là massage tại các vị trí quan trọng như:
- Điểm giữa hai cung lông mày: Massage nhẹ nhàng trong vòng 1 phút sẽ giúp giảm áp lực trong xoang trán, ngừa tình trạng khô niêm mạc mũi và giảm nghẹt mũi một cách hiệu quả.
- Massage hai bên xoang mũi: Động tác nên làm là xoa nhẹ nhàng ở hai bên sườn mũi từ 1 đến 2 phút. Việc này giúp khai thông và giảm sự khó chịu bên trong xoang mũi.
- Điểm giữa môi và mũi: Ấn và nhấn nhẹ nhàng tại điểm giữa môi trên và chóp mũi trong khoảng 2 đến 3 phút sẽ giúp giảm sưng các mao mạch trong mũi, từ đó giảm tình trạng nghẹt mũi nhanh chóng.
Trị nghẹt mũi với nước muối sinh lý
Đây cũng là cách hết nghẹt mũi 1 bên hiệu quả, được thực hiện bằng việc sử dụng nước muối sinh lý được mua từ các tiệm thuốc tây hoặc bác sĩ cấp cho, nhỏ từ 2-3 giọt vào bên mũi bị nghẹt, giúp cấp ẩm cho xoang mũi, làm loãng dịch nhầy và giảm tình trạng nghẹt mũi hiệu quả. Nếu như bạn bị nghẹt ở cả hai bên cánh mũi thì cách sử dụng là tương tự như trên ở cả 2 phía.
Trị nghẹt mũi bằng cách xông hơi
Liệu pháp xông hơi là cách hết nghẹt mũi truyền thống mà ông bà ta hay dùng. Bạn có thể áp dụng cách này với các bước sau:
- Bước 1: Nấu một nồi nước, đợi đến khi sôi thì tắt bếp, cho nước sôi ra thau để tránh chạm vào thành nồi gây bỏng tay. Bạn có thể thêm tinh dầu sả hoặc cho thêm dầu xanh vào để tăng hiệu quả xông.
- Bước 2: Tiếp đến, dùng khăn to trùm kín đầu sao cho hơi nước bốc lên vào mặt và mũi, khoảng cách vừa đủ không quá gần. Cố gắng giữ trong 10 – 15 phút để có hiệu quả giảm nghẹt mũi tốt nhất. Đặc biệt, có thể làm liên tục 2 – 3 lần/tuần cho đến khi hết hoàn toàn.
: Cách điều trị viêm xoang hiệu quả
Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí
Đây là cách làm hết nghẹt mũi tuy đơn giản nhưng có lợi ích khá quan trọng. Bởi vì nó không chỉ cải thiện tình trạng nghẹt mũi mà còn điều chỉnh lại độ ẩm không khí trong môi trường sống của chính bạn, giúp đem lại các lợi ích hô hấp như:
- Làm dịu các mạch máu bị sưng và các mô bị kích thích trong xoang mũi.
- Từ đó, làm loãng chất nhầy, hỗ trợ làm giảm tình trạng nghẹt mũi hiệu quả.
Chườm ấm
Một trong những cách hết bị nghẹt mũi chính là dùng phương pháp chườm ấm, đó là dùng hơi nóng để xoa dịu cơn đau. Khác ở chỗ là chúng ta sử dụng miếng vải có ngấm nước ấm để chườm lên vị trí mũi.
Phương pháp này có thể áp dụng với những bạn nào không quen xông mặt hoặc không chịu nổi sức nóng của việc xông hơi. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng cách này thường xuyên, hằng ngày cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.
Uống trà gừng
Việc uống trà gừng là một cách hết nghẹt mũi hiệu quả, nhanh chóng và rất tốt cho sức khỏe. Để pha chế một ly trà gừng mật ong đúng chuẩn thì bạn hãy thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Rửa sạch, cạo vỏ và thái lát gừng tươi. Sau đó cho vào một cốc nước nóng.
- Bước 2: Đợi từ 10 – 15 phút để tinh chất gừng hòa vào nước nóng, nước trong ly sẽ dần chuyển sang màu vàng nhạt.
- Bước 3: Bạn có thể thêm 2 thìa cà phê mật ong nếu có. Còn không thì bạn có thể cho 1 ít đường để giúp ly trà gừng dễ uống hơn.
Uống nhiều nước
Khi duy trì đủ lượng nước cần thiết bên trong cơ thể, sẽ giúp làm loãng chất nhầy bên trong mũi. Từ đó có thể dễ dàng lấy chúng ra và giảm tình trạng nghẹt mũi gây khó chịu. Bên cạnh đó, ở một số nghiên cứu, các nhà khoa học đã nhận thấy rằng những người thường xuyên uống nước ấm và hạn chế uống đồ lạnh sẽ có rất ít các triệu chứng cảm lạnh như sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi,…
Sử dụng thuốc thông mũi dạng xịt
Đối với những bạn nào thường xuyên bị đặc nghẹt 1 bên mũi thì đây cũng là cách hết nghẹt mũi mà bạn có thể áp dụng. Thuốc loại này thường được chia thành 2 dạng chính đó là Oxymetazoline (Afrin) và Phenylephrine (Sinex). Tuy nhiên, khi sử dụng loại thuốc thông mũi này thì bạn cần tham khảo ý kiến của các y dược sĩ ở ngoài tiệm thuốc và tránh lạm dụng quá mức gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Uống thuốc kháng histamine
Nếu nguyên nhân gây nghẹt mũi là do dị ứng thông thường thì bước đầu tiên, bạn có thể sử dụng thuốc kháng histamine để kiểm soát dị ứng. Và nên nhớ rằng không được tự ý sử dụng mà chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Những điều không nên làm khi bị nghẹt mũi
Khi đang bị nghẹt mũi, bạn không nên chủ quan mà mặc kệ, điều đó sẽ khiến cho triệu chứng thêm trầm trọng hơn. Mà thay vào đó, bạn nên hạn chế làm những việc sau đây để kiểm soát tình trạng nghẹt mũi:
- Tắm nước lạnh và gội đầu thường xuyên
- Uống nước đá lạnh.
- Thức khuya, ít nghỉ ngơi.
- Uống quá ít nước.
- Thường không mặc áo ấm khi đi ngoài đường vào ban đêm hoặc lúc trời lạnh.
- Không chịu uống thuốc và thăm khám bác sĩ.
- Ít vận động, tập thể dục thể thao.
- Thường xuyên nhậu nhẹt, uống đồ uống có cồn, cafein.
- Chế độ ăn uống không đảm bảo, thiếu dưỡng chất.
Tóm lại, nghẹt mũi là tình trạng gây ra nhiều trở ngại trong cuộc sống của bạn. Vì thế, những cách hết nghẹt mũi mà Pharmacity đã cung cấp ở phía trên sẽ vừa mang lại hiệu quả cao mà bạn lại có thể áp dụng ngay tại nhà. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn giải quyết nhanh chóng triệu chứng này. Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Bạn có thể xem thêm:
- Lựa chọn phương pháp phù hợp, hiệu quả trong điều trị táo bón
- Viêm loét dạ dày tá tràng là gì? Dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị
- Uống nghệ tươi có tác dụng gì? 2 công thức nước ép nghệ tươi tốt cho sức khỏe