HIV/AIDS là mối hiểm họa đối với tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế của toàn xã hội. Trong thời đại y tế phát triển như hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm cho loại bệnh này nên mọi người cần phải hiểu rõ để có giải pháp để tránh lây nhiễm HIV/AIDS nhằm xây dựng xã hội khoẻ mạnh hơn.
HIV/AIDS là gì?
HIV (Human Immunodeficiency Virus) là một loại vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, còn gọi là AIDS (Acquired Immunodeficiency Syndrome). HIV tấn công và phá hủy các tế bào miễn dịch CD4, làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và ung thư cao hơn. Khi số lượng tế bào CD4 giảm xuống dưới một mức độ nhất định, người bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn AIDS, giai đoạn cuối của nhiễm HIV.
Khả năng tồn tại và hoạt động của HIV:
- Khả năng tồn tại: HIV tồn tại trong cơ thể người tới khi chết, sau chết vẫn tồn tại được từ 1 – 2 ngày. HIV chết khi đun sôi, sấy hoặc hấp. Tồn tại trong máu khô tới 72 giờ.
- HIV gồm 2 chủng là HIV-1 bắt nguồn từ tinh tinh, khả năng lây truyền rất cao và HIV-2 bắt nguồn từ một loài khỉ ở châu Phi (Sooty mangabey).
- Khi xâm nhập vào cơ thể, virus HIV nhân lên và tấn công làm chết tế bào miễn dịch lympho T. Dẫn đến hệ thống miễn dịch không hoạt động suy yếu dần, dễ nhiễm các bệnh nhiễm trùng và sức khỏe suy kiệt. Tuy vậy, dùng thuốc vẫn kiểm soát được virus, hệ miễn dịch được cải thiện hơn, sức khỏe tốt hơn.
Biểu hiện của bệnh HIV/AIDS
Biểu hiện HIV qua các giai đoạn:
Hội chứng nhiễm vi rút cấp tính:
Kéo dài 2-6 tháng, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng tương tự như cảm cúm nên họ chủ quan như sốt, mệt mỏi, đau họng,…
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị, suy nhược, sưng hạch đặc biệt ở cổ và bẹn sau khi nhiễm từ 2 – 4 tuần. Phản ứng của hệ miễn dịch cũng có thể khiến người bệnh cảm thấy vô cùng mệt mỏi và buồn ngủ, thường cảm thấy đau cơ, khớp hoặc buồn nôn, tiêu chảy.
Giai đoạn không có triệu chứng biểu hiện:
- Người bệnh khỏe mạnh, không có triệu chứng hoặc chỉ một vài triệu chứng nhẹ, không liên tục, không đặc hiệu.
- Virus trong giai đoạn này vẫn có thể được lây truyền trong cộng đồng do người bệnh không nhận thức được bản thân đã nhiễm HIV. Điều này làm tăng khả năng lây nhiễm nếu không được phát hiện sớm.
Giai đoạn có những triệu chứng biểu hiện nhẹ:
Ở giai đoạn này sức đề kháng và hệ miễn dịch đã bị suy giảm nặng nề, bệnh nhân có các dấu hiệu HIV như sút cân nhẹ, loét miệng, phát ban, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên tái phát nặng hơn. Những triệu chứng này lặp đi lại liên tục với tần suất cao.
Giai đoạn tiến triển nặng AIDS:
- Người bệnh bắt đầu nổi hạch toàn thân kèm theo đó là những cơn sốt, tiêu chảy kéo dài đến hơn một tháng, sút cân mạnh (khoảng 10% thể trọng cơ thể). Nguyên nhân là do cơ thể mất đi hệ miễn dịch bảo vệ nên vi khuẩn, virus dễ dàng tấn công gây bệnh.
- Khi bệnh tiến triển nặng hơn, nấm miệng, u phổi phát triển không ngừng,… Các bệnh lý về cơ xương khớp hay viêm loét miệng, miệng bị hoại tử rất nhanh. Vào giai đoạn này người bệnh dễ bị tử vong do các nhiễm trùng như viêm màng não, viêm phổi, viêm ruột, ung thư hạch…
- Giai đoạn AIDS được xem là “sự kết thúc” của người nhiễm HIV. Bởi các nỗ lực điều trị đều không mang đến kết quả khả quan. Mục đích chính là nhằm kéo dài sự sống của người bệnh.
Biện pháp phòng ngừa bệnh HIV/AIDS
Hiện nay chưa có vacxin phòng HIV/AIDS nên từ những con đường lây truyền bệnh, chúng ta cần lưu ý những biện pháp sau để phòng bệnh hiệu quả:
Biện pháp phòng HIV qua đường quan hệ tình dục:
- Quan hệ một vợ một chồng, không quan hệ bừa bữa, thực hiện quan hệ tình dục lành mạnh.
- Nếu thực hiện quan hệ với đối tượng không rõ tình trạng HIV hãy dùng biện pháp an toàn cùng với thường xuyên xét nghiệm HIV.
- Thường xuyên thăm khám phụ khoa (cả nam và nữ) để kịp thời phát hiện và điều trị các loại viêm nhiễm ở cơ quan sinh lý. Điều này cũng hỗ trợ trong việc giảm nguy cơ lây nhiễm HIV AIDS
Biện pháp phòng ngừa HIV AIDS qua đường máu:
- Tránh xa tiêm chích ma tuý.
- Chỉ thực hiện xét nghiệm máu hay sử dụng dụng cụ phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu khi các vật dụng đã khử trùng sạch sẽ.
- Truyền và nhận máu/các vật phẩm từ máu khi đã xét nghiệm âm tính với HIV
- Tránh chạm vào máu của người khác và chất dịch cơ thể khác như tinh dịch, dịch âm đạo, niêm mạc trực tràng, sữa mẹ, dịch ối, dịch não tủy và hoạt dịch trong khớp.
- Không bao giờ dùng chung bơm kim tiêm (hình thức dễ dàng mang HIV từ người này sang người khác).
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân như: bàn chải răng, dao cạo, bấm móng tay,…
Biện pháp phòng ngừa HIV/AIDS lây từ mẹ sang con:
- Phụ nữ bị nhiễm virus HIV không nên mang thai, nếu lỡ có thì không nên sinh con (tỷ lệ lây truyền sang con lên đến 30%)
- Nếu muốn sinh con khi đang nhiễm HIV hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn.
- Sau khi sinh con nên cho con dùng sữa công thức thay vì sữa mẹ.
Ngoài ra:
- Tránh uống rượu và tuyệt đối không sử dụng ma túy đều là những chất ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ và hành động, thúc đẩy những hành vi không an toàn làm tăng nguy cơ nhiễm HIV.
- Bài trừ các tệ nạn xã hội (mại dâm, ma túy…)
- Hiểu rõ cách thức lây lan của HIV để có biện pháp phòng tránh sự tiếp xúc của bản thân với các con đường lây nhiễm HIV.
Trên đây là những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS và những biện pháp phòng tránh căn bệnh này. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp bạn đọc có những biện pháp phòng tránh hiệu quả căn bệnh thế kỷ cũng như không còn định kiến, kỳ thị đối với những bệnh nhân không may nhiễm HIV/AIDS.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.