Trong giai đoạn hiện đại hóa hiện nay bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) là 1 bệnh phổ biến, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai, góp phần ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người mẹ trong giai đoạn mang thai. Nguyên nhân có thể là do giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới do sự gia tăng estrogen và progesterone của mẹ trong thời kỳ mang thai. Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ cũng có thể làm giảm nhu động dạ dày, dẫn đến thời gian làm rỗng dạ dày kéo dài và tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Các triệu chứng phổ biến nhất của GERD là ợ nóng và trào ngược axit.. Vì vậy, nên áp dụng biện pháp phòng trào ngược dạ dày – thực quản càng sớm càng tốt
Biện pháp phòng tránh trào ngược dạ dày – thực quản trong thai kì
Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) là tình trạng axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây cảm giác khó chịu, ợ nóng, và đau ngực. Trong thai kỳ, tình trạng này thường xảy ra do sự thay đổi hormon và áp lực từ tử cung lớn dần. Dưới đây là một số biện pháp giúp phòng tránh và giảm nhẹ triệu chứng trào ngược dạ dày – thực quản cho phụ nữ mang thai:
-
Chia nhỏ bữa ăn: Thay vì ăn ba bữa lớn mỗi ngày, bạn nên chia thành nhiều bữa nhỏ để giảm áp lực lên dạ dày và thực quản. Việc này giúp tiêu hóa dễ dàng hơn và giảm thiểu nguy cơ trào ngược axit.
-
Tránh nằm ngay sau khi ăn: Sau khi ăn, bạn nên đứng hoặc ngồi thẳng ít nhất 30 phút để giúp thức ăn dễ dàng di chuyển xuống dạ dày và giảm thiểu nguy cơ axit trào ngược.
-
Nâng cao đầu khi ngủ: Sử dụng gối cao hoặc đặt một tấm ván dưới đầu giường để nâng cao đầu khi ngủ. Điều này giúp ngăn chặn axit dạ dày trào ngược lên thực quản.
-
Mặc quần áo thoải mái: Tránh mặc quần áo bó sát, đặc biệt là ở vùng bụng. Quần áo rộng rãi sẽ giúp giảm áp lực lên dạ dày và hạn chế tình trạng trào ngược.
-
Hạn chế các thực phẩm gây trào ngược: Các thực phẩm như cà phê, chocolate, đồ chiên xào, đồ cay, và các loại trái cây chua như cam, chanh, nên được hạn chế vì chúng có thể làm tăng tiết axit dạ dày và gây trào ngược.
-
Ngưng hút thuốc: Hút thuốc lá có thể làm giảm trương lực cơ vòng thực quản dưới và làm tăng trào ngược.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho phụ nữ có thai mắc GERD?
Nên điều chỉnh chế độ ăn uống trước khi cân nhắc đến việc sử dụng thuốc. Chỉ cân nhắc đến việc sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết và có chỉ định của bác sĩ. Sau đây là những thực phẩm và nước uống có thể sử dụng để phòng chống trào ngược dạ dày – thực quản mà các mẹ bầu có thể tham khảo để hạn chế sự khó chịu do trào ngược dạ dày – thực quản gây ra trong quá trình mang thai cũng như không ảnh hưởng đến em bé.
Trào ngược dạ dày nên ăn gì?
- Các loại rau xanh: Rau cải, bông cải xanh, cà rốt, và bí đỏ rất tốt cho dạ dày và giúp trung hòa axit.
- Các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt: Bánh mì nguyên hạt, yến mạch, và gạo lứt có thể giúp giảm triệu chứng trào ngược.
- Các loại protein không chứa chất béo: Thịt gà, cá, đậu hủ, và các loại đậu là nguồn protein tốt và ít gây trào ngược.
Trào ngược dạ dày nên uống gì?
- Nước lọc là giải pháp tối ưu nhất
- Sữa ít béo và sữa có nguồn gốc từ thực vật: sữa hạch nhân, sữa đậu nành, sữa hạt điều
- Nước ép trái cây: cà rốt, lê, bắp cải. Tránh các loại nước từ trái cây họ cam quýt
- Trà gừng
Thực phẩm nên tránh
- Đồ chiên xào và đồ ăn nhanh: Những thực phẩm này thường chứa nhiều chất béo và khó tiêu hóa, làm tăng nguy cơ trào ngược.
- Đồ uống có gas và caffein: Nước ngọt, cà phê, và trà đen có thể kích thích tiết axit dạ dày.
- Trái cây và nước ép có tính axit cao: Cam, chanh, bưởi, và các loại nước ép từ những loại trái cây này có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản.
Có thể sử dụng thuốc khi mắc GERD đối với phụ nữ có thai không?
Việc dùng thuốc khi mang thai cần phải hết sức thận trọng và nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Một số loại thuốc có thể được chỉ định để giảm triệu chứng GERD trong thai kỳ, nhưng cần đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Thuốc kháng axit: như antacid có thể giúp trung hòa axit dạ dày và giảm triệu chứng trào ngược. Tuy nhiên, bạn nên tránh các loại thuốc chứa nhôm vì chúng có thể gây táo bón.
Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc ức chế bơm proton như pantoprazole, lansoprazole, esomeprazole và rabeprazole được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phân loại là thuốc loại B, có nghĩa là chúng an toàn khi sử dụng trong thai kỳ, trừ omeprazol xếp loại C. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ dùng khi thực sự cần thiết.
Thuốc ức chế H2: như ranitidine có thể được sử dụng để giảm tiết axit dạ dày, nhưng cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Sucralfat: được xem là an toàn cho phụ nữ mang thai vì thuốc chủ yếu hoạt động tại chỗ trên niêm mạc dạ dày và thực quản, ít hấp thu vào máu.
Lưu ý khi sử dụng thuốc
Không nên tự ý dùng thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Mỗi người có tình trạng sức khỏe khác nhau, do đó cần được khám và tư vấn cụ thể để đảm bảo an toàn.
Kết luận
Các triệu chứng khó tiêu và trào ngược axit có thể gây khó chịu và đôi khi đau đớn, nhưng thường chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn trong thai kỳ và nhìn chung không gây nguy hiểm đáng kể cho sức khỏe. Vì vậy, một số phụ nữ mang thai có thể chọn không sử dụng thuốc điều trị. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như gây đau, ảnh hưởng đến giấc ngủ, thì việc điều trị bằng thuốc dưới sự chỉ định của bác sĩ hoặc chuyên viên y tế có thể được cân nhắc.
Tuân thủ các biện pháp phòng tránh, chế độ dinh dưỡng hợp lý và hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp bạn giảm thiểu và kiểm soát hiệu quả triệu chứng trào ngược dạ dày – thực quản trong thai kỳ