Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên toàn cầu, cứ 7 trẻ em từ 10-19 tuổi thì có 1 em mắc chứng rối loạn thần kinh, chiếm 13% gánh nặng bệnh tật toàn cầu ở nhóm tuổi này. Trầm cảm, lo âu và rối loạn hành vi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và khuyết tật ở thanh thiếu niên.
Vì sao độ tuổi thanh, thiếu niên dễ mắc các bệnh thần kinh?
Tuổi vị thành niên là thời điểm phát sinh nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần nhất. Tỷ lệ chẩn đoán bệnh thần kinh ngày càng gia tăng, trong đó thanh thiếu niên không chỉ mắc chứng rối loạn tâm trạng như trầm cảm mà còn mắc các bệnh thần kinh phổ biến nhất, chẳng hạn như tâm thần phân liệt hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
Tác động của những căn bệnh này là rất nghiêm trọng. Tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư ở những người từ 15-29 tuổi.
Lứa tuổi thanh thiếu niên là giai đoạn quan trọng để phát triển các thói quen xã hội và cảm xúc quan trọng đối với sức khỏe tinh thần. Thanh thiếu niên càng tiếp xúc với nhiều yếu tố nguy cơ thì tác động tiềm tàng đến sức khỏe tâm thần của họ càng lớn. Các yếu tố nguy cơ gây căng thẳng ở lứa tuổi này bao gồm:
- Đối mặt với nghịch cảnh, áp lực phải hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa.
- Ảnh hưởng của phương tiện truyền thông và chuẩn mực giới tính có thể làm trầm trọng thêm sự khác biệt giữa thực tế cuộc sống của thanh thiếu niên với nhận thức/nguyện vọng của họ về tương lai.
- Chất lượng cuộc sống gia đình và mối quan hệ với bạn bè đồng trang lứa.
- Bạo lực (đặc biệt là bạo lực tình dục và bắt nạt học đường), cách nuôi dạy con cái khắc nghiệt và các vấn đề nghiêm trọng về kinh tế xã hội.
- Điều kiện sống, sự kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc thiếu khả năng tiếp cận hỗ trợ chất lượng và các dịch vụ, bao gồm:
- Sống trong môi trường nhân đạo và mong manh.
- Mắc bệnh mãn tính, rối loạn phổ tự kỷ, thiểu năng trí tuệ hoặc tình trạng thần kinh khác.
- Mang thai, làm cha mẹ ở tuổi vị thành niên hoặc những người kết hôn sớm hoặc bị ép buộc kết hôn.
- Trẻ mồ côi và thanh thiếu niên thuộc các nhóm dân tộc thiểu số hoặc giới tính thứ ba hoặc các nhóm bị phân biệt đối xử khác.
Các dạng bệnh thần kinh thường gặp ở tuổi thanh, thiếu niên
Các dạng bệnh thần kinh phổ biến nhất ở thanh thiếu niên thuộc các loại sau:
- Rối loạn cảm xúc
- Rối loạn hành vi
- Rối loạn ăn uống
- Rối loạn tâm thần
- Tự tử và tự làm hại bản thân
- Hành vi chấp nhận rủi ro
Các biểu hiện và triệu chứng thường gặp của các dạng bệnh này
Rối loạn cảm xúc
Rối loạn cảm xúc thường gặp ở thanh thiếu niên. Rối loạn lo âu (có thể liên quan đến hoảng loạn hoặc lo lắng quá mức) là phổ biến nhất ở nhóm tuổi này. Người ta ước tính rằng 3,6% trẻ em từ 10–14 tuổi và 4,6% trẻ em từ 15–19 tuổi mắc chứng rối loạn lo âu. Trầm cảm được ước tính xảy ra ở 1,1% thanh thiếu niên từ 10–14 tuổi và 2,8% ở độ tuổi 15–19. Trầm cảm và lo âu có một số triệu chứng giống nhau, bao gồm những thay đổi tâm trạng nhanh chóng và bất ngờ.
Các rối loạn lo âu thường gặp:
- Ám ảnh: sợ hãi không có căn cứ và không cưỡng lại được trước các vật, đồ vật hoặc các tình huống. Ví dụ sợ gián, sợ chuột, sợ vật sắc nhọn, sợ độ cao, sợ chỗ trống, sợ đông người…
- Rối loạn lo âu lan tỏa: lo hãi triền miên về những tình huống không có thật.
- Rối loạn hoảng sợ: là các cơn hoảng sợ kèm theo các triệu chứng cơ thể như mạch nhanh, choáng váng, vã mồ hôi, run tay chân, thậm chí ngất xỉu…
- Rối loạn ám ảnh cưỡng bức: là các suy nghĩ, hành vi không phù hợp, không chống lại được dù biết là không đúng. Các ám ảnh cưỡng bức thường lặp đi lặp lại và gây đau khổ, lo lắng cho các cháu. Ví dụ như hành vi đếm ám ảnh hoặc rửa tay…
- Rối loạn stress sau sang chấn: bao gồm tái hiện các hoàn cảnh sang chấn và các triệu chứng cơ thể, tâm thần xảy ra ở trẻ bị các sự kiện gây stress như bị lạm dụng tình dục, nạn nhân hoặc nhân chứng của bạo lực, trải qua các thảm họa thiên tai…
Rối loạn lo âu và trầm cảm có thể ảnh hưởng sâu sắc đến việc đi học và học tập. Việc rút lui khỏi xã hội có thể làm trầm trọng thêm sự cô lập và cô đơn. Trầm cảm có thể dẫn đến tự sát.
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Thanh thiếu niên có các trạng thái cảm xúc thay đổi theo các giai đoạn từ hưng phấn sang ức chế, ở giữa là giai đoạn bình thường.
- Giai đoạn hưng phấn: Trẻ nói nhiều, đi lại nhiều, ngủ ít, cáu kỉnh, dễ bị kích thích và không làm được việc gì đến nơi đến chốn…
- Giai đoạn ức chế thì ngược lại có biểu hiện trầm cảm, chán nản, mệt mỏi, tự ti…
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực hay tái phát và tái diễn trong cuộc đời trẻ. Khoảng 1/100 người bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực có dấu hiệu bệnh lần đầu trong những năm tuổi thanh thiếu niên.
Rối loạn hành vi tăng động/giảm chú ý (ADHD)
Là một trong những rối loạn phát triển thần kinh phổ biến nhất ở trẻ em và thường kéo dài đến tuổi trưởng thành. Thanh thiếu niên bị rối loạn tăng động/giảm chú ý, thường mất tập trung, hiếu động thái quá và bốc đồng, xảy ra ở 3,1% trẻ 10–14 tuổi và 2,4% trẻ 15–19 tuổi. Rối loạn ứng xử (liên quan đến các triệu chứng của hành vi phá hoại hoặc thách thức) xảy ra ở 3,6% trẻ từ 10–14 tuổi và 2,4% ở trẻ từ 15–19 tuổi . Rối loạn hành vi có thể ảnh hưởng đến việc học tập của thanh thiếu niên và có thể dẫn đến hành vi tội phạm.
Rối loạn ăn uống
Người mắc hội chứng này có dấu hiệu chán ăn, cuồng ăn hoặc ăn uống không kiểm soát, thường xuất hiện ở tuổi thanh thiếu niên. Rối loạn ăn uống liên quan đến hành vi ăn uống bất thường và mối bận tâm với thức ăn, trong hầu hết các trường hợp đều kèm theo những lo lắng về trọng lượng và hình dáng cơ thể. Người mắc chứng cuồng ăn có nguy cơ sử dụng chất gây nghiện, tự tử và phát sinh những vấn đề tiêu cực khác.
Rối loạn tâm thần
Các tình trạng bao gồm các triệu chứng rối loạn tâm thần thường xuất hiện nhất ở tuổi vị thành niên hoặc tuổi trưởng thành sớm. Người mắc bệnh này có tuổi thọ thấp hơn người bình thường, dao động từ 10 – 20 năm. Tâm thần phân liệt đặc trưng bởi sự suy giảm đáng kể về nhận thức và thay đổi hành vi. Các triệu chứng gồm ảo tưởng dai dẳng, ảo giác, có suy nghĩ và hành vi vô tổ chức, kích động mạnh.
Tự tử và tự làm hại bản thân
Tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư ở thanh thiếu niên 15–19 tuổi. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến tự tử rất đa dạng, bao gồm việc sử dụng rượu có hại, lạm dụng thời thơ ấu, kỳ thị đối với việc tìm kiếm sự giúp đỡ, các rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc và tiếp cận các phương tiện tự sát. Phương tiện truyền thông kỹ thuật số, mạng xã hội có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường hoặc làm suy yếu các nỗ lực ngăn ngừa tự tử.
Hành vi chấp nhận rủi ro
Nhiều hành vi mạo hiểm vì sức khỏe, chẳng hạn như sử dụng chất kích thích hoặc mạo hiểm trong tình dục bắt đầu từ tuổi thiếu niên. Các hành vi chấp nhận rủi ro có thể là cách vô ích để đối phó với những khó khăn về mặt cảm xúc và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của thanh thiếu niên.
- Trên toàn thế giới, tỷ lệ uống nhiều rượu ở thanh thiếu niên từ 15–19 tuổi là 13,6% vào năm 2016, thường gặp ở nam giới hơn.
- Hút thuốc lá và cần sa là những mối lo ngại khác. Nhiều người trưởng thành hút điếu thuốc đầu tiên trước 18 tuổi. Cần sa là loại ma túy được sử dụng rộng rãi nhất trong giới trẻ với khoảng 4,7% thanh niên từ 15–16 tuổi sử dụng ít nhất một lần vào năm 2018 .
- Bạo lực là một hành vi chấp nhận rủi ro gây thương tích, phạm tội hoặc tử vong. Bạo lực giữa các cá nhân được xếp hạng trong số những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ vị thành niên vào năm 2019.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.