Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đái tháo đường thai kỳ (hay tiểu đường thai kỳ) “là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai”. Tình trạng này thường không có triệu chứng nên khó phát hiện và thường sẽ biến mất sau 6 tuần kể từ khi sinh.
Biến chứng của bệnh đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường trong thai kỳ làm tăng nguy cơ các kết cục sản khoa bất lợi cho cả người mẹ và thai nhi.
Đối với mẹ
Hậu của đái tháo đường thai kỳ đối với thai phụ:
– Tăng huyết áp thai kỳ.
– Sinh non.
– Đa ối (tình trạng có quá nhiều nước ối, gây đau nhiều trước khi đẻ).
– Sẩy thai và thai lưu.
– Nhiễm khuẩn tiết niệu.
– Viêm đài bể thận.
– Tăng nguy cơ mổ lấy thai.
Biến chứng tăng huyết áp thai kỳ của đái tháo đường thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng cho cả mẹ và thai nhi như: tiền sản giật, sản giật, tai biến mạch máu não, suy gan, suy thận, thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non và tăng tỷ lệ tử vong chu sinh (tử vong trước, trong và sau đẻ bảy ngày).
Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao bị đái tháo đường tuýp 2 sau 5-10 năm. 45% phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ tiếp tục bị đái tháo đường thai kỳ ở lần có thai sau.
Đối với thai nhi và trẻ sơ sinh
Hậu quả của đái tháo đường thai kỳ đối với thai nhi:
– Trong 03 tháng đầu: Thai không phát triển, sảy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh.
– Trong 03 tháng giữa và 03 tháng cuối: Thai nhi tăng tiết insulin làm thai tăng trưởng quá mức, thai to.
Hậu quả của đái tháo đường thai kỳ đối với trẻ sơ sinh:
– Tử vong ngay sau sinh (do xuất hiện tình trạng thiếu oxy, nhiễm toan của thai).
– Hạ glucose huyết tương.
– Các bệnh lý chuyển hóa.
– Bệnh lý đường hô hấp (hội chứng nguy kịch hô hấp).
– Dị tật bẩm sinh (thường gặp là: vô sọ, nứt đốt sống, não úng thủy, dị tật thần kinh khác, dị tật tim, dị tật thận, không có hậu môn).
– Tăng hồng cầu.
– Vàng da sơ sinh.
Trẻ sinh ra bởi mẹ bị đái tháo đường thai kỳ sẽ có nguy cơ cao bị béo phì, đái tháo đường tuýp 2, rối loạn tâm thần vận động. Nguy cơ này tăng gấp 8 lần khi đến 19-27 tuổi.
Phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường thai kỳ
Nếu được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, mẹ bầu cần được kiểm soát lượng đường trong máu của mình và duy trì ở mức an toàn để bảo vệ sức khỏe bản thân và thai nhi . Để làm được điều này, bạn cần thực hiện một số thay đổi trong lối sống, chẳng hạn như:
- Tuân thủ chế độ ăn có lợi cho người bệnh đái tháo đường: Chế độ ăn này phải đáp ứng được hai yêu cầu duy trì lượng đường trong máu ở giới hạn an toàn, nhưng vẫn cung cấp đủ calo và chất dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi.
- Tập thể dục nhiều hơn: Nếu sức khỏe của mẹ và em bé đều ổn, bác sĩ có thể đề nghị vận động các bài thể dục nhẹ.
- Kiểm tra lượng đường trong máu
- Uống thuốc: dùng theo toa chỉ định của bác sĩ nhằm kiểm soát lượng đường trong máu và bảo vệ thai nhi.
Biện pháp phòng ngừa bệnh đái tháo đường thai kỳ
Những biện pháp giúp phòng tránh đái tháo đường thai kỳ hiệu quả:
- Chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe: Các loại thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt… là lựa chọn tuyệt vời.
- Vận động thường xuyên: Hãy dành 30 phút vận động hợp lý, nhẹ nhàng mỗi ngày như tưới cây, lau dọn nhà cửa, đi bộ… cũng rất tốt cho sức khỏe mẹ và thai nhi.
- Giữ cân nặng hợp lý khi có ý định mang thai: Thừa cân – béo phì tiền mang thai là căn nguyên của một loạt vấn đề sức khỏe xảy đến trong thai kỳ, chẳng hạn như đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, sinh non… Do đó, nếu bạn thừa cân và đang có kế hoạch sinh em bé, hãy giảm cân để tạo nền tảng cho một thai kỳ khỏe mạnh.
- Tránh tăng cân hơn mức khuyến nghị trong thời kỳ mang thai: Việc tăng cân quá nhanh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, nhất là với những thai phụ thừa cân trước khi mang thai. Bác sĩ sẽ cho biết mức tăng cân hợp lý dành cho bạn, tùy thuộc vào cân nặng cũng như thể trạng của bạn và thai nhi.
- Duy trì các bài tập phù hợp với mẹ bầu để có một thai kỳ khỏe mạnh
Tổng kết lại, để phòng ngừa bệnh đái tháo đường thai kỳ cần chú trọng đến chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động thường xuyên để kiểm soát đường huyết ở trong ngưỡng an toàn. Không chỉ thế, việc thăm khám định kỳ, tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên cũng rất cần thiết để phối hợp, đẩy lùi đái tháo đường tuýp 2.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.