Bướu mạch máu còn có tên gọi khác là u mạch máu thường xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể, chủ yếu là ở vùng đầu, mặt và cổ. Hiện nay, bướu mạch máu thường được phân loại dựa trên tổ chức khối u hoặc các đặc điểm lâm sàng. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về bướu mạch máu qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Bướu mạch máu là một bệnh lý mạch máu thường gặp ở trẻ, bệnh được hình thành do các tế bào lót (nội mô) trong các mạch máu sinh sản nhanh chóng một cách bất thường. Bướu mạch máu trông như một vết bớt đỏ, hơn 80% nằm ở vùng đầu, mặt và cổ, phần lớn ở ngoài da hoặc mô mỡ dưới da. Tuy nhiên, cũng có một số ít trường hợp bướu nằm ở nội tạng như: gan, phổi, ruột,… thậm chí cả ở não.
Bướu mạch máu thường lớn rất nhanh vào thời điểm trẻ từ trên 2-9 tháng tuổi, đây là giai đoạn tăng trưởng của bướu. Sau đó, bướu phát triển chậm dần và bắt đầu đi vào thời kỳ thoái hóa và chuyển dần thành bướu sợi, mỡ hoặc hòa lẫn vào mô mỡ bình thường. Sự thoái hóa là 50% khi trẻ khoảng 5 tuổi, 70% khi trẻ 7 tuổi và thoái triển khi trẻ 10-12 tuổi. Đa số bướu mạch máu nhỏ và “lành tính” nhưng một số có diện tích khá lớn. Hiện nay, vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác tỷ lệ nguy hại do bướu mạch máu ở trẻ em.
Triệu chứng
Bướu mạch máu là bệnh thường gặp ở da nên có dấu hiệu nhận biết khá rõ ràng và biểu hiện dưới 3 cấp độ:
- Cấp độ nhẹ: Trên da có những vết thay đổi màu sắc, thường màu đỏ, đỏ tím hoặc phớt xanh. Ở giai đoạn này, chúng ít khi tạo thành khối u mà chỉ bằng phẳng như bớt ở trẻ sơ sinh.
- Cấp độ trung bình: Bướu mạch máu phát triển thành một khối u thực sự, gồ lên hoặc đội da lên thành một khối có hình dạng, kích thước rõ ràng. Chúng vẫn mang màu sắc như cũ, màu của máu trong khối u.
- Cấp độ nặng: Giống như dạng trung bình nhưng có biểu hiện kèm theo khi khối u vỡ ra hoặc biến chứng. Nếu khối u trên da thì sẽ chảy máu, khối u ở sâu trong cơ thể thì sẽ vỡ ra, loét. Ngoài ra, bệnh nhi còn có những dấu hiệu đặc thù ở các cơ quan có khối u to lên, chèn ép vào nội tạng.
Nguyên nhân
Giả thuyết liên quan đến căn nguyên gây bướu mạch máu bao gồm:
- Từ phôi thai, do di tích của trung bì phôi thai
- Nhiễm virus gây u nhú trên người, tiếng Anh còn gọi là Human Papillomavirus (HPV) gây mất kiểm soát điều hòa tăng sinh tế bào nội mạch của mạch máu.
- Do nội tiết tố: Người ta thấy nồng độ cao của 17-Beta Estradiol ở trẻ u máu.
- Heparin do các dưỡng bào tiết ra gây kích thích tế bào sợi và tế bào nội mạch tăng ở các trẻ bướu mạch máu.
Đối tượng nguy cơ
Bướu mạch máu thường gặp ở trẻ nhỏ, hình thành do sự tăng sinh của các mạch máu (gồm động mạch, tĩnh mạch và mao mạch). 59% bướu mạch máu xuất hiện khi ở trẻ sơ sinh, 40% trong tháng đầy và 30% ở trẻ đẻ non có cân nặng dưới 1,8kg.
Tỷ lệ bé gái mắc bệnh gấp 3 – 5 lần bé nam. Các yếu tố nguy cơ gồm trẻ thiếu tháng, thiếu cân và sinh đôi.
Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định
Chẩn đoán chủ yếu dựa vào sự tiến triển của 3 giai đoạn qua theo dõi, thăm khám lâm sàng. Điều quan trọng nhất là cần phải phân biệt thương tổn là u máu hay dị dạng mạch máu? U máu ở giai đoạn nào? Tăng sinh hay ổn định hay thoái triển? Một số phương pháp chẩn đoán xác định gồm:
- Siêu âm: Có thể giúp chẩn đoán trong giai đoạn tăng sinh và các u máu lớn.
- Chụp cộng hưởng từ hay chụp cắt lớp: Có thể giúp ích đối với các trường hợp u máu có biến chứng đe dọa đến tính mạng trẻ.
- Chụp mạch: Nên được chỉ định khi cần nút mạch.
- Sinh thiết: Thường không cần thiết vì hỏi tiền sử bệnh nhân và các dấu hiệu có trên lâm sàng sẽ biết u máu hay dị dạng mạch.
Chẩn đoán phân biệt
U máu nông với giãn mao mạch hay giai đoạn đầu của u máu nông, dị dạng mao mạch: Cần phải theo dõi trong những tháng đầu sau sinh để phân biệt chẩn đoán.
U máu sâu với những u máu lành tính bẩm sinh: Loại u máu này đã đạt tới sự tăng sinh cực điểm của tế bào nội mạch ngay từ khi mới sinh. Loại u máu này chia lần 2 loại: u máu bẩm sinh thoái triển nhanh và u máu bẩm sinh không thoái triển. Các loại u máu này thường không cần can thiệp.
U máu sâu lành tính mắc phải với:
- U nguyên bào mạch
- U mạch nội mô dạng Kaposi
- Dị dạng tĩnh mạch
- Dị dạng bạch mạch
- Dị dạng động – tĩnh mạch
- Loạn sản phôi mạch máu.
Phòng ngừa bệnh
Mặc dù vẫn chưa xác định nguyên nhân cụ thể gây bệnh bướu mạch máu ở trẻ em nhưng bố mẹ cần chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ, đặc biệt khi trẻ gặp các tổn thương do côn trùng cắn, chấn thương… Đối với những trường hợp này, việc kiểm soát tốt và điều trị kịp thời các tổn thương ở vùng mạch máu giúp giảm nguy cơ phát triển thành bướu mạch máu.
Điều trị bướu mạch máu như thế nào?
Do tính chất lành tính và biến mất tự nhiên của bướu mạch máu nên 90% trẻ không cần chữa trị gì. Việc điều trị trong giai đoạn sớm chỉ áp dụng cho những bướu nằm ở vị trí đặc biệt ảnh hưởng đến những chức năng bình thường của trẻ như: thở, nhìn, ăn uống, đi vệ sinh. Trong một số trường hợp, bướu mạch máu có biến chứng như chảy máu, loét, nhiễm trùng, hay ảnh hưởng đến thẩm mỹ về sau cũng cần điều trị. Một số phương pháp được sử dụng để điều trị được áp dụng như:
- Laser (tia xạ, đốt) là biện pháp duy nhất cho các dị dạng mạch máu loại mao mạch (còn gọi là bớt rượu vang), thời điểm tốt nhất là từ 3-6 tháng tuổi bắt đầu điều trị mỗi 2 tháng.
- Uống thuốc: Hiện tại có 2 loại thuốc trẻ có thể dùng, thứ nhất là Corticoid uống, cần cân nhắc kỹ vì thuốc có nhiều tác dụng phụ, khoảng 1/3 trẻ có đáp ứng. Thuốc thứ 2 là Propranolol dùng với liều rất nhỏ 0.5-1 mg/kg/24h. Vì là thuốc tim mạch sẽ ảnh hưởng đến nhịp tim, phụ huynh tuyệt đối không được tự ý cho trẻ uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Phụ huynh không nên ngưng giữa chừng khi đang điều trị vì bướu dễ có hiện tượng dội ngược “rebound”, tức là tăng sinh trở lại nhiều hơn sau ngưng thuốc. Phụ huynh bắt buộc phải hỏi ý kiến bác sĩ thêm nếu muốn ngưng thuốc.
- Tiêm Corticoid: đạt được hiệu quả đáng kể và ít nguy hiểm hơn nhiều so với uống Corticoid, chích thuốc tại chỗ kèm theo dõi định kỳ là biện pháp hiệu quả cao, đặc biệt với bướu máu của tuyến mang tai.
- Phẫu thuật: Rất hiếm khi có chỉ định phẫu thuật, trừ khi bướu làm ảnh hưởng tới chức năng hoặc biến dạng nơi mang bướu, nhất là các bướu ở vùng mắt, ống tai, đường thở…
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về bướu mạch máu. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.