Bướu giáp keo là tình trạng tuyến giáp phì đại không kèm theo rối loạn chức năng tuyến giáp, bên trong bướu chứa dịch keo. Bệnh xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone để đáp ứng nhu cầu trao đổi chất của cơ thể. Vậy bướu giáp keo có nguy hiểm không? Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về bướu giáp keo.
Tổng quan chung bướu giáp keo
Việc trang bị những kiến thức về bướu giáp keo có thể giúp bạn phát hiện, phòng tránh cũng như cải thiện tốt hơn tình trạng này.
Bướu giáp keo hay còn có tên gọi khác là bướu cổ nang keo tuyến giáp, là tình trạng kích thước tuyến giáp to lên, bên trong có chứa dịch keo. Tình trạng này gây ra do tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết để cung cấp cho các hoạt động của cơ thể. Mặc dù là một bệnh lành tính, như khi siêu âm bướu giáp keo có thể được thể hiện bằng các biểu hiện của bệnh ác tính.
Triệu chứng bướu giáp keo
U nang keo tuyến giáp phần lớn không gây ra triệu chứng gì đặc biệt. Do đó, người bệnh khó nhận biết được mình có bị nang keo tuyến giáp hay không. Các trường hợp phát hiện ra bị bướu giáp keo chủ yếu qua thăm khám sức khỏe định kỳ có làm siêu âm tuyến giáp thấy xuất hiện hình ảnh nang keo.
Trường hợp u nang keo tuyến giáp to lên, người bệnh có thể tự nhận thấy vùng cổ trước của mình to ra hoặc lồi lên một khối. Khi sờ nắn vào khối này mềm, không đau, không thấy có hạch xung quanh. Nếu bướu giáp keo to quá có thể gây ra các biến dạng cổ, chèn ép vào xung quanh gây khó thở, khó nuốt, nuốt nghẹn…
Thông thường u nang keo tuyến giáp lành tính không kèm theo các dấu hiệu của thay đổi chức năng giáp. Như không có dấu hiệu lâm sàng của cường giáp với các triệu chứng như hồi hộp trống ngực, run tay chân, gầy sút cân…. Các biểu hiện hay dấu hiệu của suy giáp cũng không xuất hiện.
Nguyên nhân bướu giáp keo
Nguyên nhân chủ yếu do chế độ ăn uống không đủ iốt, thường xảy ra ở một số khu vực địa lý thiếu iốt (cách xa vùng biển). Khu vực có bệnh bướu cổ lưu hành nếu có hơn 10% trẻ em từ 6 – 12 tuổi bị bệnh.
Ngoài ra, nguyên nhân gây bệnh còn đến từ những rối loạn khác trong cơ thể, dùng thuốc, ăn nhiều thức ăn chứa goitrogens (như sắn, bắp cải, su su,…).
Đối tượng nguy cơ mắc bệnh bướu giáp keo
Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Nữ giới
- Người trên 40 tuổi
- Chế độ ăn uống không đủ iốt
- Sống trong vùng dịch tễ
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh bướu cổ
Chẩn đoán bướu giáp keo
Các bất thường của tuyến giáp có thể được phát hiện qua khám bệnh (nhìn, sờ, nghe, hoặc một số nghiệm pháp đặc biệt), hoặc phát hiện sớm qua khám sức khỏe định kỳ. Sau đó bác sĩ có thể sử dụng một số xét nghiệm để chẩn đoán và đánh giá bệnh bướu cổ.
Các phương pháp chẩn đoán bao gồm:
- Siêu âm tuyến giáp: Thông qua kỹ thuật này, bác sĩ có thể “nhìn thấy” tuyến giáp, biết được kích thước, xem xét có hay không sự xuất hiện của bướu giáp keo và bướu ở dạng lan tỏa hay nốt.
- Xạ hình tuyến giáp: Kỹ thuật xem xét được kích thước, hình dạng và vị trí tuyến giáp; các khu vực tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc kém hoạt động.
- Chọc hút nang: Người bệnh sẽ được thực hiện sinh thiết tuyến giáp bằng kim nhỏ (FNA). Kỹ thuật viên sẽ lấy một mẫu mô/ tế bào, sau đó xem xét dưới kính hiển vi phòng thí nghiệm. Kỹ thuật này được thực hiện để loại trừ ung thư.
- Xét nghiệm kháng thể: Thông qua xét nghiệm máu, có thể tìm kháng thể (một loại protein được sinh ra bởi các tế bào bạch cầu) bất thường gây ra bướu cổ.
- Xét nghiệm hormone: Xem xét lượng hormone do tuyến giáp và tuyến yên sản xuất. Mức độ hormone quá thấp hoặc quá cao cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.
- Quét tuyến giáp: Một lượng nhỏ đồng vị phóng xạ được tiêm vào tĩnh mạch để hình ảnh tuyến giáp hiện rõ trên màn hình máy tính. Thông qua hình ảnh thu được, bác sĩ sẽ biết được kích thước và chức năng của tuyến giáp. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ cần thiết trong một số trường hợp nhất định.
Phòng ngừa bướu giáp keo
Một số thói quen trong ăn uống có thể giúp bạn phòng ngừa và hạn chế bệnh bướu cổ tiếp tục phát triển bao gồm:
- Bổ sung đủ lượng iốt. Bạn có thể dùng muối iốt, ăn hải sản, rong biển 2 lần/tuần. Một số loại trái cây, rau quả, sữa bò và sữa chua cũng có nhiều iốt. Một người bình thường cần 150mcg iốt mỗi ngày. Tuy nhiên, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai sẽ dùng một lượng khác. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
- Tránh dùng quá nhiều iốt. Bạn có biết tiêu thụ quá nhiều iốt cũng dẫn đến bướu cổ. Nếu bạn bị bướu tuyến giáp vì nguyên nhân này, hãy hạn chế dùng muối iốt, cũng như ăn hải sản.
Điều trị bướu giáp keo như thế nào?
Đây là căn bệnh tương đối điều trị dứt điểm. Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị dựa vào kết quả tế bào học. Mục tiêu điều trị đó là giảm triệu chứng, ngăn biến chứng và ngăn khả năng bệnh tiến triển nặng.
Những cách thức điều trị hiện nay đối với bướu giáp keo là:
- Chọc hút dịch nang bằng kim.
- Phẫu thuật.
- Điều trị bằng hóa chất.
- Điều trị bằng xạ chất.
- Điều trị bằng tia laser.
- Làm xơ cứng nang giáp.
Tuy nhiên, không phải trường hợp bướu keo tuyến giáp nào cũng cần phải điều trị đặc biệt. Một số trường hợp nang nhỏ không triệu chứng và không có nguy cơ tiến triển nặng sẽ được theo dõi định kỳ.