Bướu giáp lan tỏa là bệnh khá phổ biến ở nhiều người. Bướu giáp lan tỏa thông thường là dạng bướu giáp lành tính. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vẫn có người mắc bướu giáp nhiễm độc, ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Cùng tìm hiểu về bệnh bướu giáp lan tỏa qua bài viết sau.
Tổng quan chung
Bướu giáp lan tỏa là tình trạng tuyến giáp to ra. Nếu tuyến giáp to đều (cả 2 bên) gọi là bướu giáp lan tỏa. Hầu hết bướu giáp lan tỏa đều lành tính, không nguy hại đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu không khám và theo dõi thường xuyên, bướu giáp lan tỏa có thể gây nhiều biến chứng: loạn nhịp tim, mờ mắt, lồi mắt,… Có hai loại bướu giáp lan tỏa: bướu giáp lan tỏa không độc và bướu giáp lan tỏa nhiễm độc.
- Bướu giáp lan tỏa không độc (bướu giáp lan tỏa lành tính)
Các bướu giáp lan tỏa đơn thuần (chức năng tuyến giáp bình thường), về lâu dài có xu hướng dẫn đến suy giáp, một số diễn biến thành cường giáp (lúc này gọi là bướu giáp độc). Cần kiểm tra chức năng tuyến giáp định kỳ để phát hiện sớm các diễn biến này.
- Bướu giáp lan tỏa nhiễm độc (hay còn gọi là Basedow)
Bướu cổ lan tỏa nhiễm độc (Basedow) là bệnh cường giáp kết hợp với bướu phì đại lan tỏa. Bệnh có thể do nhiễm khuẩn, di truyền, tổn thương tinh thần,… Nguyên nhân cơ bản trong cơ chế dẫn đến bệnh Basedow là tăng tiết hormon giáp.
Triệu chứng bướu giáp lan tỏa
Người mắc thường có những triệu chứng rất đa dạng từ nhẹ đến nặng nề. Tuy nhiên, triệu chứng thường gặp nhất là cường giáp, do lượng hormone tăng quá cao trong máu. Hormone giáp tăng làm kích thích mọi cơ quan hoạt động quá mức cần thiết gây nên những triệu chứng như:
- Đổ mồ hôi nhiều, sợ nóng.
- Sạm da, da ấm, ẩm.
- Rụng lông tóc.
- Tiêu chảy.
- Thường xuyên tiểu đêm, tiểu nhiều lần.
- Rối loạn kinh nguyệt ở nữ.
- Lo lắng quá mức, kích thích, có khi trầm cảm.
- Hồi hộp, tim đập nhanh, đánh trống ngực.
- Dễ mệt mỏi, ngay cả khi vận động nhẹ.
Nguyên nhân gây ra bướu giáp lan tỏa
Sự bất thường của nguồn cung cấp hoặc chuyển hóa i-ốt luôn dẫn đến bệnh bướu cổ. Hormone tuyến giáp được tổng hợp từ iốt. I-ốt có trong thức ăn và đất. Ở những vùng núi và môi trường mưa, i-ốt bị rửa trôi khỏi đất khiến lương thực, thực phẩm không có hoặc chứa ít i-ốt. Điều này giải thích tại sao cư dân của những khu vực miền núi có nguy cơ bị bướu cổ cao hơn do chế độ ăn uống ít i-ốt.
Dù không nguy hiểm nhưng người bệnh cần khám sức khỏe định kỳ với bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường để sớm phát hiện các diễn tiến xấu. Bởi về lâu dài, bướu giáp lan tỏa lành tình có nguy cơ dẫn đến suy giáp, cường giáp (bướu giáp độc).
Đối tượng nguy cơ mắc bướu giáp lan tỏa
Những yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh bướu giáp lan tỏa (bướu giáp độc) bao gồm:
- Nữ giới
- Trong độ tuổi từ 30 đến 50
- Mắc bệnh tự miễn khác
Chẩn đoán bướu giáp lan tỏa
- Xét nghiệm chức năng của tuyến giáp
Bằng cách lấy mẫu máu, bác sĩ kiểm tra lượng hormone giáp trong cơ thể. Nếu lượng hormone cao, người bệnh sẽ được chẩn đoán cường giáp, ngược lại sẽ chẩn đoán suy giáp. Việc xét nghiệm này rất quan trọng đối với tất cả các bệnh lý tuyến giáp.
- Siêu âm tuyến giáp
Siêu âm cực kỳ có giá trị trong đánh giá bướu giáp lan tỏa. Phương pháp này giúp đánh giá hình thái tuyến giáp rõ ràng. Hình ảnh thu được thường có mật độ đồng nhất trên hình ảnh siêu âm ở cả hai thùy tuyến giáp. Ngoài ra, có thể giúp kiểm tra mức độ xâm lấn của bướu giáp đến các cơ quan lân cận.
- Xạ hình tuyến giáp
Xạ hình rất hữu ích để phân biệt bướu giáp lan tỏa với bướu giáp nhân. Nếu có nhân giáp, hình ảnh bắt xạ tại một vùng trong tuyến sẽ cho thấy nhân nóng hay lạnh. Ngược lại, bướu lan tỏa sẽ bắt xạ toàn bộ tuyến.
Phòng ngừa bệnh bướu giáp lan tỏa
Để phòng bệnh bướu cổ quan trọng nhất là chế độ ăn hằng ngày cần bổ sung đầy đủ i-ốt. Việc bổ sung i-ốt phải phù hợp nhu cầu sinh lý, hằng ngày và liên tục kể cả sau khi đã giải quyết các rối loạn do thiếu i-ốt.
Theo khuyến cáo WHO, lượng i-ốt trong khẩu phần ăn hằng ngày như sau:
- 150 mcg/ngày đối với thanh thiếu niên và người trưởng thành
- 200 mcg/ngày đối với phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú
- Trẻ em từ 1-11 tuổi: 90-120 mcg/ngày
- Trẻ sơ sinh 0-12 tháng: 50 mcg/ngày
Đối với người bị bướu giáp lan tỏa không độc, người bệnh nên:
- Ăn nhiều rau củ, cung cấp đủ i-ốt cho cơ thể: rong biển, hải sản, cá, rau có màu xanh thẫm, cà rốt, khoai lang, trái cây (cam, quýt,…).
- Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn.
Người bệnh bướu giáp lan tỏa nhiễm độc nên:
- Ăn thực phẩm giàu đạm, kẽm, canxi, vitamin A, vitamin E,… tránh tình trạng gầy yếu, suy kiệt sức khỏe.
- Khi chọn thực phẩm, nên chọn loại có chỉ số đường huyết thấp (dưới 55). Một số thực phẩm được gợi ý: thịt nạc heo, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, súp lơ, cải lá xoăn, bắp cải, củ cải, rau dền, cà rốt, chuối, kiwi, cam, táo, cà rốt, đu đủ, xoài,…
- Không nên ăn thịt đỏ (thịt bò, thịt trâu, thịt cừu,…), sữa và các sản phẩm từ sữa (phô mai, yaourt, váng sữa,…), đường và thực phẩm chứa nhiều đường (bánh ngọt, nước có gas,…), gia vị cay, nóng, chất kích thích, thức uống có cồn.
Điều trị như thế nào?
Bướu giáp lan tỏa thường là lành tính. Bướu giáp lan tỏa nhỏ thường không có triệu chứng nên không cần điều trị.
Bướu giáp lớn hơn gây chèn ép, khó nuốt, khó thở hoặc bướu to gây mất thẩm mỹ có thể điều trị bằng Levothyroxin liều ức chế TSH xuống ở giá trị tối thiểu, làm thu nhỏ bướu giáp và giảm các triệu chứng. Một số trường hợp cần phẫu thuật để giảm triệu chứng hoặc vì thẩm mỹ, phẫu thuật không làm thay đổi bản chất của bệnh gây ra bướu giáp.
Đối với bướu giáp lan tỏa nhiễm độc (Basedow) tuy không có cách chữa nhưng có những phương pháp trị liệu làm giảm lượng hormone tuyến giáp (thyroxin) và giảm nhẹ triệu chứng. Thuốc sử dụng có thể là: Beta-blockers làm giảm triệu chứng của nhịp tim, đổ mồ hôi và lo lắng, thuốc Antithyroid để giảm số lượng hormone thyroxine. Các tuyến giáp hoạt động quá mức cần được điều trị bằng iod phóng xạ hoặc phẫu thuật tuyến giáp.
Vì vậy, bạn nên tìm hiểu và nhận thức sớm về các triệu chứng và đề xuất phương pháp điều trị có thể giúp ngăn chặn sự tiến triển của bướu giáp lan tỏa và giảm nguy cơ phát sinh biến chứng nguy hiểm. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo theo dõi và điều trị bệnh hiệu quả.