Bệnh động mạch vành là tình trạng khi các động mạch vành tải máu đến cơ tim bị hẹp hoặc cản trở do mảng bám chất béo và cholesterol tích tụ trên bề mặt của mạch máu. Đây là loại bệnh phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới và Việt Nam. Vì vậy, việc tìm hiểu các thông tin về bệnh mạch vành là điều rất cần thiết cho mỗi chúng ta.
Dấu hiệu của bệnh mạch vành
Cơn đau thắt ngực hoặc khó thở khi gắng sức là dấu hiệu bệnh mạch vành phổ biến nhất. Người bệnh có cảm giác nặng, nghẹn, thắt, bóp nghẹt ở trong lồng ngực, thường bên ngực trái hoặc sau xương ức. Tình trạng này xảy ra khi gắng sức, căng thẳng, stress,… Cơn đau thường lan lên cổ, hàm, hai vai, cánh tay trái hoặc lan sau lưng.
Ngoài ra các dấu hiệu khác của bệnh mạch vành là:
- Đau ran vùng ngực
- Tê vùng ngực
- Đầy bụng
- Hụt hơi
- Đau ngực âm ỉ
Nguyên nhân của bệnh mạch vành
- Bệnh động mạch vành thường do sự lắng đọng cục bộ các khối lipid tại các động mạch vành lớn và trung bình làm xơ vữa mạch vành.
- Nguyên nhân bệnh mạch vành ít phổ biến hơn là do co thắt mạch vành.
- Trường hợp khác hiếm gặp hơn là do tắc động mạch vành vì:
- Viêm mạch máu
- Phình mạch
- Tác động mạch vành
- Huyết khối.
Ngoài ra, còn các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh mạch vành:
- Tuổi tác: Động mạch ở người lớn tuổi rất dễ bị tổn thương và trở nên hẹp hơn.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn nữ giới.
- Tiền sử gia đình: Nếu có người thân mắc bệnh tim mạch, đột quỵ thì nguy cơ bạn cũng mắc các bệnh này cao hơn.
- Các bệnh lý liên quan: Nếu bạn mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu hoặc béo phì thì nguy cơ bạn mắc bệnh mạch vành cao hơn.
- Lười vận động: Ít vận động sẽ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa (tăng huyết áp, tăng đường huyết, béo bụng, rối loạn mỡ máu), tăng nguy cơ bị bệnh mạch vành.
- Thừa cân, béo phì: người có chỉ số BMI > 23 sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạch vành.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Sử dụng nhiều thực phẩm chứa chất béo, thịt mỡ, thức ăn chiên xào, thức ăn nhanh, nhiều muối và chất bột, đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Nghiện rượu: Uống quá nhiều rượu và thức uống có cồn cũng là nguyên nhân quan trọng gây thiếu máu cơ tim và đau thắt ngực.
- Hút thuốc: Các chất hóa học trong thuốc lá có thể gây tổn thương cho thành mạch và gây viêm, làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành..
Các phương pháp chẩn đoán bệnh mạch vành
Để chẩn đoán bệnh động mạch vành mạn, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hỏi bệnh sử, hỏi các yếu tố nguy cơ chính đưa đến bệnh mạch vành, khám lâm sàng, nghe tim phổi và kết hợp với các cận lâm sàng chuyên biệt giúp chẩn đoán xác định bệnh.
Các cận lâm sàng cần làm để đánh giá và chẩn đoán bệnh mạch vành mạn gồm:
Xét nghiệm không xâm nhập:
- Điện tâm đồ gồm: điện tâm đồ lúc nghỉ, điện tâm đồ gắng sức, điện tâm đồ ghi liên tục 24 giờ. Đây là biện pháp đơn giản nhất giúp phát hiện những dấu hiệu của bệnh mạch vành. Điện tâm đồ là những tín hiệu xung điện trong quá trình hoạt động của quả tim. Thông qua điện tâm đồ, bệnh nhân sẽ được phát hiện những biểu hiện của thiếu máu cơ tim, hoại tử cơ tim.
- Siêu âm gồm: siêu âm tim gắng sức và doppler tim. Đây là xét nghiệm với nguyên lý hoạt động dựa trên sóng siêu âm để tạo ra những hình ảnh của trái tim khi tim hoạt động. Nó có thể phát hiện các biểu hiện của bệnh mạch vành như dấu hiệu tắc nghẽn, hình thành khối u, và tổn thương van tim.
- Xạ hình tưới máu cho cơ tim: Những kỹ thuật này sẽ cho ra hình ảnh giải phẫu mạch vành, mức độ vôi hóa mạch vành, mức độ hẹp mạch vành, vị trí hẹp mạch vành, dị dạng mạch vành, mức độ sống còn cơ tim
- Chụp CT động mạch vành hay chụp cộng hưởng từ động mạch vành: để tạo ra hình ảnh chi tiết về cấu trúc và chức năng của tim và đánh giá sự tắc nghẽn của động mạch.
Xét nghiệm xâm nhập:
- Thông tim và chụp động mạch vành là kĩ thuật được thực hiện trong phòng can thiệp tim mạch với những thiết bị và màn huỳnh quang tăng sáng hỗ trợ thực hiện để có cơ sở đánh giá chính xác hình ảnh động mạch vành. Đây là kỹ thuật hiện đại nhất để chẩn đoán bệnh mạch vành.
Bệnh mạch vành đang là bệnh có tỷ lệ tử vong cao và có xu hướng gia tăng nên việc phát hiện bệnh sớm để điều trị và hạn chế biến chứng rất là quan trọng.
Hy vọng bài viết tìm hiểu về dấu hiệu, nguyên nhân cũng như biện pháp chẩn đoán trên đây sẽ giúp mọi người có thêm kiến thức về bệnh mạch vành.