Viêm tai giữa là gì?
Viêm tai giữa là tình trạng tai giữa (khu vực phía sau màng nhĩ) bị nhiễm trùng gây sưng, đau, sốt, chảy dịch. Viêm tai giữa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi song phổ biến nhất là trẻ em từ 6-36 tháng tuổi do cấu trúc tai chưa phát triển hoàn chỉnh, miễn dịch yếu.
Theo số liệu thống kê, hơn 80% trẻ bị viêm tai giữa ít nhất một đợt ở tuổi lên 3. Dù đối tượng mắc viêm tai giữa chủ yếu là trẻ em nhưng bệnh lý này cũng có thể xuất hiện ở người lớn.
Viêm tai giữa là tình trạng tai giữa bị nhiễm trùng gây sưng, đau, sốt, chảy dịch
Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm tai giữa
Nguyên nhân viêm tai giữa chủ yếu do:
- Vi trùng hoặc siêu vi xâm nhập gây nhiễm trùng mũi họng, ngoài ra còn do tắc vòi nhĩ, viêm mũi xoang mủ, u ở vòm họng, biến chứng do viêm nhiễm đường hô hấp, trào ngược dạ dày, …
- Chấn thương như tai nạn hay hắt hơi hoặc xì mũi quá mạnh làm tổn thương màng nhĩ.
- Thói quen ngoáy tai không đúng cách hoặc tắm vệ sinh không cẩn thận để xà phòng hay nước lọt vào tai.
- Các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông thú vật, khói, bụi, thuốc lá… có thể làm các mô lympho phì đại, chặn vòi nhĩ và ngăn dịch chảy ra từ tai dẫn đến sự tích tụ dịch trong tai giữa và gây nhiễm trùng.
- Ở trẻ nhỏ còn do nguyên nhân là cấu trúc, chức năng của vòi nhĩ chưa trưởng thành về hệ thống miễn dịch nên còn yếu để chống lại vi khuẩn, virus trong tai gây ra.
Bệnh lý viêm xoang, viêm họng, viêm mũi dẫn ảnh hưởng đến đến tai
Các biến chứng của viêm tai giữa
Hầu hết các bệnh nhiễm trùng tai không gây ra các biến chứng bệnh viêm tai giữa lâu dài. Song nhiễm trùng tai nếu không được chữa dứt điểm, tái phát nhiều lần có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng nghe và sức khỏe lâu dài của người bệnh. Một trong số các biến chứng thường gặp nhất bao gồm:
- Làm giảm thính giác: Thông thường tình trạng mất thính lực nhẹ có thể xuất hiện và tự biến mất khi khỏi nhiễm trùng tai. Song nhiễm trùng tai lặp đi lặp lại, hoặc nhiễm trùng tai nặng phát mủ trong tai giữa, có thể dẫn đến mất thính lực nghiêm trọng, tổn thương màng nhĩ và mất thính lực vĩnh viễn.
- Chậm nói hoặc chậm phát triển: Nếu trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi bị suy giảm thính giác tạm thời hoặc vĩnh viễn, có thể gây chậm phát triển kỹ năng nói, giao tiếp xã hội và phát triển.
- Thủng màng nhĩ: Hầu hết tình trạng thủng màng nhĩ sẽ lành trong vòng 72 giờ, nhưng cũng nhiều trường hợp cần phải can thiệp phẫu thuật.
- Viêm não hoặc màng não: Nếu tình trạng nhiễm trùng không được điều trị hoặc không đáp ứng tốt với điều trị có thể lây lan sang các mô lân cận gây nhiễm trùng xương chũm gọi là viêm xương chũm. Viêm xương chũm có thể dẫn đến tổn thương xương và hình thành các u nang chứa đầy mủ. Nhiễm trùng tai giữa nghiêm trọng cũng có thể lây lan sang các mô khác trong hộp sọ, bao gồm não hoặc các màng bao quanh não gây viêm màng não.
Viêm tai giữa thường có biến chứng làm giảm thính giác
Điều trị các biến chứng bệnh viêm tai giữa
Việc điều trị viêm tai giữa nhằm mục đích phục hồi thính lực, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh lý mạn tính không phục hồi như viêm tai dính, xơ nhĩ, túi co kéo màng nhĩ hay xẹp nhĩ, ngăn ngừa viêm tai giữa cấp tái phát.
Cách chữa viêm tai giữa tại bệnh viện thường được áp dụng theo 2 phương pháp:
Điều trị bằng thuốc
Bác sĩ sẽ khám tai kết hợp điều tra bệnh sử để chẩn đoán và khi đã xác định mức độ nặng nhẹ của bệnh, người bệnh sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc như:
- Thuốc kháng sinh như amoxicillin, penicillin,… có tác dụng điều trị nhiễm khuẩn.
- Thuốc giảm đau, hạ sốt
- Thuốc chống dị ứng
- Thuốc chống sưng, phù nề, thuốc corticoid
- Thuốc xịt vệ sinh khoang mũi hoặc tai để làm sạch mủ.
Nếu phát hiện ứ đọng dịch mủ bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật để chích rạch để loại bỏ dịch mủ trong tai giữa ra ngoài. Tuy là thủ thuật nhỏ nhưng cần thực hiện bởi người có chuyên môn vì vậy bạn cần phải đến các cơ sở y tế uy tín để tránh gây tổn thương đến màng nhĩ.
Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật
Bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phẫu thuật viêm tai giữa đối với các trường hợp cụ thể như sau:
- Đối với viêm tai giữa mạn tính: Bác sĩ có thể chỉ định mổ viêm tai giữa bằng phương pháp vá màng nhĩ đơn thuần đối với trường hợp viêm tai giữa mạn tính kèm theo thủng màng nhĩ và không có bệnh tích về xương.
- Đối với viêm tai giữa chảy mủ tai: Trong trường hợp viêm tai giữa kèm theo cholesteatoma và viêm xương chũm mạn tính hoặc xuất hiện các biến chứng như biến chứng nội sọ do tai, thủng màng nhĩ, tái phát nhiều lần, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để ngăn ngừa các biến chứng, bảo tồn thính lực.
- Đối với viêm tai giữa cấp tính: Khi điều trị viêm tai giữa bằng phương pháp nội khoa không làm giảm tình trạng nhiễm trùng hoặc người bệnh bị viêm tai giữa tái phát nhiều lần, hoặc tình trạng viêm tai giữa ứ dịch kéo dài nhất là ở trẻ em, bác sĩ có thể chỉ phẫu thuật bằng các phương pháp:
- Nạo VA: khi VA bị nhiễm trùng hoặc phì đại
- Phẫu thuật đặt ống thông khí: các ống nhỏ được chèn vào tai để dẫn không khí và dịch từ tai giữa ra bên ngoài.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.