Viêm màng não là bệnh lý thần kinh nguy hiểm. Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ đối tượng nào, thường gặp nhất là ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, thanh thiếu niên. Bệnh viêm màng não dễ gây ra biến chứng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng nên tuyệt đối không được chủ quan, coi thường. Chính vì thế, việc nhận biết sớm các triệu chứng viêm màng não sẽ giúp chẩn đoán chính xác bệnh và có phác đồ chữa trị kịp thời.
Tổng quan chung
Viêm màng não là gì?
Màng não gồm 3 lớp với tên gọi từ ngoài vào trong là màng cứng, màng nhện và màng mềm. Các lớp màng này bao xung quanh não bộ và tủy sống. Chức năng chính của màng não là giúp bảo vệ hệ thần kinh trung ương.
Viêm màng não là tình trạng viêm của màng nhện và màng mềm bao bọc xung quanh não và tủy sống, thường là do sự lây lan của nhiễm trùng.
Các loại viêm màng não
– Viêm màng não do não mô cầu
– Viêm màng não do phế cầu khuẩn
– Viêm màng não do các virus đường ruột
– Viêm màng não do Haemophilus influenzae týp B (Hib)
Biến chứng của viêm màng não
Hầu hết bệnh nhân viêm màng não sẽ hồi phục hoàn toàn sau quá trình được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, đôi khi bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Biến chứng xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng lan đến các dây thần kinh, não hoặc các khu vực khác của cơ thể. Đối tượng thường gặp phải biến chứng viêm màng não là trẻ rất nhỏ hoặc người có hệ miễn dịch kém, nhưng cũng có thể xảy ra ở những người hoàn toàn khỏe mạnh. Thời gian điều trị càng muộn thì nguy cơ bị động kinh và có những tổn thương thần kinh vĩnh viễn sau này càng tăng lên. Người bệnh có thể bị:
- Mất thính giác
- Trí nhớ suy giảm
- Khuyết tật học tập, chậm phát triển trí tuệ
- Tổn thương não
- Có nhiều vấn đề trong dáng đi, tư thế
- Suy thận
- Động kinh
- Sốc
- Tử vong
Triệu chứng viêm màng não
Dấu hiệu viêm màng não ở người lớn
Các triệu chứng viêm màng não có thể cấp tính trong vòng vài giờ, vài ngày (căn nguyên virus, vi khuẩn) hoặc hàng tuần (do lao, do nấm,…).
Đôi khi, biểu hiện viêm màng não cũng không rõ ràng, điển hình, đặc biệt là viêm màng não ở người cao tuổi hoặc những người có bệnh lý nền (đái tháo đường, bệnh thận, bệnh gan, bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính, suy giảm miễn dịch,…)
Một số triệu chứng viêm màng não điển hình:
- Sốt cao
- Đau đầu dữ dội
- Buồn nôn, nôn vọt
- Tăng nhạy cảm với ánh sáng
- Đau cổ, cứng cổ gáy
- Co giật
- Buồn ngủ hoặc khó thức dậy
- Rối loạn chức năng não (hôn mê, lú lẫn, lơ mơ)
Dấu hiệu viêm màng não ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Vì trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có thể chưa biết nói, chưa biết thể hiện và diễn tả cụ thể các triệu chứng nên cha mẹ cần hết sức chú ý để nhận biết được trẻ bị viêm màng não. Các triệu chứng viêm màng não ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
- Sốt cao
- Khóc liên tục
- Ngủ li bì, mệt mỏi, da tái xanh
- Không hoạt động hoặc trì trệ
- Ăn kém
- Thóp phồng
- Gáy cứng
- Động kinh, co giật
Nguyên nhân viêm màng não
Viêm màng não có hai nguyên nhân chính: nhiễm khuẩn và không nhiễm khuẩn.
Các bệnh lý không nhiễm khuẩn thường có bệnh cảnh và tên gọi riêng nên khi đề cập đến viêm màng não thường nói đến viêm màng não nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm, virus hoặc ký sinh trùng lây lan trong cơ thể qua đường máu đến màng não
Các nguyên nhân gây bệnh viêm màng não gồm:
- Viêm màng não do nhiễm virus: Bệnh rất khó phát hiện, triệu chứng ban đầu có thể bị nhầm lẫn với các bệnh nhiễm virus khác như: cúm, COVID-19, sốt xuất huyết,… Bệnh có thể tự giới hạn và khỏi sau 7 – 10 ngày với những căn nguyên virus thông thường, điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng.
- Viêm màng não vi khuẩn:
- Một trong những dạng nguy hiểm của nhất của viêm màng não, dễ gây tử vong dù được phát hiện sớm. Trong vòng 24 giờ, vi khuẩn gây ra viêm màng não tiến triển nhanh làm tăng nguy cơ tử vong.
- Một số loại vi khuẩn hay gặp như: viêm màng não do liên cầu lợn: hay gặp ở những người làm nghề giết mổ lợn, chế biến thịt lợn sống, ăn tiết canh,… Bệnh thường để lại di chứng điếc không hồi phục
- Viêm màng não do HI (vi khuẩn Haemophilus influenzae type B): Bệnh thường gặp ở trẻ em, bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác thông qua hắt hơi, ho và tuyến nước bọt
- Viêm màng não do mô cầu: Xuất hiện nhiều nhất vào mùa đông và mùa xuân, có thể lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với bộ phận, vật dụng nhiễm vi khuẩn của người bệnh.
- Viêm màng não do phế cầu: Có nguy cơ cao ở người nghiện rượu, viêm xoang, đái tháo đường,…
- Viêm màng não do nấm: Các nhóm nấm hay gặp là cryptococcus, candida,… Bệnh thường xảy ra trên cơ địa suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, ghép tạng, điều trị hoá chất gây suy giảm miễn dịch…)
- Viêm màng não do ký sinh trùng: thường gặp ở các nước nhiệt đới, người có thói quen ăn rau sống, thực phẩm được chế biến từ thịt sống,…
Yếu tố nguy cơ của bệnh viêm màng não
Bất kỳ ai cũng có khả năng bị viêm màng não, nhưng bệnh này phổ biến hơn ở các nhóm đối tượng:
Có hệ miễn dịch suy giảm
Những người bị suy giảm miễn dịch dễ bị nhiễm trùng hơn so với người khỏe mạnh, khiến họ dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng gây viêm màng não. Một số vấn đề sức khỏe và phương pháp điều trị có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, đó là:
- HIV/AIDS
- Rối loạn tự miễn dịch
- Hóa trị liệu
- Cấy ghép nội tạng hoặc tủy xương
- Ung thư
- Thuốc ức chế miễn dịch
Có môi trường sống nhỏ hẹp
Bệnh viêm màng não rất dễ lây lan khi mọi người sinh sống cùng nhau trong không gian nhỏ như ký túc xá, doanh trại, trường học nội trú, trường mầm non…
Phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh listeriosis – một bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn Listeria gây nên. Nguy hiểm hơn, tình trạng nhiễm trùng có thể lây lan sang thai nhi.
Trẻ nhỏ và người lớn tuổi
Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não. Tuy nhiên, một số nhóm tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Trẻ em dưới 5 tuổi có nhiều khả năng mắc bệnh do virus. Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao mắc bệnh do vi khuẩn. Trong khi đó, người lớn tuổi có thể mắc một số bệnh lý nhiễm trùng – tiền căn của viêm màng não.
Thường xuyên tiếp xúc với động vật
Người làm công việc phải tiếp xúc với động vật hàng ngày như chăn nuôi gia súc, bác sĩ thú y… có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Listeria cao hơn.
Không tiêm chủng
Hiện nay, một số loại vắc xin phòng viêm màng não như viêm màng não do não mô cầu type BC, viêm màng não do mô cầu type ACYW, viêm màng não do phế cầu khuẩn chưa được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng. Do vậy tại nhiều địa phương, tỷ lệ tiêm ngừa các loại vắc xin này chưa cao.
Chẩn đoán bệnh viêm màng não
Để chẩn đoán viêm màng não, bác sĩ sẽ khám tổng quát tìm triệu chứng bệnh cũng như khai thác về tiền sử sức khỏe của bệnh nhân. Để có chẩn đoán xác định bệnh nhân có mắc bệnh hay không và nguyên nhân gây bệnh là gì thì cần phải làm các xét nghiệm cận lâm sàng:
- Chọc dò tủy sống để lấy dịch não tủy làm xét nghiệm: Viêm màng não mủ thường có lượng glucose giảm cùng với số lượng bạch cầu và protein tăng. Các căn nguyên do virus có thể dịch não tuỷ bình thường hoặc biến đổi nhẹ. Xét nghiệm dịch não tủy cũng có thể giúp xác định căn nguyên vi khuẩn nào gây ra bệnh viêm màng não (các xét nghiệm bao gồm: nhuộm soi, nuôi cấy hay PCR để chẩn đoán).
- Xét nghiệm máu nhằm đánh giá mức độ nhiễm trùng (số lượng bạch cầu, chỉ số viêm CRP, Procalcitonin,…)
- Chụp CT, MRI để chẩn đoán các biến chứng của viêm màng não.
Cách phòng ngừa viêm màng não
Viêm màng não là căn bệnh nguy hiểm, mỗi người nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh viêm màng não.
- Tiêm phòng vacxin viêm màng não ở tuổi 11 – 12 và tiêm nhắc lại ở tuổi 16 – 18. Ngoài ra, tiêm phòng sởi, quai bị, rubella và thủy đậu cũng có thể giúp ngăn ngừa các bệnh có thể dẫn đến viêm màng não.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác: Viêm màng não có thể lây qua đường hô hấp hoặc tiêu hoá hoặc khi tiếp xúc với bàn tay, vật dụng, đồ dùng có nhiễm vi khuẩn của người bệnh.
- Giữ khoảng cách nhất định với bệnh nhân: Vi khuẩn trong dịch tiết mũi và cổ họng cũng có thể lây lan qua ho và hắt hơi. Nên giữ khoảng cách tối thiểu 1m.
- Rửa tay sạch sẽ sau khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng, thay tã, hoặc sau khi ở nơi đông người, ho và hắt hơi.
- Ăn uống lành mạnh để bảo vệ và tăng cường hệ miễn dịch, bổ sung trái cây, rau, protein nạc, ngũ cốc nguyên hạt.
- Tập luyện thể dục thể thao, tăng cường sức khỏe.
Điều trị bệnh viêm màng não
Phương pháp điều trị viêm màng não phụ thuộc vào nguyên nhân, tình trạng của bệnh lý, đồng thời xem xét đến các yếu tố bệnh lý nền, biến chứng.
Bệnh nhân viêm màng não cần nhập viện để điều trị ngay để được bác sĩ theo dõi liên tục.
Điều trị viêm màng não dựa trên những nguyên tắc:
- Điều trị nguyên nhân: cần phân biệt nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn, virus hay nấm để sử dụng thuốc kháng sinh, kháng virus hay kháng nấm điều trị phù hợp.
- Chống phù não, giảm áp lực nội sọ: sử dụng Dexamethasone hoặc Corticoid khác nhằm giảm sự phù nề ở mô và làm giảm áp lực nội sọ trong hệ thống dịch não thất .
- Sử dụng thêm thuốc điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau, chống nôn,..
Kết luận
Viêm màng não là một căn bệnh nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, với sự hiểu biết đúng đắn và các biện pháp phòng ngừa hợp lý, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Hãy tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cần thiết, giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt và thực hiện lối sống lành mạnh để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi căn bệnh này. Nếu bạn hoặc người thân có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ viêm màng não, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chăm sóc sức khỏe của mình và những người thân yêu không chỉ giúp ngăn ngừa bệnh tật mà còn mang lại sự an tâm và chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.